Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Thủ tướng cho rằng, cốt lõi là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư trong ngành nông nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu:

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa ban hành tháng 4/2018.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 57 để các doanh nghiệp có cơ sở được thụ hưởng ngay các chính sách ưu đãi của Chính phủ. Đặc biệt, đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh, giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Cắt giảm 50% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bộ Công Thương hoàn thiện sửa đổi Nghị định 159 về xuất khẩu gạo nhằm đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong xuất khẩu gạo với tinh thần chung là tạo mọi điều kiện cho thương mại, nhất là xuất nhập khẩu…

Thủ tướng lưu ý, cần nghiên cứu xây dựng 3 ngành chế biến đứng vào tốp 5 của thế giới: Rau củ quả, thủy hải sản và dược liệu, cùng một số sản phẩm thế mạnh khác như tôm, gạo…

Bên cạnh đó, cần phải khắc phục lãng phí sau thu hoạch khi mà hiện nay tỷ lệ tổn thất lên tới 20-30%. Đổi mới cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến mở rộng thị trường. Đặc biệt, trước khi gieo hạt giống cần nghĩ tới thị trường tiêu thụ ở đâu.

Thủ tướng cũng chỉ đạo, cần nghiên cứu sửa đổi Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng mức cho vay tối đa, không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình.

Bên cạnh đó, mở rộng đối tượng hưởng chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; cho phép tài sản hình thành từ vốn vay của các dự án, phương án ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực làm tài sản bảo đảm…

“Cần tuyên chiến với nạn tín dụng đen ở nông thôn. Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách thuế hợp lý khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp”. – Thủ tướng nhấn mạnh

Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đạo đức kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường; nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, để xây dựng phát triển các loại hình doanh nghiệp Việt Nam. Tất cả cùng nỗ lực, chung sức, đồng lòng, cùng Chính phủ.

Tại Hội nghị, hiệp hội, doanh nghiệp bày tỏ mong muốn có chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp; xây dựng bộ tiêu chuẩn quốc gia về nông sản để bảo vệ người tiêu dùng cũng như bảo vệ các nhà sản xuất chân chính.

Phân tích cụ thể hơn, ông Nam cho biết, trong khi Việt Nam chưa có những dây truyền tự động hoàn toàn để thay thế con người trong khâu sản xuất, thì lao động là yếu tố quyết định. Nhưng, hiện lao động phổ thông cũng đang là vấn đề lớn và nỗi lo.

"Ngành nông nghiệp công nghệ cao gắn với nông thôn, có lao động phổ thông và lao động bậc cao. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản lại phải cạnh tranh lớn với khu vực công nghiệp về thu hút lao động ở cả bậc phổ thông và bậc cao", ông Nam cho biết.

Chính việc thiếu hụt lao động bậc cao khiến cho áp lực từ cách mạng công nghiệp 4.0 ngày càng đè nặng lên doanh nghiệp ngành nông nghiệp. Thậm chí, như ông Nam chia sẻ, doanh nghiệp còn thiếu lao động phổ thông khiến ngay cả những công việc giản đơn của doanh nghiệp nông nghiệp cũng khó thực hiện được.

Sau khi đi khảo sát tại 40 tỉnh, thành phố về quy hoạch vùng nông nghiệp, đại diện FLC bày tỏ, vấn đề quỹ đất có khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đất hiện nằm trong tay các nông, lâm trường nhưng các đơn vị này hoạt động không hiệu quả.

Cùng với đó, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp mặc dù đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, tuy nhiên bà Thái Hương cũng cho biết, TH là đơn vị tiên phong vẫn sẽ kiên định tiếp tục định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Bởi doanh nghiệp Việt phải hội nhập để tồn tại, thế giới đã ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp từ rất lâu rồi.

“Cần sớm phải xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về chất lượng hàng nông sản theo thông lệ quốc tế để người tiêu dùng được hưởng lợi khi được sử dụng những sản phẩm nông sản tốt nhất, đồng thời khích lệ các nhà sản xuất chân chính". – bà Thái Hương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, nhà nước cần tạo hành lang pháp lý nhằm khai mở các nguồn vốn đầu tư thay vì chỉ giới hạn ở việc tài trợ vốn ngân hàng cho hộ kinh doanh cá thể như lâu nay.

"Quỹ đất cho nông nghiệp đang giảm dần nên để tăng hiệu suất trồng trọt chăn nuôi với quy mô lớn thì nhà nước cần xây dựng chính sách quản lý và phát triển tài nguyên mặt nước biển gần bờ bởi Việt Nam có bờ biển dài vốn là tài nguyên lớn cần có chiến lược khai thác theo hướng nuôi trồng bền vững". – Ông Quang nói.