LTS: Cố Thủ tướng Phan Văn Khải không chỉ là một nhà lãnh đạo lớn của đất nước mà ông còn có những hành động cụ thể để “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân phát triển. Như một lời tri ân, nhân ba năm ngày mất của ông (17/3/2018 - 17/2021), Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng nhắc nhớ về vị Thủ tướng của Doanh nghiệp.

Trong những ngày này, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, hội nhập sâu rộng thế và lực của nước ta đã được tăng cường, chúng ta càng nhận thấy sự đóng góp, công lao to lớn của những thế hệ đi trước, trong đó có cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải mà thường được gọi với cái tên kính mến “anh Sáu Khải” - một nhà lãnh đạo có tâm, có tầm, có tư tưởng đổi mới sâu sắc, toàn diện. 

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải được đào tạo bài bản tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov của Liên bang Xô viết. Sau tốt nghiệp, ông về làm tại Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giữ chức Trưởng phòng. Sau đó, ông làm tại Ban Kinh tế của Trung ương Cục và vào Nam chiến đấu (“đi B”). 

Thủ tướng Phan Văn Khải ký Tuyên bố Hà Nội tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6, tổ chức ở Hà Nội (15 - 16.12.1998) ẢNH: TTXVN

Thủ tướng Phan Văn Khải ký Tuyên bố Hà Nội tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6, tổ chức ở Hà Nội (15 - 16.12.1998) ẢNH: TTXVN

Sau năm 1975, ông làm việc tại Ủy ban Kế hoạch của TP Hồ Chí Minh rồi sau này lên làm Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh. Thời gian kế tiếp, ông đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng Chính phủ. Ở cương vị này, ông là người cải tổ Tổ nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và xây dựng nên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng trong 9 năm (1997-2006).

Khi ông nhậm chức Thủ tướng (năm 1997), kinh tế Đông Nam Á đang lâm vào khủng hoảng tài chính, Hàn Quốc và một số nước châu Á chịu tổn thất nặng nề. Trước tình hình đó, Chính phủ do Thủ tướng Phan Văn Khải đứng đầu đã nỗ lực đưa ra các giải pháp giải quyết khủng hoảng để nó không lan rộng. Những biện pháp tạm thời và có chiều sâu tiếp đó đã giúp giữ được nền kinh tế của Việt Nam lúc ấy dù tăng trưởng thấp 4,8% nhưng vẫn là tăng trưởng tốt, không chịu ảnh hưởng xấu như các nước: Hàn Quốc, Thái Lan…

Không chỉ vậy, trong suốt thời gian giữ cương vị Thủ tướng của ông (1997-2006), bình quân tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam là cao nhất và ổn định nhất (trung bình 7%/năm). Nền kinh tế vừa giữ được tốc độ tăng trưởng cao, đảm bảo được ổn định vĩ mô, vừa tạo được nhiều nhân tố mới cho tăng trưởng; tỷ lệ nợ công luôn đạt dưới 50% GDP.

Kinh qua công tác tại Ủy ban Kế hoạch TP HCM, rồi Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có nhiều cơ hội tiếp xúc và có sự thấu hiểu đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, cũng như các vấn đề kinh doanh. 

Sau khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, doanh nghiệp - doanh nhân và môi trường kinh doanh chính là một trong những mối ưu tiên hàng đầu của ông. Ông luôn xác định xây dựng hệ thống pháp luật đưa nền kinh tế phát triển theo hướng thị trường, là nền tảng quan trọng nhất để đất nước phát triển. 

Ông Vũ Quốc Tuấn - thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải cho biết, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là một người đặc biệt quan tâm đến vấn đề thể chế: “Thủ tướng Phan Văn Khải từ khi làm Phó cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã rất quan tâm đến vấn đề thể chế kinh tế và đã cùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thực hiện nhiều công việc cải cách thể chế kinh tế”.

Luật Doanh nghiệp 1999 là kết quả của một quá trình Đổi mới sâu rộng. Nhưng, nó mang không ít dấu ấn của ông, người đứng đầu Chính phủ. Thuật ngữ “kinh tế dân doanh” xuất hiện trong thời gian ông làm Phó thủ tướng rồi Thủ tướng, khi mà vai trò kinh tế tư nhân chưa được nói đến một cách mạnh mẽ như ngày nay. Ông Phan Văn Khải đã từng nhấn mạnh: “Một khi các sản phẩm chính vẫn nằm trong tay quốc doanh, một khi quốc doanh vẫn còn độc quyền thì không thể có cạnh tranh, không thể có bình đẳng trong kinh doanh, không thể có kinh tế thị trường thực thụ”.

