Dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến là hơn 139km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi). Giai đoạn 1 của dự án dài 65km, từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) có 8 gói thầu xây lắp chính, trong đó có 7 gói thầu thi công đường và 1 gói thầu chủ yếu thi công cầu.
 
Được biết, dự án khởi công ngày 19/5/2013, đến ngày 1/8/2017 hoàn thành thông xe, đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 (65km) từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Tam Kỳ, ngày 2/9/2018 hoàn thành thông xe, đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 2 (74,2km) từ thành phố Tam Kỳ - thành phố Quảng Ngãi.
 
Mặc dù, mới đưa vào khai thác, đoạn đường 65km đã xảy ra rất nhiều điểm hỏng biểu hiện trên mặt đường bêtông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.

Theo kết quả điều tra và kết luận giám định của Bộ Giao thông Vận tải xác định, chất lượng công trình xây dựng hoàn thành đối với 7/7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn 1 của dự án không đảm bảo chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án như: Chiều dày lớp bêtông nhựa VTO/Novachip không đảm bảo quy định, độ rỗng dư, hàm lượng nhựa, hệ số thấm không đạt yêu cầu quy định; lớp bêtông nhựa hạt mịn, bêtông nhựa hạt trung C19 thiếu chiều dày bình quân, độ rộng dư giao động rất lớn; các lớp bêtông nhựa và đá dăm gia cổ nhựa có hiện tượng bong tróc cốt liệu...

Quá trình thi công, nghiệm thu, các bên liên quan đã không thực hiện đo nghiệm thu cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu hoàn thành, đo hệ số thấm của lớp bêtông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình xây dựng sau khi thi công như Tiêu chuẩn số 211-2006, Chỉ dẫn kỹ thuật số 06200 của dự án quy định, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng hạng mục công trình xây dựng nhưng đã ký nghiệm thu, đề nghị đưa công trình vào khai thác sử dụng.

Tuy nhiên, VEC, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan không có phương án, biện pháp chỉ đạo cụ thể để rà soát, kiểm tra, loại bỏ vật liệu không đảm bảo chất lượng, dẫn đến cả 7/7 gói thầu đều sử dụng đá tại các mỏ này làm vật liệu sản xuất các lớp cấp phối đá dăm và bêtông nhựa các loại. Cơ quan giám định tư pháp đã tổ chức lấy vật liệu tại các mỏ đá này để thí nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu cơ lý của vật liệu, đã xác định chất lượng tại các mỏ đá đều không đảm bảo theo yêu cầu quy định.

Mặc dù giá trị các hạng mục công trình xây dựng không đảm bảo nhưng chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã tiến hành nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị thi công dự án. 

Ngày 10/10/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét đối với 07 bị can về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015:

Các bị can bị khởi tố gồm: ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty VEC, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; ông Hoàng Việt Hưng; ông  Đỗ Ngọc Ân và Lê Nhiều là Giám đốc, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; ông Cao Hừng Đông; Võ Quốc Thiều là Phó Giám đốc Ban điều hành liên danh gói thầu số 1, số 3B.

Và bị can Đào Văn Hoành, Giám đốc Ban điều hành của Tổng Công ty Sông Đà, phụ trách phân đoạn do Tổng Công ty Sông Đà thi công tại gói thầu số 4, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. 

Đến cuối tháng 4/2021, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 36 bị can và phân công Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm Vụ án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

36 bị can gồm: Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quang Hào cùng là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Nguyễn Tiến Thành, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án, nguyên Giám đốc gói thầu số 4, số 5, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Đỗ Ngọc Ân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án, nguyên Giám đốc gói thầu số 4,5,6,7, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Lê Nhiều, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nguyên Giám đốc gói thầu số 1,2,3B, Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi..... cùng các bị can khác

Cáo trạng xác định, kết quả điều tra và kết luận giám định đã chỉ rõ để xảy ra sai phạm và hậu quả thiệt hại trên có hành vi không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, dẫn đến tổ chức thi công, nghiệm thu các hạng mục công trình, nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành không đảm bảo chất lượng của các bị can tại VEC, Ban Quản lý dự án, các đơn vị thi công tại các gói thầu và tại Nhà thầu tư vấn giám sát thi công dự án.

