Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Đưa vào khai thác nếu bảo đảm an toàn

Diendandoanhnghiep.vn Đây là chỉ đạo mới nhất của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đối với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đẩy mạnh tiến độ, sớm đưa vào khai thác

Theo đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông trong năm 2019 nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thông báo nêu rõ, theo quy hoạch, trên địa bàn Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài hơn 400km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 40 tỷ USD.

Để giải quyết triệt để ùn tắc giao thông phải có hệ thống giao thông đồng bộ; trong đó hệ thống đường sắt đô thị đóng vai trò quan trọng. Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và nợ công đang ở mức cao, nên cần huy động các phương án sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách, ưu tiên nguồn lực nội địa để đầu tư.

4 dự án đường sắt đô thị đang triển khai đầu tư đã nhiều lần điều chỉnh tiến độ, trong đó, đối với Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, UBND thành phố Hà Nội đã tích cực thực hiện công tác chuẩn bị tiếp nhận vận hành khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, Dự án có nhiều vướng mắc, bị chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện gây bức xúc trong dư luận.

Phó Thủ tướng yêu cầu tổng thầu khẩn trương thực hiện đúng quy định về hồ sơ thiết kế Dự án được duyệt, cung cấp đầy đủ hồ sơ đáp ứng yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống để đủ điều kiện chứng nhận an toàn hệ thống theo đúng quy định.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác trong năm 2019 nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại văn bản số 8736/VPCP-CN ngày 26/9/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư cùng với UBND thành phố Hà Nội, tổng thầu, tư vấn tập trung hoàn thiện việc đánh giá chất lượng và thủ tục hoàn thành Dự án theo đúng quy định pháp luật. Hội đồng nghiệp thu nhà nước phối hợp với tư vấn sớm đánh giá kết luận nghiệm thu công trình theo đúng quy định.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (với vai trò cơ quan tiếp nhận và quản lý khai thác Dự án này) cùng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm việc với chủ đầu tư, tổng thầu, tư vấn rà soát để đẩy nhanh việc chứng nhận an toàn hệ thống và có đủ các điều kiện theo đúng quy định để đưa dự án vào khai thác, bảo đảm sử dụng vốn đầu tư hiệu quả.

Trước đó, báo cáo của Bộ GTVT hôm 1/10 cho thấy, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành xong phần xây dựng hạ tầng hơn 13 km cầu cạn, 12 nhà ga trên cao, 16 khu đơn thể depot và cảnh quan cây xanh. Dự án cũng đã mua sắm, lắp đặt đủ 13 đoàn tàu, thiết bị phục vụ chạy tàu và đã chạy thử đơn động các hệ thống, đoàn tàu cùng 5 chuyên ngành phục vụ chạy tàu trực tiếp.

Thế nhưng, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, bàn giao vào khai thác thương mại do còn vướng mắc. Thứ nhất, dự án chưa hoàn thành việc chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan, khắc phục tồn tại kiến trúc các nhà ga, khu depot, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu. Với các thiết bị đã lắp đặt, nhà thầu chưa cung cấp chứng chỉ, hồ sơ... để có cơ sở đánh giá bảo đảm an toàn hệ thống.

Việc thử nghiệm và đánh giá an toàn nghiệm thu các hạng mục thiết bị cũng chưa thực hiện. Việc hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống để cho tất cả các đoàn tàu chạy thử như thông tin tín hiệu, hệ thống bán vé... để đồng bộ hóa cũng chưa được hoàn thiện. Trong khi đó, đây là cơ sở kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành.

Vướng mắc nhất được nêu ra là dự án chưa bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng. Đây là điều kiện quan trọng để tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống. Do đó, không có đủ cơ sở để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định. Theo ông Đường Hồng, vướng mắc này là do “đơn vị đánh giá an toàn hệ thống tàu vào dự án hơi muộn”. Theo quy định, đơn vị đánh giá phải vào ngay từ khi xây dựng dự án, nhưng vì tư vấn tham gia năm 2016, ở thời điểm tất cả các hạng mục đã cơ bản hoàn thành. Vì vậy, cho nên có những hồ sơ “không bổ sung được”.

