Vượt lên trên mọi khó khăn từ “bão” COVID-19 lần thứ 4, tài chính Việt Nam đã ghi những dấu ấn quan trọng trong quản lý, điều hành kế hoạch tài chính ngân sách, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp...
Ngày 8/4, Quốc hội bỏ phiếu tán thành phê chuẩn ông Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong năm đầu tiên ngồi “ghế nóng”, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã khẳng định và phát huy vai trò, năng lực trong xây dựng, cũng như quản lý điều hành kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) tích cực, điều hành thu, chi ngân sách chủ động, linh hoạt, kịp thời ứng phó với dịch bệnh, ổn định đời sống xã hội; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Bộ đã tăng cường quản lý nhà nước để phát triển đồng bộ thị trường tài chính; điều hành giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát... Đặc biệt, kịp thời hoàn thiện thủ tục cho ra đời Quỹ Vaccine phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian ngắn.
2021 cũng là năm Việt Nam được đánh giá tích cực về tài khóa, tiền tệ, năng lực trả nợ và trên hết, năng lực kiểm soát dịch ở 2020. Theo đó, những tháng đầu 2021, liên tiếp cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, S&P và Fitch đã nâng xếp hạng triển vọng bậc tín nhiệm Việt Nam từ “Ổn định” lên "Tích cực".
Ngày 19/4, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc giãn hoãn thuế và tiền thuê đất năm 2021, gồm: Gia hạn nộp thuế GTGT trong 5 tháng (quy mô 68.800 tỷ đồng) với giá trị thực hỗ trợ khoảng 1.147 tỷ đồng; Gia hạn tiền thuế TNDN trong 3 tháng (quy mô 40.500 tỷ đồng) với giá trị thực hỗ trợ ước tính 354 tỷ đồng; Gia hạn nộp thuế thu nhập hộ kinh doanh, cá thể năm 2021 (quy mô 1.300 tỷ đồng), với giá trị thực ước tính 18 tỷ đồng. Gia hạn tiền thuê đất trong 5 tháng (quy mô 4.400 tỷ đồng), với giá trị thực ước tính 39 tỷ đồng.
Nghị định 52/2021 mà Chính phủ ban hành được xem là “liều thuốc” quý giá giúp doanh nghiệp hồi sức trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và cũng là Nghị định đầu tiên mà Chính phủ ban hành sau khi kiện toàn.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai.
Ngày 24/6/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, 30 khoản phí, lệ phí được giảm với nhiều mức giảm cao sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt khó khăn.
Cụ thể, có nhiều mức phí, lệ phí giảm cao như: Giảm 70% các mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức thu phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50-70% mức thu phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng và 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán...
Ngày 9/9, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch COVID-19.
Nghị quyết tập trung vào 4 nhiệm vụ giải pháp bao gồm: Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.
Ngày 24/9, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Trong đó, có khoảng gần 13 triệu người lao động được hỗ trợ 30.000 tỉ đồng và 386.000 đơn vị sử dụng lao động được được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ BHTN trong 12 tháng (số dự kiến sẽ giảm là trên 8.000 tỉ đồng).
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 21/12/2021, BHXH các địa phương đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho 12.797.981 lao động (trong đó: đang tham gia BHTN là 11.707.938 lao động; đã dừng tham gia BHTN 1.090.043 lao động) với tổng số tiền hỗ trợ là 30,31 nghìn tỷ đồng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 406 giảm nhiều loại thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Cụ thể, từ ngày 1/11 đến hết 31/12, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh được giảm 30% thuế giá trị gia tăng (VAT).
Lĩnh vực được giảm thuế gồm: Dịch vụ vận tải (đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ); dịch vụ lưu trú, ăn uống; đại lý du lịch, kinh doanh tour và các dịch vụ hỗ trợ liên quan quảng bá, tổ chức tour. Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, chương trình truyền hình, ghi âm, xuất bản âm nhạc; sáng tác, nghệ thuật và giải trí; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; thể thao, vui chơi và giải trí cũng được giảm thuế.
