Nỗi ám ảnh của sách lậu, sách giả kéo dài không chỉ đẩy các doanh nghiệp tham gia vào ngành xuất bản, các Nhà xuất bản rơi vào tình trạng thiệt đơn thiệt kép, trong đó, không chỉ là uy tín, kinh tế mà còn là giá trị mang lại cho cuộc sống cũng “sai lệch” một cách dữ dội. Đáng nói, sự vào cuộc của họ, cùng lực lượng chức năng tại nhiều thời điểm chỉ như “gắp cóc bỏ đĩa”, càng đấu tranh thì sách lậu, sách giả càng nhiều và ngày một công khai hơn khiến dư luận vô cùng quan ngại… Tuy nhiên, chỉ hơn 1 năm trở lại đây, cuộc chiến này đã có sự chuyển mình rõ rệt, vi phạm về sách lậu, sách giả không còn là những biên bản xử phạt hành chính với số tiền nhỏ mà thay vào đó đã là những trận đánh lớn, rõ ràng với số lượng lên tới hàng triệu bản và các đối tượng vi phạm sẽ phải trả giá bằng bản án hình sự.

Thông tin với báo chí Công ty sách Huy Hoàng Book bức xúc, khi bộ sách “Cơ thể tự chữa lành” do đơn vị nắm bản quyền bị in lậu, được đăng bán công khai trên mạng xã hội với giá rẻ. Đáng nói, đây là bộ sách mà doanh nghiệp đã phải trả chi phí tác quyền rất cao, chưa kể đến hàng loạt những chi phí khác như: dịch thuật, hiệu đính, biên tập, thiết kế, dàn trang, xin giấy phép, in ấn… để xuất bản phẩm này có thể ra đời và phát hành đến bạn đọc cũng mất gần 4 năm. Thế nhưng, bộ sách mới được ra mắt 5/6 cuốn nhưng sách lậu đã bán cả combo 5 cuốn.

Theo bà Nguyễn Lê My Hoàn - Giám đốc xuất bản của Huy Hoàng Book, thực trạng này đã gây tổn thất rất lớn với Công ty, khi doanh thu bán sách bị ảnh hưởng. Trong khi đó, khoảng 6 tháng - 1 năm, doanh nghiệp phải báo cáo cho chủ sở hữu về số lượng sách bán ra, nếu không đạt con số dự kiến ban đầu, chủ sở hữu có thể không ký tiếp hợp đồng hoặc họ tăng giá bán bản quyền. Điều này khiến việc mua bản quyền sách càng trở nên khó khăn.

Không riêng Huy Hoàng Book, sách lậu, sách giả là vấn nạn mà các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất bản, Nhà xuất bản bao năm qua phải đau đầu, First News Trí Việt cũng là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề về tình trạng hàng nghìn đầu sách đầu sách khi chỉ mới phát hành đã bị in lậu.

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc First News - Trí Việt chia sẻ, những cuốn càng bán chạy thì tỷ lệ in lậu lại càng nhiều, trong đó các đầu sách như: “Đắc Nhân tâm”, “Hạt giống tâm hồn”, “Quà tặng diệu kỳ”, “Muôn kiếp nhân sinh”,... bị in lậu đã khiến doanh nghiệp thiệt hại nhiều tỷ đồng.

Ngoài các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất bản, các Nhà xuất bản cũng là nạn nhân của nạn sách lậu, sách giả, trong đó, Nhà xuất bản Trẻ; Nhà xuất bản Kim Đồng; Nhà xuất bản Giao thông vận tải… cũng không ít lần bị các đối tượng in lậu sách. Ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khi lượng bản bị in lậu ngày càng nhiều, nếu không được “dẹp bỏ” sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều thế hệ học sinh, sinh viên…

Sách nói chung, là tri thức của nhân loại, các tác giả, doanh nghiệp, Nhà xuất bản thông qua sách góp phần xây dựng xã hội, định hướng con người tới những điều tốt đẹp. Tuy nhiên, không chỉ riêng việc phổ cập tri thức tới cộng đồng, sách giáo khoa, nền tảng giáo dục con người từ tiểu học tới phổ thông cũng đã và đang bị “vấy bẩn” bởi vấn nạn sách giả, sách lậu hoành hành.

Thông tin về thực trạng vấn nạn sách giả, sách lậu, ông Lê Thành Anh – Phó giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, từng cho biết: Việc sử dụng sách giả, sách lậu là vô cùng nguy hiểm, đặc biệt là sách giáo dục bởi đây là loại sách phổ cập sử dụng cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, cho nên, những sai sót trong quy trình thực hiện sách giả, sách lậu sẽ ảnh hưởng đến nền tảng kiến thức của các thế hệ học sinh.

“Đặc biệt, liên quan đến sách bản đồ càng là vấn đề đáng quan ngại khi những hệ lụy từ sai sót của sách giả, sách lậu sẽ dễ đến các sai lệch, không đồng nhất của kiến thức được phổ cập. Sách về ngoại ngữ còn đáng lo ngại hơn, khi vấn nạn sách giả, sách lậu tồn tại đã gây ra nhiều ảnh hưởng cho Nhà xuất bản, từ vấn đề bản quyền cho tới bức xúc của các đối tác phối hợp thực hiện”, ông Thành Anh nói.

