Từ căn hộ của mình ở khu đô thị Bonifacio tại thủ đô Manila của Philippine, anh Eric Go có thể dễ dàng nhìn ngắm những chiếc máy bay đến và đi thành phố này. Giống như nhiều người trẻ thuộc tầng lớp trung lưu Đông Nam Á, anh Go - một người lớn lên ở Mỹ và làm việc cho một công ty thương mại điện tử, đã quen với tần suất di chuyển liên tục của mình.

Anh làm việc với các đối tác trên toàn cầu, đặt các chuyến bay về thăm gia đình anh hiện đang sống ở New York, hay thực hiện các chuyến du lịch tới khắp các quốc gia trên thế giới một cách dễ dàng.

Mọi thứ đã thay đổi!

 Go cho biết. "Chẳng hạn, nếu có điều gì đó tôi không thích ở Manila nữa, hoặc đơn giản có thể là thời tiết quá nóng thôi, tôi có thể dễ dàng đặt vé và đi đến nơi khác. Nhưng hiện tại, việc tưởng như đơn giản ấy lại trở nên không thể, tôi không thể đi đâu nữa vào lúc này!”

Một người đàn ông đi qua thủ đô Manila của Philippines, nơi Tổng thống Rodrigo Duterte đã ra lệnh ngừng hoạt động vào giữa tháng 3.

Một người đàn ông đi trên đường phố của thủ đô Manila của Philippines. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra lệnh đóng cửa các cửa hàng vào giữa tháng 3 trong những nỗ lực nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19

Kể từ khi cuộc khủng hoảng COVID-19 gia tăng vào giữa tháng 3 năm nay, Go đã cố gắng đặt vé để về với cha mẹ của mình ở Mỹ. Tuy nhiên, chỉ còn rất ít chuyến bay quốc tế còn hoạt động tại thời điểm đó, điều này đẩy giá vé lên rất cao, cộng với các sân bay luôn trong trạng thái quá tải, và đó chính là một trong những nguy cơ lây nhiễm bệnh. Trong khi đó, trên toàn thế giới, hầu hết chính phủ các nước đều ra lệnh đóng cửa biên giới!

Tại Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Đài Loan, Việt Nam, New Zealand hay Australia, chính phủ các quốc gia này đều tạm dừng nhập cảnh đối với hành khách nước ngoài. Ở một số quốc gia khác, chẳng hạn như Nhật Bản, thì áp dụng chính sách tạm dừng miễn thị thực nhập cảnh và áp dụng kiểm dịch đối với hầu hết hành khách.

Rất nhiều thành phố lớn trên thế giới đã ban bố tình trạng khẩn cấp, và phong toả thành phố. Các đường phố vắng tanh, cửa hiệu và các doanh nghiệp tạm thời đóng cửa. Thậm chí nhiều người còn ví những thành phố vốn nhộn nhịp sầm uất giờ đây vắng lặng không một bóng người, là những thành phố ma!

Tại sân bay Changi của Singapore, một trong những trung tâm vận chuyển lớn nhất châu Á, một băng chuyền hành lý đứng bất động sau bàn làm thủ tục không người lái vào ngày 30 tháng 3.

Sân bay Changi của Singapore, một trong những trung tâm vận chuyển lớn nhất tại châu Á giờ đây trở nên hết sức vắng lặng

Tình trạng phong toả hiện tại của rất nhiều thành phố lớn trên toàn thế giới đã gây sốc cho thế hệ trẻ - thế hệ vốn chỉ biết đến kỷ nguyên toàn cầu hóa và khái niệm thế giới phẳng.

Đứng trước lệnh phong toả của chính quyền thủ đô Manila, anh Go đã nhiều lần tự đặt câu hỏi. "Những thói quen tưởng như rất bình thường trong cuộc sống đã không còn ... Lúc này, câu hỏi trong đầu tôi chỉ là tuần sau sẽ thế nào? Liệu tuần sau tôi có thể mua bánh mỳ hay trứng không? Tôi chưa bao giờ trải qua tình trạng như hiện tại. Tôi chưa bao giờ phải chứng kiến lệnh giới nghiêm nào trong đời."