Ngày 21/11, tại trụ sở Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tuyến công bố triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử. Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn và ban hành các quyết định triển khai hệ thống hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Phú Thọ và Bình Định, bắt đầu từ tháng 11-2021; giai đoạn 2 tại 57 địa phương còn lại, bảo đảm đến ngày 30-6-2022 đạt 100% doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đánh giá cao và biểu dương về những kết quả ngành Thuế và ngành Tài chính đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là ngành Thuế đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, người nộp thuế đưa hệ hống hoá đơn điện tử đi vào hoạt động.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng nhấn mạnh: “Đây là một bước tiến quan trọng trong công tác hiện đại hóa quản lý thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thành phố và hướng tới Chính phủ số”.
Để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào ngân sách Nhà nước, ngành Thuế đã có nhiều giải pháp quản lý thu, chống thất thu đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt đối với cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tăng mạnh.
Đặc biệt, theo số liệu tại hệ thống quản lý thuế, hiện nay có khoảng 14 tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và 8 trang điện tử hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam đã thực hiện nghĩa vụ thuế. Số thuế thu được thông qua các tổ chức, cá nhân Việt Nam khấu trừ, nộp thay khoảng 1.000 tỉ đồng/năm.
Theo Bộ Tài chính, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 11 ước đạt 128,8 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 11 tháng ước đạt 1.389,2 nghìn tỷ đồng, bằng 103,4% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020 (ngân sách trung ương ước đạt 98,5% dự toán; ngân sách địa phương ước đạt 109,5% dự toán).
Trong đó, có 8/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa đã cơ bản đạt và vượt dự toán, gồm: thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (101,6% dự toán), thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (99,7% dự toán), thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (108% dự toán), thuế thu nhập cá nhân (107,9% dự toán), thu về nhà, đất (121,6% dự toán), thu cấp quyền khai thác khoáng sản (158% dự toán), thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác (177,1% dự toán) và thu khác ngân sách (107,2% dự toán). Các khoản thu còn lại (chủ yếu là khoản thu nhỏ) đạt từ 80-92% dự toán, trong đó: thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 91,6% toán, thuế bảo vệ môi trường đạt 81,9% dự toán, các loại phí, lệ phí đạt 88,5% dự toán...
Sở dĩ, số thu tháng 11 đạt khả quan là do việc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, hoạt động sản xuất - kinh doanh dần phục hồi, có tác động tích cực đến số thu NSNN.
Mặc dù phải đối diện với những tác động của đại dịch Covid-19, tuy nhiên, Bộ Tài chính Việt Nam đã cùng các nước thành viên tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác tài chính khu vực theo đúng mục tiêu đề ra.
Nằm trong Trụ cột Kinh tế ASEAN, sáng kiến ưu tiên “Tài chính bền vững trong ASEAN” do Bộ Tài chính Việt Nam đề xuất đã nhận được sự hưởng ứng của tất cả các nước thành viên. Sáng kiến này được xây dựng nhằm khuyến khích các nước ASEAN tăng cường phát hành trái phiếu theo các tiêu chuẩn của ASEAN đối với trái phiếu xanh (GBS), trái phiếu xã hội (SBS) và trái phiếu bền vững (SUS).
Trong năm 2021, mặc dù chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2021 cho Brunei, Bộ Tài chính Việt Nam vẫn tiếp tục là thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm trong các hoạt động hợp tác tài chính ASEAN.
Ngoài ra, ngày 22/10/2021, nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính New Zealand Grant Robertson – nước chủ nhà APEC năm 2021, Thứ trưởng Trần Xuân Hà thay mặt Bộ Tài chính Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 28. Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng khẳng định: "Việt Nam cũng sẽ luôn là thành viên tích cực trong việc thực hiện tiến trình hợp tác tài chính trong khu vực".