Gojek Việt Nam vừa công bố một quỹ 4,15 tỷ đồng để hỗ trợ hàng chục nghìn đối tác tài xế. Đây là đối tượng bị ảnh hưởng việc làm vì những lần giãn cách trong đợt dịch lần này. Đặc biệt nhất là quỹ này sẽ hỗ trợ tiền mặt cho tài xế chứ không phải bằng hiện vậy hay ưu đãi như thường thấy.
Gojek sẽ tiến hành khảo sát để lấy thông tin thu nhập của các tài xế, kèm theo các thông tin về hoàn cảnh cá nhân, tuổi tác, tình trạng hôn nhân. Từ đó đơn vị này sẽ phân bổ số tiền mặt ở trên dựa theo tình hình cụ thể.
Gojek cho biết đây là khoản hỗ trợ để san sẻ khó khăn với cánh đối tác tài xế trong giai đoạn này. Ngoài tiền mặt, Gojek còn hợp tác với chính quyền để đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine cho các tài xế.

 

Quỹ hỗ trợ tài xế kiểu này không phải là một hình thức hỗ trợ mới lạ trong giới gọi xe công nghệ. Có khá nhiều nền tảng trên thế giới cũng đã thực hiện tương tự, chủ yếu để giải quyết tình trạng thiếu hụt tài xế.
Chẳng hạn vào tháng 4 năm nay, Uber đã chi ra khoảng 250 triệu USD để kích cung tài xế, khuyến khích họ quay trở lại công việc. Vì trong năm 2020, do các đợt giãn cách ở Hoa Kỳ, tài xế Uber nghỉ việc rất nhiều vì số tiền kiếm được không đáng so với thời gian bỏ ra. Với số tiền kích cung này, đại diện Uber cho biết đã có nhiều tài xế đồng ý quay lại.
Tương tự vậy, nền tảng gọi xe công nghệ Lyft (đối thủ của Uber) cũng tặng 800 USD cho các tài xế chịu quay lại chạy xe, đồng thời thưởng thêm tiền nếu cuốc xe dài hơn 9 phút. Trong năm 2020, vì tình hình dịch bệnh, số người đi xe giảm, Lyft đã phải cắt giảm tiền thưởng, đồng thời chặn không cho tài xế mới đăng ký khiến nhiều người không mặn mà đi làm lái xe công nghệ. Đến năm 2021, khi dân số được tiêm chủng vaccine và cuộc sống dần trở lại bình thường, Lyft phải chấp nhận bỏ tiền để tăng cường số tài xế của mình.
Quay ngược lại câu chuyện ở Việt Nam. Hiện tại thành phố Hồ Chí Minh đang rất thiếu shipper, dù chính quyền đã bật đèn xanh cho shipper quay lại hoạt động. Lý giải về tình trạng này, các tài xế cho biết vì lo lắng việc triển khai chưa đồng bộ, dễ gặp rắc rối nên họ quyết định ở nhà thêm vài ngày, xem thử tình hình rồi tính tiếp.
Ngoài ra, để tiếp tục việc giao hàng, các shipper phải định kỳ test virus. Việc xếp hàng chờ test, cộng thêm nguy cơ lây nhiễm cũng khiến nhiều shipper chùn bước. Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng nếu chỉ giao hàng cùng quận thì thu nhập sẽ giảm rất nhiều.

 

Về phía các nền tảng giao hàng, các đơn vị này cho biết vì shipper và nền tảng là mối quan hệ đối tác chứ không phải nhân viên, do đó các nền tảng không thể ép buộc shipper ra đường làm việc. Họ chỉ có thể tạo ra môi trường và khuyến khích shipper hoạt động.
Vậy nên gói hỗ trợ 4,15 tỷ đồng của Gojek là một biện pháp đúng đắn và kịp thời, không chỉ hỗ trợ shipper mùa dịch, mà còn khuyến khích họ làm việc, giải quyết tình trạng khan hiếm shipper hiện nay.
Sau Gojek, dự báo các nền tảng khác cũng sẽ có những quỹ hoặc hỗ trợ tương tự cho các shipper. Bởi đây dường như là biện pháp thực tế nhất để khuyến khích cánh tài xế ra đường làm việc những ngày dịch này.
QUÂN BẢO