Đừng xem nhẹ chuyện lương giáo viên

Diendandoanhnghiep.vn Trải qua 16 năm và 4 đời Bộ trưởng, phần lớn giáo viên vẫn vật vã bám trụ với nghề dù đồng lương không đủ sống, dù công việc ngày càng áp lực hơn.

>> Sách giáo khoa, chương trình mới và giáo viên cốt cán

Câu chuyện thiếu giáo viên (GV) trầm trọng mà không có nguồn tuyển, cùng với đó chỉ từ đầu năm đến nay đã có khoảng 16.000 GV trên cả nước nghỉ việc, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng nhìn nhận việc này “gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học”.

Một nguyên nhân lớn không thể không nói đến là chính sách tiền lương còn nhiều bất cập, đời sống GV vẫn còn quá nhiều khó khăn. Dù đã 16 năm trôi qua và 4 đời Bộ trưởng - tính từ thời điểm 2006 – khi đó ông Nguyễn Thiện Nhân đang đương nhiệm với lời hứa: GV sẽ sống được bằng lương! 

g

Không thể xem nhẹ việc tăng lương cho giáo viên. Ảnh: Quốc Tuấn

Thời điểm mới nhậm chức, tân Bộ trưởng  Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng nói “tiếng nói của người thầy, sự tôn trọng, đánh giá, ghi nhận với người thầy cần được nâng lên tương xứng với nghề và đáng với những gì họ phải được hưởng”. Nhưng rồi… đến nay đội ngũ nhà giáo nhận được vẫn gói gọn trọng một chữ: Đợi!

Ngay chính Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cũng thừa nhận có nguyên nhân chính từ chính sách tiền lương, thu nhập của nhà giáo nói chung và đặc biệt với GV mới vào nghề, GV hợp đồng còn rất thấp. Trong khi chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, học tập nâng cao trình độ…) khá cao.

Thực ra, vấn đề này không phải bây giờ mới nhắc đến. Khi bàn sửa đổi luật Giáo dục 2019, dự thảo ban đầu đã đưa vào nội dung “lương GV được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Nội dung này nhận được sự ủng hộ rất lớn của dư luận trong và ngoài ngành GD-ĐT.

Tuy nhiên, sau nhiều lần bàn thảo, vấn đề lương GV đã được đưa ra khỏi dự thảo luật Giáo dục 2019 trình Quốc hội thông qua. Khi ấy, hai Bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này là Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đều không đồng tình với nội dung “lương GV được xếp cao nhất...” và cho rằng đề xuất như vậy sẽ “phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong  hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề”…

Thành thử, vấn đề lương thấp đã mấy chục năm nay khiến GV cũng quen dần và đại đa số người thầy họ cũng “chai” đi cái gọi là đề xuất tăng lương. Dĩ nhiên, để tăng thêm thu nhập tất nhiên họ phải tìm thêm nghề tay trái nhằm đảm bảo cuộc sống cho gia đình mình.

>> Vẫn loay hoay bài toán thiếu giáo viên

>> Nhiều trường mầm non tư thục “chật vật” tìm giáo viên

>> Điều tuyệt vời của nghề giáo

Công việc mà nhiều GV làm thêm nhiều nhất hiện nay là bán hàng online, mở quán tạp hóa, sửa điện, lắp máy điều hòa, chạy xe ôm… miễn sao có tiền mà không phạm pháp là làm. Tội nhất là một số thầy cô thấy các trang mạng xã hội quảng cáo cách kiếm tiền, đầu tư sinh lời hấp dẫn, họ lấy mác công ty này, công ty nọ để lừa đảo nên nhiều GV đã “sập bẫy” và vướng vào nợ nần…

Thực tế đó cho thấy, GV chưa sống được bằng lương của mình thì họ phải làm thêm nhằm kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, để lo lắng cho con em mình bằng bạn, bằng bè. Vì họ có thể sống thanh cao với nghề, nhưng con họ đi học thì luôn luôn cần tiền.

Họ cũng cần có một mái nhà- dù to, dù nhỏ để lấy chỗ chui ra chui vào, họ cũng cần có phương tiện đi lại, họ cũng cần những bộ trang phục sạch sẽ khi đứng trước học trò trên bục giảng..v..v.

Gần đây, tại phiên thảo luận ở diễn đàn Quốc hội, Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) thẳng thắn nói rằng: “Thu nhập chính từ lương hàng tháng hiện nay thấp đã và đang bào mòn sự liêm sỉ, nhân phẩm và lòng tự trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ công viên chức”.

Đáng mừng thay, vừa qua, Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ hoàn thiện phương án điều chỉnh tiền lương năm 2023 để trình Quốc hội xem xét. Thông tin ấy như một cơn mưa rào giữa mùa nắng hạn, làm nức lòng tất cả cán bộ công viên chức, trong đó có đội ngũ nhà giáo.

Được biết, trong những khoản bổ sung vốn cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội thì bố trí nguồn để thực hiện cải cách tiền lương chiếm hơn 21.661 tỷ đồng.

Con số ấy thể hiện sự nỗ lực vô cùng to lớn của Chính phủ xứng đáng với sự kỳ vọng và niềm tin của người dân. Trong điều kiện chưa thể cải cách căn bản tiền lương thì việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu và lương cơ sở vùng cũng là điều tất cả chúng ta tha thiết mong đợi.

Và một lần nữa không thể không nhắc đến chuyện tăng lương cho GV. Như GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội chia sẻ thì việc tăng lương cho nhà giáo là cuộc cách mạng. Bởi đây là ý chí của Đảng và của nhân dân, chỉ khi Quốc hội đưa vào luật thì Chính phủ sẽ thực hiện.

Đừng xem nhẹ vấn đề này, vì giáo dục là ngành có số cán bộ, viên chức lớn nhất với khoảng 1.5 triệu, tác động trực tiếp đến hơn 23 triệu học sinh, sinh viên. Giáo dục cũng là mối quan tâm hàng đầu của các gia đình hiện nay, là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Chỉ khi nào cuộc sống GV sống được bằng lương, không còn phải lo toan, không còn phải suy nghĩ về tiền bạc thì khi họ lên lớp mới có thể “cháy hết mình” cùng học trò, mới tận tâm vì “sự nghiệp trồng người” cho đất nước.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đừng xem nhẹ chuyện lương giáo viên tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711694473 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711694473 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10