Ở thời điểm hiện tại, khi đại dịch COVID-19 vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát, một phần ba dân số toàn cầu đang ở trong tình trạng bị phong toả, hoặc bị hạn chế đi lại. Hoạt động lao động sản xuất hạn chế xuống mức tối đa, trường học đóng cửa, các dịch vụ không thiết yếu tạm nghỉ. Các sự kiện thể thao, từ các giải đấu quy mô nhỏ đến Thế vận hội Olympic Tokyo đều đã bị hoãn lại.

Hàng triệu người lao động mất việc, hàng trăm nghìn doanh nghiệp đệ đơn xin phá sản, con số người chết tăng lên hàng ngày, cộng với sự chênh lệch sâu sắc về xã hội, văn hóa, kinh tế và chính trị sẽ đào sâu hơn nữa khoảng cách giữa các quốc gia, ngay cả khi dịch bệnh đã được đẩy lùi.

Giáo sư tài chính Sumit Agarwal tại Đại học Lý Quang Diệu nhận xét: "Những tác động của virus corona lên toàn cầu là rất lớn. Nó sẽ tác động lên hệ thống tài chính, hệ thống xã hội, sức khỏe, và với chuỗi cung ứng toàn cầu. Mọi thứ đều bị ảnh hưởng. Mọi người sẽ phải suy nghĩ lại về khái niệm các tuyến thương mại mới, khái niệm năng lực sản xuất mới, thậm chí suy nghĩ lại về khái niệm biên giới!”

Đóng cửa biên giới

Vào ngày 17 tháng 3 vừa qua, Quỹ Di sản - một nhóm chuyên gia cố vấn độc lập của Mỹ, đã tuyên bố rằng Singapore là nền kinh tế tự do nhất trên thế giới. Chưa đầy một tuần sau, lãnh đạo quốc đảo này đã phải tuyên bố đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dòng người lên tới 400.000 người qua lại mỗi ngày giữa Malaysia và Singapore để làm việc. Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Singapore Airlines đã cắt giảm tới 96% các chuyến bay.

Là một sinh viên người Singapore học tập tại Mỹ, anh David Tan đã may mắn đặt được vé của một trong những chuyến bay cuối cùng rời khỏi Mỹ. "Nếu tôi ở lại, có thể tôi sẽ an toàn. Nhưng ở lại càng lâu, tôi càng khó về lại Singapore".

Mặc dù anh Tan biết rằng khi quay trở về Singapre, anh sẽ phải cách ly 14 ngày để theo dõi tình hình sức khoẻ, nhưng anh vui vẻ chấp hành bởi anh biết đây là một giai đoạn cực kỳ căng thẳng, không chỉ với Singapore mà còn với toàn thế giới.

Công nhân tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã lác đác quay trở lại làm việc trong sự cảnh giác nghiêm ngặt

Công nhân tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã lác đác quay trở lại làm việc trong sự cảnh giác nghiêm ngặt

Mặc dù giá vé máy bay từ Mỹ về Singapore không hề rẻ, nhưng anh Tan cho biết: "Nếu tôi bị mắc bệnh ở Mỹ, mặc dù tôi có bảo hiểm y tế, nhưng chi phí điều trị sẽ là một khoản tiền đáng kể. Chưa kể trong trường hợp xấu, nếu tôi phải nhập viện thì chi phí sẽ lớn hơn rất nhiều. Nói theo cách khác, 1.000 USD để bay trở lại Singapore thực sự là một khoản tiết kiệm."