Còn theo bà, Nguyễn Lê My Hoàn - Giám đốc xuất bản của Huy Hoàng Book, khi các Nhà xuất bản không sống nổi sẽ kéo theo sự diệt vong của ngành sách, lúc đó, không còn những đầu sách hay được ra mắt, đồng nghĩa “đến sách lậu cũng không có để đọc, bởi sách lậu phải dựa trên sách thật”…

Sau loạt bài viết Diễn đàn Doanh nghiệp về vấn nạn sách giả, sách lậu, ngày 07/7/2020 lực lượng chức năng đã tiến hành tổng kiểm tra “truy vết” sách giả, sách lậu từ quy trình in ấn. Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã chọn hai điểm “nóng” 418 Bạch Mai, Hai Bà Trưng (Hà Nội) và khu vực kho Trần Quý Cáp, Đống Đa (Hà Nội), nơi tập trung hoạt động của hàng loạt các cơ sở, xưởng in, có dấu hiệu nghi vấn.

Ngoài kiểm tra giấy phép, điều kiện hoạt động,… lực lượng chức năng cũng tiến hành thẩm tra nguồn gốc sản phẩm đang được gia công tại các cơ sở, xưởng in. Quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng chức năng phát hiện một lượng lớn tay sách gia công chưa có bìa nghi là sách giả và một số sách thành phẩm, loại sách ngoại ngữ dành cho trẻ em có tên INTENSIVE (phonics – Smart), bìa 1 có ghi NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Công ty Cổ phần phát triển Giáo dục Việt Nam – VPBOX nhưng không có nội dung thông tin giấy phép theo quy định.

Lực lượng chức năng tiến hành vây bắt sách lậu, sách giả sau loạt bài viết của Diễn đàn Doanh nghiệp - Ảnh: Gia Nguyễn

Lực lượng chức năng tiến hành vây bắt sách lậu, sách giả sau loạt bài viết của Diễn đàn Doanh nghiệp - Ảnh: Gia Nguyễn

Đáng nói, ngoài việc tạm giữ những hiện vật trên để xác minh làm rõ thì phía đại diện cơ sở cũng cung cấp cho lực lượng chức năng một số giấy tờ liên quan, trong đó có: quyết định xuất bản xuất bản phẩm của NXB Hồng Đức; hợp đồng nguyên tắc; hợp đồng kinh tế;… Tuy nhiên, vẫn còn thiếu một số văn bản giấy tờ liên quan, bản thảo mẫu,…

Chiều ngày 09/7/2020, lực lượng Tổng cục QLTT phối hợp cùng đội QLTT số 17 – Cục QLTT TP. Hà Nội đã đột kích vào kho hàng có địa chỉ tại số 87 phố Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội, quá trình tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và thu giữ 80 đầu sách với hơn 16.000 ấn phẩm in nhãn mác đầy đủ của các NXB, trong đó, đa phần là sách của NXB Giáo dục Việt Nam.

Tiếp đến, ngày 13/7/2020, tiếp tục truy quét vấn nạn sách giả, sách lậu, các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện và thu giữ hơn 2.200 kg bìa và ruột sách giáo khoa tại một xưởng ở tại địa chỉ A2-6 TT Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đồng thời sau đó, hàng loạt những vụ việc khác cũng được các lực lượng chức năng phối hợp tiến hành triệt phá…

Sau hàng loạt nguy cơ và hệ lụy hiện hữu, vấn nạn sách lậu, sách giả đã có những bài học đắt giá đầu tiên, từ sự phối hợp của các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất bản, các Nhà xuất bản, cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, các đường dây, đối tượng làm sách lậu, sách giả đã phải trả giá.

Theo đó, từ ngày 18 đến 22/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Nhà xuất bản Giáo dục tiến hành xác minh, làm rõ đường dây chuyên sản xuất sách giáo khoa giả.

Lực lượng chức năng đã bắt quả tang các đối tượng tham gia in ấn, gia công, tiêu thụ sách giả tại xưởng in sách số 297 đường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai (Hà Nội) và thôn Viêm Khê, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) của Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội; trụ sở Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát tại số 14 ngõ 197 Hoàng Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Liên quan đến vụ việc, cơ quan điều cũng đã thu giữ nhiều vật chứng như: hơn 3,2 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà xuất bản Giáo dục; 3 hệ thống dây chuyền máy in Offset, nhiều máy gia công sách giả; hơn 1,5 triệu tem giả của Nhà xuất bản Giáo dục và nhà xuất bản khác; 5 ô tô tải và nhiều máy móc, công cụ dùng để bốc xếp, vận chuyển sách; khoảng 20 tỷ đồng từ nguồn thu bất hợp pháp...

Chưa dừng lại ở đó, ngày 23/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án Sản xuất, buôn bán hàng giả, xảy ra tại Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát và các đơn vị có liên quan. Đồng thời thi hành các quyết định khởi tố, bắt tạm giam và khám xét chỗ ở khẩn cấp đối với 7 bị can trong đường dây này.

Đây như một lời khẳng định đanh thép về quyết tâm “dẹp loạn” và cũng cho thấy một bước chuyển mình rõ rệt trong cuộc chiến chống sách lậu, sách giả hiện nay.