Mọi việc phụ thuộc vào nhà thầu

Trong cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sáng 1/10, ông Đường Hồng (đại diện Tổng thầu) nói, quá trình thi công dự án đơn vị này "luôn chú trọng công tác an toàn, chất lượng".

Theo ông Đường Hồng, về mặt công trình, dự án đã hoàn thành 100%; công tác đào tạo nhân lực cũng đạt 100%, đủ điều kiện để đưa vào vận hành thử. "Còn 1% chưa hoàn thành thuộc vấn đề hồ sơ nghiệm thu, thanh toán và một số việc chưa thống nhất. Vì vậy, trong thời gian tới, Tổng thầu sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án để sớm hoàn thiện", đại diện Tổng thầu nói.

Trước đề nghị của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng "phải đưa ra lời hứa về thời gian hoàn thành dự án", ông Hồng nói Tổng thầu "cam kết về mức độ an toàn của dự án"; còn về tiến độ và thời gian đưa vào sử dụng, đơn vị này đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để có kết luận từ phía tư vấn đánh giá an toàn hệ thống.

"Chúng tôi cũng mong muốn dự án sớm đưa vào sử dụng càng nhanh càng tốt, bởi càng chậm trễ càng ảnh hưởng tới hình ảnh của tổng thầu", ông Đường Hồng nói.

Lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu các bên "phải ngồi lại" để đưa dự án vào khai thác thương mại trong năm 2019, với yêu cầu đảm bảo an toàn theo đúng quy định. 

Trong khi đó, đánh giá về dự án này, ông Nguyễn Công Phú - Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Apave (Pháp) cho rằng: “Vận hành dự án là một chuyện, nhưng vấn đề quan trọng là phải an toàn. Quá trình kiểm định Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chúng tôi thấy có nhiều thứ không đồng bộ".

Vì trong quá trình kiểm định chúng tôi thấy có nhiều thứ không đồng bộ, tiêu chuẩn về an toàn yêu cầu bắt buộc phải đồng bộ. Nói cho đúng thì 50% gọi là ổn, còn 50% đang cần phải xem xét. Mốc vận hành là một chuyện, vấn đề là phải an toàn".

Theo ông Phú, vấn đề “khó nhất” ở Dự án bây giờ là phải có bộ hồ sơ hoàn chỉnh để thẩm định trước khi bàn giao cho UBND TP. Hà Nội để vận hành. “Hiện nay hồ sơ chưa đầy đủ và hệ thống an toàn cần phải đánh giá kỹ lưỡng, hoàn chỉnh toàn bộ. Ở Việt Nam, đây là dự án đầu tiên nên đặc biệt khó khăn.” - ông Phú cho hay.

Đại diện tư vấn Pháp cũng thông tin, hệ thống an toàn của dự án phải làm rất kỹ, vì sự an toàn không thể chỉ 1-2 tháng mà phải đảm bảo suốt quá trình vận hành khai thác lâu dài, đảm bảo theo các quy định của quốc tế, như trang thiết bị, cơ điện, hệ thống truyền tải thông tin rất quan trọng và phải chuẩn chỉ, đảm bảo yêu cầu tốt nhất.

“Một số chi tiết thiết kế chủ đầu tư cũng yêu cầu Tổng thầu phải sửa lại, khi thiết kế sửa chưa xong thì bên thứ ba là tư vấn chúng tôi chưa thể kiểm định những chi tiết đó. Tư vấn độc lập chỉ có thể kiểm định, đánh giá khi được tư vấn thiết kế đồng ý, trong đó có hệ thống cơ điện truyền tải thông tin.” - ông Phú cho biết.

Dự kiến về thời gian đưa dự án vào khai thác, ông Nguyễn Công Phú bày tỏ băn khoăn: “Nói cả gan thì phải mất 6 tháng nữa. Tuy nhiên, dù có cố gắng đến đâu thì chúng tôi cũng không thể đi vặn vít thay nhà thầu thi công được, mọi việc tùy thuộc vào nhà thầu”.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Đưa vào khai thác nếu bảo đảm an toàn tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711678524 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711678524 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10