Trên khắp thế giới, rất nhiều người đã phải tính toán và đưa ra các quyết định tương tự như vậy. Hongkong - một thành phố rất phát triển khác tại châu Á, cũng đã ra quyết định phong tỏa với Trung Quốc đại lục vào tháng Hai. Từ ngày 25/3, đặc khu này cũng cấm hoàn toàn người nước ngoài nhập cảnh.

Giống như anh Tan, anh Shakib Pasha, là một doanh nhân có một chuỗi nhà hàng và quán bar hoạt động hiệu quả tại Hongkong cũng đã quyết định đưa cha mẹ mình quay trở lại Bangladesh trước khi các chuyến bay quốc tế đóng cửa hoàn toàn.

Bố mẹ tôi vẫn đi về giữa Hongkong và Bangladesh. Nhưng ở thời điểm hiện tại, chúng tôi đã quyết định sẽ quay trở về Bangladesh. Hôm qua là sinh nhật của em gái tôi, nhưng tôi không thể đến chúc mừng. Khi trở về Bangladesh, chúng tôi được cách ly 14 ngày để theo dõi tình hình sức khoẻ”.

Sự tê liệt của nền kinh tế toàn cầu

Các nền kinh tế châu Á đã dựa vào chính sách kinh tế cởi mở để phát triển thông qua việc xây dựng các trung tâm tài chính và hệ thống doanh nghiệp vững mạnh như Singapore và Hồng Kông; hay thiết lập chìa khóa của chuỗi cung ứng toàn cầu như Đài Loan, Bangladesh và Việt Nam; hoặc quyết định phát triển theo hướng đẩy mạnh du lịch như Thái Lan - thì đều đã và đang phải tự cô lập mình một cách nhanh chóng và toàn diện như một phương pháp hiệu quả để kiểm soát dịch COVID-19.

Ông Amitendu Palit - một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho biết: "Những gì chúng ta đang thấy là sự tê liệt gần như hoàn toàn của nền kinh tế toàn cầu”.

Trong một vài năm qua, các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đã thu hút làn sóng các nhà sản xuất rời khỏi Trung Quốc nhằm tránh các mức thuế quan mà Mỹ áp đặt cho Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia.

Nhưng thậm chí ngay cả trước đó, các nhà sản xuất đã tận dụng mức thuế thấp giữa các nước Đông Nam Á để tận dụng chi phí lao động thấp cũng như các chính sách hỗ trợ của chính phủ. Chẳng hạn, một hộp số cho một chiếc ô tô được lắp ráp tại Việt Nam hoặc Ấn Độ có thể sẽ di chuyển qua biên giới năm hoặc sáu lần, với giá trị gia tăng ở mỗi giai đoạn. Nhưng đại dịch COVID-19 lần này có thể sẽ làm sụp đổ hệ thống đó, ông Palit nhận định.

Toàn cầu hoá và sự thay đổi của chuỗi cung ứng

Rất nhiều các công ty đang lâm vào tình cảnh trớ trêu rằng các lô hàng của họ hiện đang bị giữ vô thời hạn tại các cảng, một phần do sự tạm ngừng hoạt động của hệ thống hải quan. Khi gặp phải những rủi ro chưa từng có như thế này, các công ty có thể sẽ cố gắng tái lập lại chuỗi cung ứng của họ đến càng ít địa điểm và nhà cung cấp càng tốt.

Sự sụp đổ, kể cả chỉ là tạm thời của chuỗi cung ứng sẽ có tác động rất lớn đến hệ thống việc làm. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã cảnh báo rằng có thể có tới 25 triệu việc làm bị mất trong đại dịch lần này. Liên đoàn Công đoàn tại Myanmar cho biết, 27 nhà máy dệt ở nước này đã ngừng hoạt động kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng.

Một nhà ga đường sắt bỏ hoang ở Mumbai, Ấn Độ, sau khi các dịch vụ đã bị dừng để ngăn chặn sự lây truyền của coronavirus.