Hành vi của các bị can đã vi phạm quy định pháp luật, cấu thành tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 224 – Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ngày 11/5, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP HCM vừa ban hành Kết luận điều tra bổ sung vụ án hình sự số 481-29/KLĐTBS-PC03.

Theo đó, phía cơ quan CSĐT, Công an TP HCM đề nghị truy tố bổ sung đối với 19 bị can trong vụ án Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO), công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Sau khi kết thúc điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP HCM đã xác minh nhiều nội dung cần làm rõ trong vụ án.

Được biết, ngày 25/3, cơ quan điều tra ra Quyết định trưng cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP.HCM định giá toàn bộ tài sản, các khoản phải thu, phải trả của công ty SADECO để làm cơ sở xác định thiệt hại trong việc phát hành cổ phần cho công ty Nguyễn Kim.

Ngày 16/4, Kết luận định giá tài sản số 2161/KL-HĐĐGTS nêu rõ, vào thời điểm tháng 1/2017, giá trị tài sản của công ty SADECO là hơn 3.245 tỷ đồng. Giá trị các khoản nợ phải trả là hơn 481 tỷ đồng.

Đối chiếu quy định của bộ Tài chính và kết quả định giá, đã đủ cơ sở xác định rằng, giá trị cổ phần của công ty SADECO tại thời điểm phát hành cho công ty Nguyễn Kim vào tháng 1/2017 là 162.571 đồng.

Như vậy, thiệt hại của việc công ty SADECO trong việc phát hành 9 triệu cổ phần cho công ty Nguyễn Kim là 1.103 tỷ đồng

Trong đó, thiệt hại cho vốn của UBND TP.HCM là 485 tỷ đồng, vốn của Thành ủy TP HCM là hơn 184 tỷ đồng và các cổ đông khác là 433,5 tỷ đồng.

Còn từ tháng 1/2017 đến tháng 1/2019, công ty SADECO chưa chia cổ tức cho cổ đông, mà vẫn giữ lại cho đến nay.

Do đó, ngoài việc bị thất thoát, thiệt hại trong việc phát hành cổ phần với giá thấp như đã nêu ở trên thì tài sản Nhà nước không bị thất thoát thiệt hại thêm trong khoảng thời gian phát hành cổ phần cho công ty Nguyễn Kim.

Về vai trò, trách nhiệm của các bị can đối với số tiền thất thoát, thiệt hại trong vụ án, kết luận điều tra xác định ông Tề Trí Dũng có vai trò chính đối với các sai phạm.

Bởi lẽ, ông Tề Trí Dũng vừa là Tổng Giám đốc vừa là thành viên HĐTV công ty IPC, Chủ tịch HĐQT công ty SADECO.

Trong việc công ty SADECO phát hành cổ phần cho công ty Nguyễn Kim, ông Tề Trí Dũng có vai trò xuyên suốt từ việc thực hiện các thủ tục hợp tác.

Từ lúc thực hiện chủ trương hợp tác với công ty Nguyễn Kim, đến khi hoàn thành việc phát hành cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần.

Thậm chí còn sử dụng kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp không có chức năng thẩm định giá, với tài sản bị định giá thấp, sai quy định để thực hiện các thủ tục phát hành cổ phần cho công ty Nguyễn Kim, thấp hơn giá trị của công ty SADECO.

Từ đó đã gây thiệt hại cho công ty SADECO số tiền 1.103 tỷ đồng. Cho nên, hành vi này đã đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, được quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Đối tượng Tề Trí Dũng cũng là người chủ trương thực hiện chuyến đi, trao đổi với bà Nguyễn Thị Lãm Thúy, công ty Du lịch Bến Thành và giao cho Hồ Thị Thanh Phúc tổ chức thực hiện việc sử dụng tiền của công ty SADECO đi tham quan, du lịch dưới danh nghĩa đi khảo sát, học tập.

Hành vi này đã gây thất thoát, thiệt hại cho công ty SADECO số tiền 3,8 tỷ đồng. Bị can Dũng cũng sử dụng nguồn tiền thù lao, quỹ khen thưởng HĐQT, BKS (ban kiểm soát) tại công ty SADECO trái quy định.

