Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Mịt mờ ngày hoàn thành, nhưng nợ vay vẫn “sinh sôi nảy nở”

Diendandoanhnghiep.vn Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một dự án lớn, được đầu tư với bao nhiêu kỳ vọng mà giờ vẫn mịt mờ ngày hoàn thành, trong khi những khoản đội vốn, nợ vay vẫn tiếp tục sinh sôi nảy nở.

Chưa xác định ngày hoàn thành...

Mặc dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng do chưa đủ điều kiện nghiệm thu, bàn giao nên tính đến thời điểm này (3/6/2020), dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa xác định được ngày “về đích”.

Theo báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, Chính phủ cho biết dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn gặp một số khó khăn, tổng thầu chưa xác nhận được mốc hoàn thành.

Cụ thể, Chính phủ cho biết dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên chưa đủ điều kiện nghiệm thu, bàn giao đưa vào khai thác.

Dự án còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến thiết bị công nghệ, đánh giá an toàn đoàn tàu, công tác vận hành toàn hệ thống và thanh quyết toán...

Hiện nay dự án đã hoàn thành cơ bản các hạng mục xây lắp nhà ga và depot (khu hạ tầng kỹ thuật bảo dưỡng sửa chữa đoàn tàu), đã thực hiện công tác nghiệm thu 2 trong 5 hạng mục công trình xây dựng cơ bản có thể nghiệm thu có điều kiện là đường ray và cầu cạn.

3 hạng mục còn lại vẫn còn tồn tại cả về hiện trường và hồ sơ, chưa đủ điều kiện nghiệm thu vẫn đang được tổng thầu chỉnh sửa và khắc phục các tồn tại về phần kiến trúc.

Về phần thiết bị, tổng thầu và các tư vấn vẫn đang tiếp tục trao đổi làm việc để thống nhất các nội dung còn vướng mắc về thông số thiết bị của một số hạng mục chuyên ngành thiết bị. Tổng thầu đang hoàn thiện lại hồ sơ và bổ sung các nội dung còn thiếu để đủ điều kiện nghiệm thu.

Ban quản lý dự án đường sắt đang phối hợp với tổng thầu để nghiệm thu có điều kiện đối với các hạng mục công trình thành phần không ảnh hưởng đến công tác an toàn. Đến nay dự án đã giải ngân hơn 14.737 tỉ đồng (đạt 81,9%).

Theo Ban Quản lý dự án đường sắt, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hiện nay mới có 4 chuyên gia cấp cao của tổng thầu dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông có mặt tại Việt Nam. Dự kiến đầu tháng 6 này, 150 nhân sự của tổng thầu từ Trung Quốc sẽ sang Việt Nam bằng đường bộ để tiếp tục công việc tại dự án.

... nhưng vốn vay vẫn liên tiếp "sinh sôi nảy nở"

Dự án Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt năm 2008 là 8,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD.

8 năm sau, vào năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 9,2 nghìn tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 669 triệu USD), tăng 7,2 nghìn tỷ đồng (tương đương 250,62 triệu USD).

Tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng do thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng; bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot; bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6; điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; kinh phí giải phóng mặt bằng (bao gồm cả công trình di dời hạ tầng kỹ thuật) thay đổi; biến động về giá nguyên, nhiên, vật liệu, tỷ giá hối đoái; các chế độ, chính sách trong thời gian thực hiện dự án cũng như các khối lượng, đơn giá chưa tính chính xác được trong bước thiết kế cơ sở…

Để chuẩn bị cho ngày vận hành, công tác đào tạo nhân sự cho dự án này cũng đã được triển khai. Tính đến tháng 11/2019, số nhân lực cần đào tạo là 651 người (trong đó đào tạo tại Trung Quốc 201 người và đào tạo tại Việt Nam 450 người). Công tác đào tạo tại Trung Quốc đã hoàn thành và cấp chứng chỉ cho 201/201 người.

Tính đến nay, dự án đã giải ngân được phần lớn lượng vốn. Cụ thể, vốn ODA Trung Quốc giải ngân được 518 triệu USD trên tổng số vốn vay là 669,62 triệu USD (khoảng 77,49%); còn vốn đối ứng phía Việt Nam giải ngân được 3.196 tỷ đồng trên tổng số 4.134 tỷ đồng (khoảng 77,30%).