Thủ tướng Phan Văn Khảip/và Tổng thống Mỹ George W. Bush bắt tay lịch sử tại Nhà Trắng (tháng 6-2005)

Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống Mỹ George W. Bush bắt tay lịch sử tại Nhà Trắng (tháng 6-2005)

Theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Phan Văn Khải luôn có tinh thần cải cách mạnh mẽ và quyết tâm hội nhập. “Luật Doanh nghiệp năm 1999 được xem là luật giải phóng cho kinh tế tư nhân”, ông Doanh cho biết.

Trước kia theo Luật Công ty 1990, doanh nghiệp muốn thành lập phải có chữ ký của Chủ tịch tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Hồi đó ông Đinh Hạnh làm Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội thường dành riêng chiều thứ 7 để họp. Mỗi chiều, ông thông qua được 2 doanh nghiệp. Như vậy mỗi năm, Hà Nội chỉ cho ra đời được 104 doanh nghiệp tư nhân.

Thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó, theo kiến nghị của Ban nghiên cứu của Thủ tướng, đã cho thực hiện quyền tự do kinh doanh, tức là công dân được quyền đăng ký và theo đúng quy định thì người ta đương nhiên được kinh doanh, tức là bỏ quyền của Chủ tịch tỉnh.

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người ký Nghị định đầu tiên về Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa vào tháng 11/2011 theo đề nghị của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. “Ông cũng là người ký quyết định Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Trong suốt thời kỳ Thủ tướng Phan Văn Khải đương nhiệm, giới doanh nghiệp, doanh nhân gọi ông là Thủ tướng của doanh nghiệp”, ông Vũ Quốc Tuấn kể lại.

Trên Tuoitre.vn, bà Phạm Chi Lan cho biết, quá trình xây dựng Luật rất công phu. Ngoài việc trực tiếp nghiên cứu luật doanh nghiệp của 16 nước, Thủ tướng còn cho mời các chuyên gia nước ngoài đến góp ý kiến và đưa dự thảo ra hỏi ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia trong nước qua nhiều cuộc hội thảo ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Đây cũng là lần đầu tiên các doanh nghiệp được tham gia ý kiến xây dựng một luật cho chính mình.

Luật Doanh nghiệp được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2000, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình tạo lập môi trường kinh doanh theo kinh tế thị trường và phát huy nội lực của Việt Nam.

Bước tiếp theo là thực hiện Luật rất khó khăn vì đụng chạm tới lợi ích cục bộ của không ít cơ quan và cán bộ nhà nước cũng như cách làm lâu nay của doanh nghiệp, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp vẫn do ông Trần Xuân Giá làm Tổ trưởng với nòng cốt là những người đã tham gia xây dựng luật.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người đặt nền móng cho cuộc cải cách giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước, bộ ngành vào nền kinh tế, từng bước hình thành nền kinh tế thị trường, mở rộng quyền tự do cho các doanh nghiệp. Ông đã có nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, loại bỏ giấy phép con hành doanh nghiệp.

Sau khi có Luật Doanh nghiệp, lần đầu tiên Thủ tướng lập Tổ công tác của Chính phủ về triển khai Luật và cắt giảm các giấy phép con, trong đó ông Trần Xuân Giá làm Tổ trưởng, ông Lê Đăng Doanh là Tổ phó, Uông Chu Lưu, Phạm Viết Muôn... là thành viên. Tuy nhiên, theo ông Vũ Quốc Tuấn, việc xóa bỏ giấy phép con không phải đơn giản vì phải làm việc với các bộ, ngành rất công phu, nhiều khi phải đấu tranh quyết liệt, nhưng Thủ tướng đã luôn rất quyết liệt, kiên trì.

Qua hai năm đầu thi hành Luật Doanh nghiệp, Chính phủ và Thủ tướng đã bãi bỏ 145 giấy phép, các bộ bãi bỏ thêm 15 loại giấy phép khác, ngoài ra một số giấy phép được chuyển thành điều kiện kinh doanh.

Thủ tướng Phan Văn Khải và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Sàn giao dịch chứng khoán New York, tháng 6/2005

Thủ tướng Phan Văn Khải và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Sàn giao dịch chứng khoán New York, tháng 6/2005

Trong những năm từ 2001 đến 2005, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi bổ sung nhiều luật quan trọng khác về kinh tế như Luật Đất đai, Luật về Ngân hàng và Các tổ chức tín dụng, Luật Thương mại, các luật thuế… Tất cả những văn bản này đều được xây dựng trên tinh thần đổi mới tương thích với Luật Doanh nghiệp 1999, đồng thời dựa trên những nguyên tắc cơ bản của WTO mà nước ta đang đàm phán để gia nhập.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người đầu tiên đối thoại với kinh tế tư nhân, giải quyết những vướng mắc của kinh tế tư nhân. Tất cả đều là hướng đi rất quan trọng, thúc đẩy kinh tế thị trường. “Ông Khải là người kỹ trị, đi sát vào công việc, đi sâu vào những vấn đề kỹ thuật, nghiệp vụ chứ không riêng gì ở tầm chiến lược”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.