Cùng với đó, việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn Chủ tịch HĐQT công ty SADECO, ông Tề Trí Dũn đã duyệt chi nhiều khoản tiền cho mình và các thành viên HĐQT khác sử dụng cá nhân trái quy định.

Tổng số tiền được xác định là 1,7 tỷ đồng nên đủ yếu tố cấu thành tội Tham ô tài sản được quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Quá trình điều tra bổ sung vụ án, ông Tề Trí Dũng thừa nhận sai phạm và vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các thủ tục phát hành cổ phần cho công ty Nguyễn Kim.

Ngoài ra, kết luận điều tra khẳng định, ông Tất Thành Cang có vai trò là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM từ 5/2/2016 đến ngày 7/1/2019.

Theo đó, ông Tất Thành Cang có trách nhiệm phụ trách Văn phòng Thành ủy; chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự tán ngân sách Đảng bộ được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua cùng với việc thực hiện quyết định chủ trương đầu tư các dự án, công trình, các chương trình đầu tư phát triển của Đảng bộ Thành phố.

Ngày 16/5/2017, ông Tất Thành Cang có bút phê “Đồng ý” vào Tờ trình số 1148 -TTr ngày 28/4/2017 của Văn phòng Thành ủy. Trong đó, giá phát hành cổ phần được xác định cụ thể là 40.000 đồng/cổ phần cho 1 cổ đông chiến lược .

Điều này là sai theo quy định tại Điều 125 và điểm d khoản 2 Điều 149 Luật Doanh nghiệp, trong khi thẩm quyền quyết định về giá bán thuộc về Hội đồng quản trị.

“Tất Thành Cang biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá theo Điều 38 Nghị định 91/2015 của Chính phủ nhưng không chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, Người đại diện vốn có ý kiến về việc đấu giá, thẩm định giá theo quy định”, kết luận điều tra cho biết.

Vì thế, hành vi của ông Tất Thành Cang đã đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Cho nên, ông Tất Thành Cang phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thất thoát, thiệt hại tương ứng với phần sở hữu của Văn phòng Thành ủy tại công ty SADECO (16,7%) là 184,2 tỷ đồng.

 

Ngày 8/12, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Tấn Hải - phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận), Nguyễn Thị Ngọc Bích (kế toán trưởng), Nguyễn Hoàng Việt và Nguyễn Xuân Tùng (cả hai đều là kiểm soát viên).

Bốn bị can trên bị khởi tố để điều tra hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí". Các quyết định khởi tố đã được Viện KSND TP HCM phê chuẩn. 

Khu đất hơn 30 ha của Công ty Tân Thuận bán cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Khu đất hơn 30 ha của Công ty Tân Thuận bán cho Công ty Quốc Cường Gia Lai.

Trước đó, vào tháng 1/2020, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Công Thiện - 55 tuổi, nguyên tổng giám đốc và Nguyễn Văn Minh - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tân Thuận về cùng hành vi trên.

Trước đó, tháng 6/2018, Ủy ban kiểm tra Thành ủy TP HCM đã cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Trần Công Thiện, bí thư chi bộ Công ty Tân Thuận, đồng thời đề nghị Văn phòng Thành ủy cách chức thành viên hội đồng thành viên và tổng giám đốc Công ty Tân Thuận đối với ông Thiện.

Lý do, ông Thiện là người chịu trách nhiệm chính, trực tiếp trong việc chỉ đạo điều hành công việc tại Công ty Tân Thuận dẫn đến những vi phạm khi thực hiện dự án khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè).

Ủy ban kiểm tra Thành ủy cũng kiến nghị Ban thường vụ Thành ủy chỉ đạo Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo UBND TP, yêu cầu Thanh tra TP làm rõ có hay không hành vi cố ý làm trái quy định của pháp luật và của Thành ủy của ông Trần Công Thiện trong việc tham mưu đề xuất giá chuyển nhượng chưa đảm bảo ngang giá thị trường tại thời điểm chuyển nhượng.

Trụ sở của Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (325 đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM).

Trụ sở của Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (325 đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, Q.7, TP HCM).

