Tạm dừng lương chỉ nên là giải pháp tình thế, căn cơ phải là tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực, theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắc Lắk).
Sáng 13/6, Quốc hội bắt đầu hai ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội, ngân sách...
Theo đó, tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ đề nghị lùi thời gian tăng lương cơ sở từ 1/7 (dự kiến tăng 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng). Đồng tình với đề nghị này, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh, cho rằng "đây chỉ nên là giải pháp tình thế, không phải giải pháp căn cơ".
Theo bà Xuân, giải pháp căn cơ lúc này phải là tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí, chống thất thu và đẩy mạnh đầu tư công để phát triển kinh tế.
Cũng đề cập tới đề xuất xin lùi thời gian tăng lương cơ sở từ 1/7, đại biểu Hoàng Đức Thắng nhận định "đây là quyết định tác động tới hàng triệu người". Ông Thắng nói Chính phủ cần "đánh giá tác động đầy đủ, báo cáo rõ chưa tăng lương kéo dài bao lâu, nguồn lực có được sẽ được dùng vào việc gì?".
"Trường hợp cân đối được nguồn lực thì cần xem xét tăng lương bởi đây cũng chính là chính sách an sinh", ông Thắng đề xuất.
Cũng tại phiên họp sáng nay, đại biểu Nguyễn Thị Yến - Phó bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu, đánh giá cao công tác phòng, chống COVID-19 của Việt Nam giúp "cuộc sống nhân dân gần trở lại bình thường". Tuy nhiên, bà Yến phản ánh hiện giá thịt lợn vẫn còn cao, do vậy Chính phủ cần có biện pháp kiểm soát, đưa ra gói hỗ trợ các doanh nghiệp, chủ trang trại tái đàn lợn, tránh việc phải nhập khẩu khối lượng lớn thịt từ nước ngoài.
Cùng mạch ý kiến này, bà Nguyễn Thị Xuân đề cập đến việc mất kiểm soát cung cầu đã đẩy giá thịt lợn lên cao trong gần một năm qua, cùng với đó là sự lúng túng, thiếu nhất quán trong xuất khẩu gạo. "Tôi cho rằng các Bộ có chức năng giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước như Nông nghiệp, Công Thương phải chịu trách nhiệm về việc này", bà Xuân nói.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 11/06/2020
10:00, 11/06/2020
16:40, 10/06/2020
16:00, 10/06/2020