Mặc dù trước đó, Tổng thầu đã đề xuất mốc thời gian hoàn thành công tác nghiệm thu, chuyển giao Dự án dự kiến vào ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, do tiến độ Tổng thầu đưa ra còn có nhiều nội dung chưa chi tiết và có các điều kiện ràng buộc nên theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải mốc thời gian nêu trên là khó khả thi.

Tồn tại, vướng mắc chủ yếu của Dự án được chỉ ra là việc Tổng thầu chưa tập trung giải quyết dứt điểm các nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn trước khi đưa Dự án vào vận hành khai thác; tư vấn độc lập chưa thể hoàn tất báo cáo cuối cùng về đánh giá an toàn hệ thống.

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây về tình hình thực hiện các dự án trọng điểm ngành giao thông, Chính phủ nêu thực tế loạt dự án đang có nguy cơ chậm tiến độ, điển hình là tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ngoài nguyên nhân khách quan từ Covid-19, Tổng thầu Trung Quốc đề nghị thanh toán toàn bộ số tiền 50 triệu USD để thực hiện công tác vận hành hệ thống và thanh toán toàn bộ trước khi bàn giao dự án cho Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, đề nghị thanh toán 50 triệu USD của tổng thầu Trung Quốc không có văn bản chính thức nên không được xem xét. "Các mốc thanh toán trong dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được phía Việt Nam thực hiện theo quy định hợp đồng. Do vậy, trường hợp tổng thầu Trung Quốc ra văn bản với yêu cầu nêu trên thì cũng không được xem xét do trái quy định hợp đồng". - ông Đông nói.

Trước đó, hồi đầu tháng 2/2020, thông tin Ban quản lý dự án dự kiến phát sinh trả nợ gốc phần vốn vay lại trong năm 2020 khoảng 152,7 tỷ đồng; Ban quản lý dự án dự kiến phát sinh trả nợ gốc phần vốn vay lại trong năm 2020 khoảng 152,7 tỷ đồng.

Theo đó, Hiệp định vay 250 triệu USD đã đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại. Bộ Giao thông Vận tải gửi văn bản hoả tốc xin ý kiến Thủ tướng việc đã đến hạn trả nợ gốc khoản vay lại của dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Do đó, cơ quan này đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm xem xét gia hạn thời hạn trả nợ gốc phần vốn cho vay lại. Trường hợp không được, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng có ý kiến với Kiểm toán Nhà nước để gỡ thủ tục trên cơ sở xem xét tính chất đặc thù của dự án.

Đồng thời, Bộ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục bổ sung vốn bố trí cho hạng mục trả nợ gốc của các hiệp định vay đã ký. Lưu ý, trước đó, Việt Nam cũng đã trả 398 tỷ đồng nợ gốc của khoản vay này.

Theo cơ chế tài chính đã được Thủ tướng chấp thuận, Bộ Giao thông Vận tải bố trí vốn đối ứng để trả nợ nước ngoài cho phần vốn vay lại của dự án và các khoản chi phí liên quan trong giai đoạn xây dựng tới khi hoàn thành và bàn giao cho UBND TP Hà Nội. Sau khi bàn giao, UBND TP Hà Nội nhận nợ trực tiếp với phần vốn vay lại của dự án.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, cái khó là chưa biết khi nào thì dự án này mới được bàn giao, UBND Hà Nội cũng chưa có trách nhiệm phải trả khoản nợ gốc này, bởi dự án chưa đưa vào khai thác, sử dụng. Vì vậy việc ai phải trả món nợ này đang gặp khó. Bộ Giao thông Vận tải đề xuất phương án cho phép được giãn nợ đến khi hoàn thành, bàn giao khoản vay cho UBND TP Hà Nội hoặc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư để tiếp tục trả nợ.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Mịt mờ ngày hoàn thành, nhưng nợ vay vẫn “sinh sôi nảy nở” tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713927880 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713927880 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10