Nếu có hành vi cố ý làm trái sẽ chuyển cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Lliên quan vụ chuyển nhượng 32ha đất đã đền bù tại xã Phước Kiển, chỉ 6 tháng sau khi Công ty Tân Thuận tự thẩm định và ký hợp đồng chuyển nhượng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá 1.290.000 đồng/m2, hợp đồng chuyển nhượng giữa hai công ty trên đã bị "tuýt còi".

Theo xác định của Văn phòng Thành ủy, giá chuyển nhượng thấp hơn giá thị trường 478.000 đồng/m2. Văn phòng Thành ủy TP HCM đã có thông báo cho rằng việc ký chuyển nhượng này không được báo cáo cho tập thể thường trực Thành ủy và tập thể Ban thường vụ Thành ủy theo quyết định số 1087 ngày 31/3/2009 của Ban thường vụ Thành ủy về ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu của Đảng bộ TP.

Việc chuyển nhượng đất không qua đấu giá trái với quy định tại Nghị định 91/2015 (về quy định việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp) và không đúng với nghị định 44/2014 (quy định về giá đất).

Giữa năm 2017, Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an điều tra về những sai phạm trong vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước và những hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng nhà, đất công sản tại thành phố Đà Nẵng và một số địa phương. Do lo sợ bị pháp luật xử lý, Phan Văn Anh Vũ nhờ Hồ Hữu Hòa tiếp cận với Nguyễn Duy Linh để nhờ giúp đỡ, tìm hiểu thông tin.
 
Sau khi tiếp cận và nhờ Nguyễn Duy Linh giúp đỡ, Phan Văn Anh Vũ đã bỏ trốn sang Singapore. Việc bỏ trốn xuất phát từ việc Nguyễn Duy Linh có thông tin cho Phan Văn Anh Vũ biết rằng, Vũ có thể bị khởi tố, bắt giam.
 
Cơ quan điều tra đã thu thập tài liệu, chứng cứ và xác định được toàn bộ diễn biến sự việc của các hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ giữa Phan Văn Anh Vũ, Nguyễn Duy Linh và Hồ Hữu Hòa.

Ngày 4/8/2021, Viện KSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố bị can Phan Văn Anh Vũ (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79) về tội “Đưa hối lộ”.

Liên quan đến hành vi phạm tội của bị can Phan Văn Anh Vũ, bị can Hồ Hữu Hòa (quê Nghệ An, làm nghề phong thủy) bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ” và bị can Nguyễn Duy Linh (ở Hà Nội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo) bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Cáo trạng nêu rõ: Động cơ, mục đích thực hiện hành vi phạm tội của các bị can phù hợp với diễn biến sự việc Phan Văn Anh Vũ bỏ trốn khi biết thông tin sẽ bị khởi tố. Bị can Nguyễn Duy Linh biết rõ, Phan Văn Anh Vũ đang trong quá trình bị xem xét xử lý, biết rõ mục đích của Vũ muốn nhờ giúp đỡ nên đã nhiều lần trao đổi và nhận tiền của Phan Văn Anh Vũ. Khi biết thông tin Phan Văn Anh Vũ sắp bị khởi tố bị can, Nguyễn Duy Linh đã báo tin cho Phan Văn Anh Vũ bỏ trốn".

Trong quá trình điều tra vụ án, Phan Văn Anh Vũ thay đổi lời khai, còn Nguyễn Duy Linh không nhận tội. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã thu thập các tài liệu chứng cứ hoàn toàn khách quan, phù hợp diễn biến sự việc, phù hợp với động cơ, mục đích của người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ và người nhận hối lộ.

Viện KSND Tối cao khẳng định, có đủ căn cứ xác định Phan Văn Anh Vũ đã chuyển số tiền 5 tỷ đồng cho Hồ Hữu Hòa để đưa cho Nguyễn Duy Linh. Cụ thể, Hồ Hữu Hòa đã đưa túi tiền này cho cán bộ cấp dưới của Nguyễn Duy Linh, rồi thông qua trợ lý chuyển đến phòng làm việc của Nguyễn Duy Linh và ông này đã nhận được túi tiền.