Hệ thống nhà ga đường sắt tại Mumbai, Ấn Độ đã đóng cửa để ngăn chặn sự lây truyền của COVID-19

Theo ước tính của ILO, sẽ có hơn 33 triệu lao động nhập cư tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương sẽ rơi vào tình cảnh đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, tại nhiều quốc gia dòng kiều hối từ người lao động nước ngoài gửi về cho quê hương đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Chỉ riêng Philippines, quốc gia này đã nhận được hơn 34 tỷ USD kiều hối hàng năm.

Hàng chục ngàn công nhân từ Myanmar, Campuchia và Lào tại Thái Lan đã quyết định về nước. Hay việc đóng cửa biên giới giữa Singapore và Malaysia đã làm gián đoạn công việc của hàng trăm ngàn người tại hai quốc gia này.

Chính điều này, ở một khía cạnh nào đó, không những ảnh hưởng rất lớn đến người lao động mà còn tác động tiêu cực tới nền kinh tế Singapore. Nền kinh tế của quốc đảo sư tử vốn phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng lao động giá rẻ hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất cũng như dịch vụ. Phần lớn số lao động này đến từ bang Johor của Malaysia.

Tuy nhiên, việc kết thúc nhanh chóng của phong trào lao động di chuyển tự do trong khu vực rất có thể sẽ ảnh hưởng đến những người lao động ở tầng lớp cao hơn và điều này rất có thể sẽ làm suy yếu vĩnh viễn nền kinh tế của một số quốc gia như Singapore và Hongkong. Các quốc gia này vốn phát triển kinh tế dựa vào làn sóng hội nhập khu vực, dựa vào đó để trở thành trung tâm du lịch và tài chính của khu vực.

Việc Singapore xử lý tốt các khía cạnh y tế trong đại dịch COVID-19 đã được ca ngợi rộng rãi, nhưng các lỗ hổng kinh tế của quốc đảo này đã trở nên ngày một rõ ràng. Sân bay Changi đóng cửa; trung tâm hội nghị và khách sạn không còn người qua lại, các trung tâm thương mại giờ vắng lặng… 

Có lẽ đáng lo ngại hơn là sự thiếu tin tưởng trong và giữa các quốc gia, vốn bị xói mòn bởi nhiều năm nay bởi chủ nghĩa dân tộc đang lên, cũng như các nhà lãnh đạo dân túy đã thách thức các thể chế truyền thống.

Tại Mỹ, trong một cuộc thăm dò của Gallup cho thấy sự phân cực chính trị trong người dân Mỹ, một phần xuất phát từ những lo lắng của người dân Mỹ đối với loại virus này, 73% phần trăm cử tri thuộc đảng Dân chủ nói rằng họ lo lắng về sự bùng phát, so với chỉ 42% của đảng Cộng hòa.

Trước đó, vào cuối tháng 3, nhóm các quốc gia công nghiệp G-7 thậm chí không thể đưa ra được một thông cáo chung về đại dịch COVID-19 khi Mỹ khăng khăng sử dụng thuật ngữ "virus Vũ Hán" để mô tả sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 từ Trung Quốc tràn ra thế giới, không biết sẽ đi đến đâu, nhưng trước mắt đang gây ra vô vàn thay đổi lớn. Nhưng có một thay đổi lớn tại rất nhiều quốc gia, đó là việc phong toả buộc rất đông người phải làm việc tại nhà.

Tình hình hiện nay đã rất khác so với thời điểm cách nay 10 năm, giờ đây làm việc tại nhà là chuyện khả thi với hàng trăm triệu người, bởi các điều kiện cơ sở hạ tầng viễn thông, tin học cho phép. Theo chuyên gia về công nghệ số Andrew McAfee, lối sống này sẽ có những hệ luỵ rất lớn, và đây rất có thể là một bước ngoặt cho sự lên ngôi của lối làm việc tại nhà, sống xa các vùng trung tâm.