 

Trong ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên năm 2004, TS Vũ Tiến Lộc đã trao tặng Thủ tướng Phan Văn Khải Cúp Thánh Gióng – Cúp doanh nhân tiêu biểu Việt Nam đầu tiên, mở đầu cho các hoạt động tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu sau này.

Trong ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên năm 2004, TS Vũ Tiến Lộc đã trao tặng Thủ tướng Phan Văn Khải Cúp Thánh Gióng – Cúp doanh nhân tiêu biểu Việt Nam đầu tiên, mở đầu cho các hoạt động tôn vinh doanh nhân Việt Nam tiêu biểu sau này.

Để phát huy vai trò, truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội trong việc góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo đề nghị của Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg về Ngày Doanh nhân Việt Nam, hằng năm lấy ngày 13 tháng 10 là “Ngày doanh nhân Việt Nam”. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc - đó chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới công thương Việt Nam ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Trong giai đoạn 1998-2007, Việt Nam tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh. Mặc dù giai đoạn 1997-1998 nền kinh tế tăng trưởng chậm lai do ảnh hưởng của khủng hoảng châu Á.

Bà Phạm Chi Lan chia sẻ trên VnExpress, có vài vụ án xử nặng các chủ công ty tư nhân lớn bị buộc tội kinh doanh đất đai trái luật, mắc nợ nhiều. Ông Phan Văn Khải không tán thành hình sự hóa các vụ án kinh tế, nhất là các vụ xử với mức án quá nặng (ví dụ như Minh Phụng – Epco). Ông chỉ đạo xử lý bằng biện pháp kinh tế, buộc chủ doanh nghiệp bán một phần tài sản trả nợ và tạo điều kiện cho họ tiếp tục kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động. Theo hướng đó, các công ty mắc nợ lớn đã dần dần trả được nợ và thoát khỏi khó khăn.

Ông đặt ra nguyên tắc: quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp phải là quan hệ hợp tác, cộng với sự đồng trách nhiệm trước yêu cầu chung của sự phát triển đất nước, không có hàng rào ngăn cách theo kiểu kẻ trên người dưới. Cả trong xây dựng lẫn thi hành thể chế phải đấu tranh khắc phục tình trạng các cơ quan Nhà nước luôn tìm cách giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Phải hiểu chính doanh nghiệp và dân là người đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước, và nhà nước phải phục vụ dân.

“Một nỗ lực nữa gây ấn tượng trong tôi là việc Thủ tướng tạo được sự đồng tình của Chủ tịch nước về chủ trương hạn chế án tử hình, đặc biệt là đối với các vụ án kinh tế, đối với những người phạm tội nghiêm trọng như vận chuyển ma túy mà là người nghèo đi làm thuê để kiếm sống” – bà Phạm Chi Lan nói.

Bên cạnh những đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế, cố Thủ tướng Phan Văn Khải còn có công lớn trong việc thúc đẩy hội nhập quốc tế. Là một người có tầm nhìn, bao quát, quyết đoán và dám làm, với kiến thức kinh tế chuyên môn sâu, được sự trợ giúp của một Ban Tư vấn gồm các chuyên gia kinh tế hàng đầu và đặc biệt bắt đúng đà của thời kỳ đổi mới được hình thành từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, cố Thủ tướng Phan Văn Khải cùng tập thể các nhà lãnh đạo Việt Nam đã xây dựng một chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam sau giai đoạn Việt Nam bình thường hoá quan hệ với các nước lớn, gia nhập ASEAN.

Dưới thời của Thủ tướng Phan Văn Khải, Việt Nam và Hoa Kỳ đã hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại Song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) năm 2000. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam sang thăm Hoa Kỳ, gặp Tổng thống George Bush tại Nhà trắng vào năm 2005. Chuyến thăm đánh dấu bước tiến lịch sử trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, mở ra triển vọng hợp tác mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Cũng dưới sự lãnh đạo của ông, các bộ, ngành của Việt Nam đã hoàn tất đàm phán để Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO cuối năm 2006, chính thức hoá quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở phạm vi toàn cầu và tạo vị thế mới cho nền kinh tế Việt Nam phát triển trong những năm sau đó.

Con người cố Thủ tướng Phan Văn Khải, cả về tư cách, tri thức và tấm lòng đối với đất nước đều rất đáng quý. Sự ra đi của Cố Thủ tướng Phan văn Khải là bất biến song những dấu ấn trong sự nghiệp Đổi mới, những đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân là những giá trị hiện hữu mãi mãi…