Lúc đầu, Nguyễn Duy Linh không nhận tội, phủ nhận toàn bộ sự việc, nhưng khi cơ quan điều tra có đủ căn cứ chứng minh thì Nguyễn Duy Linh thừa nhận có quen biết với Phan Văn Anh Vũ, có nhận quà nhiều lần nhưng không thừa nhận là tiền”, cáo trạng nêu rõ. Tuy nhiên, kết quả làm việc của cơ quan điều tra có đủ cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo như cáo trạng đã xác định.

Viện KSND Tối cao đánh giá, trong vụ án này, các bị can phạm tội thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, gây dư luận bất bình, làm suy giảm niềm tin vào cơ quan Nhà nước, vì vậy cần xử phạt nghiêm khắc để có tác dụng răn đe và phòng ngừa chung. Số tiền đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ là 5 tỷ đồng phải được tịch thu, sung vào quỹ Nhà nước.

Trước khi bị truy tố trong vụ án này, Phan Văn Anh Vũ đã có bốn tiền án về các tội: “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước, Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.

Từ một công ty sinh sau đẻ muộn, VN Pharma đạt được sự phát triển thần kỳ đến mức không tưởng, khi mở hàng loạt chi nhánh và công ty con. Việc trúng các gói thầu tiền tỷ với Sở Y tế TP.HCM và các bệnh viện lớn góp phần đưa công ty này trở thành "đế chế nghìn tỷ" trong ngành dược chỉ sau 3 năm thành lập.

“Đế chế VN Pharma” chỉ thực sự sụp đổ sau khi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị bắt và truy tố vì tội làm giả giấy tờ để nhập khẩu lô thuốc H-Capita chữa ung thư.

Từ đó, hàng loạt câu hỏi được đặt ra liên quan đến việc H-Capita là thuốc giả hay chỉ có giấy tờ giả? Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm buôn lậu hay buôn bán thuốc chữa bệnh giả? Những góc tối về “hoa hồng” cho bác sĩ và quy trình quản lý dược của Bộ Y tế cũng dần hé lộ trong tiến trình vụ án... 

Được biết, ông Nguyễn Minh Hùng thành lập Công ty VN Pharma năm 2011, khi đó vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của công ty dược này chỉ mới 33 tuổi. Dù vậy, VN Pharma có kỳ tích phát triển thần tốc hơn mọi công ty dược khác khi lần lượt trúng các gói thầu tiền tỷ.

Với mức vốn điều lệ chỉ 10 tỷ đồng khi thành lập năm 2011. Hai năm sau, Nguyễn Minh Hùng đã nâng số vốn điều lệ lên 40 tỷ đồng. Cùng với hành trình trở thành một “thế lực” trong ngành dược, kết quả kinh doanh của công ty này cũng trở nên đáng kinh ngạc.

Từ vỏn vẹn 7,4 tỷ đồng doanh thu trong năm đầu tiên, đến năm 2012, doanh thu của VN Pharma đã đạt 328 tỷ đồng. Năm 2013, doanh thu tăng lên 779 tỷ đồng. Năm 2014, doanh thu của VN Pharma dự kiến cán mốc 1.077 tỷ đồng.

"Đế chế VN Pharma" chỉ chấm dứt vào tháng 9/2014, khi Chủ tịch Nguyễn Minh Hùng bị bắt và bị khởi tố vì tội làm giả giấy tờ, con dấu của cơ quan tổ chức để nhập khẩu thuốc trị ung thư H-Capita.

Đáng chú ý, đầu năm 2013, sau khi "bành trướng" thế lực phân phối dược phẩm tại miền Tây và miền Bắc, Nguyễn Minh Hùng đặt Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải quốc tế H&C) mua thuốc tân dược có nhãn mác ghi tên Công ty Helix Pharmaceuticals Inc. trụ sở ở Canada, trong đó có thuốc H-Capita 500 mg Caplet (thuốc chứa hoạt chất Capecitabine có tác dụng làm chậm hoặc ngừng tăng trưởng tế bào ung thư và làm giảm kích thước khối u).

Do không có hồ sơ kỹ thuật thuốc cũng như tiêu chuẩn và phương pháp kiểm nghiệm thuốc để nộp cho Cục Quản lý dược thẩm định theo quy định của Bộ Y tế, Nguyễn Minh Hùng đã chỉ đạo hai nhân viên viết hồ sơ kỹ thuật thuốc H-Capita 500 mg để hợp thức hồ sơ nộp cho Cục quản lý dược cấp giấy phép nhập khẩu và đăng ký lưu hành thuốc.

Tháng 10/2013, VN Pharma đã đề nghị Cục Quản lý dược cấp phép nhập khẩu hơn 200.000 hộp thuốc H-Capita. Tổ thẩm định đã đánh giá hồ sơ thuốc đạt yêu cầu dù không thống nhất tên thuốc, hạn dùng và một số thông tin khác.

Trên cơ sở hồ sơ của công ty VN Pharma cung cấp, Cục Quản lý dược duyệt nhập đối với đơn hàng trên. Ngày 30/12/2013, Cục trưởng Cục quản lý dược Trương Quốc Cường ký công văn cho phép VN Pharma nhập 200.000 hộp thuốc H-Capita, trong đó 9.300 hộp về Việt Nam.

Tuy nhiên, sau khi cấp phép, do nghi ngờ về nguồn gốc nên Cục Quản lý dược đã yêu cầu Nguyễn Minh Hùng giải trình, đồng thời kiểm tra đột xuất. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500 mg đều không rõ nguồn gốc, mã vạch trên bao bì không thể hiện được thuốc sản xuất ở đâu, thuốc không được dùng để chữa bệnh cho người.

Ngoài ra, theo kết quả điều tra, từ năm 2012 đến năm 2014, Nguyễn Minh Hùng cũng làm giả hợp đồng mua bán thuốc với công ty Austin Hong Kong, để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc (H2K- Levofloxacin, H2K-Ciprofloxacin)... Trị giá hàng buôn lậu hơn 5 tỷ đồng.

Ngày 19/9/2014, Nguyễn Minh Hùng bị bắt khi kế hoạch kinh doanh của VN Pharma năm này dự kiến đạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Ngày 21-25/8/2017, TAND TP HCM đưa 9 bị cáo trong vụ VN Pharma ra xét xử tội Buôn lậu và Làm giả con dấu, tài liệu.

HĐXX tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng lĩnh 12 năm tù, Võ Mạnh Cường 12 năm tù, Nguyễn Trí Nhật 5 năm tù, Ngô Anh Quốc 4 năm tù, Lê Thị Vũ Phương 3 năm tù, Phan Cẩm Loan 3 năm 6 tháng tù, Bùi Ngọc Duy 1 năm 6 tháng tù, Phạm Anh Kiệt 2 năm tù treo, Phạm Văn Thông 2 năm tù treo. 

Trong suốt quá trình xét xử, bị cáo Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch VN Pharma, cho rằng bị cáo không nhập thuốc giả mà chỉ nhập thuốc không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, đại diện Viện Kiểm sát cho biết các cơ quan tố tụng đã kết luận đây không phải thuốc giả mà là thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Vì vậy, các bị cáo bị truy tố về tội Buôn lậu chứ không bị truy tố về hành vi Sản xuất - buôn bán thuốc chữa bệnh giả.

Tại toà, luật sư đã đề nghị giám định lại chất lượng lô thuốc H-Capita. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng đây là vụ án buôn lậu chứ không phải buôn bán hàng giả, vì vậy việc giám định chất lượng thuốc là không cần thiết.

Tuy nhiên, theo kết luận của Bộ Y tế, 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg đều không rõ nguồn gốc, mã vạch trên bao bì không thể hiện được thuốc sản xuất ở đâu, thuốc không được dùng để chữa bệnh cho người. Vì thế, một trong những câu hỏi gây nhiều tranh cãi trong vụ án VN Pharma là: Nếu H-Capita không phải là thuốc giả nhưng không được dùng để chữa bệnh cho người thì đó là loại thuốc gì?

Theo VKS cấp cao, kết luận giám định nói thuốc không dùng được cho người nhưng các đối tượng này lại nhập về để chữa bệnh cho người, lẽ ra phải kết luận là thuốc giả chứ không phải là thuốc kém chất lượng.