Không phải là câu chuyện mới, thế nhưng, tình trạng vi phạm liên quan đến quản lý, khai thác khoáng sản vẫn ngày một gia tăng và diễn biến phức tạp, đáng nói, chỉ trong năm 2021, hàng loạt những vụ việc đình đám bị lực lượng chức năng tại các tỉnh, thành triệt phá đã và đang cho thấy “lỗ hổng” về quản lý vẫn chưa được khỏa lấp.

Mặc dù là một trong những khoáng sản thiếu yếu, trực tiếp đe dọa đến an ninh năng lượng quốc gia, thế nhưng, việc quản lý hoạt động khai thác, buôn bán than trái phép vẫn luôn thường trực, các vụ việc vi phạm với quy mô ngày một lớn, cùng các thủ đoạn tinh vi gây thất thoát tài nguyên, thiệt hại về kinh tế cho ngân sách Nhà nước.

Tháng 02/2021, dư luận được một phen “dậy sóng” khi các lực lượng nghiệp vụ của Công an tỉnh Quảng Ninh đồng loạt bắt giữ vụ tổ chức khai thác than trái phép với khối lượng lên tới 100 nghìn tấn, trị giá khoảng 200 tỷ đồng, tại khu vực vỉa Dày, Tây Khe Sim, thuộc khai trường quản lý khai thác than của Công ty than Hạ Long (TKV), phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh.

Trong vụ việc này, cơ quan chức năng đã tạm giữ 50 người và 54 phương tiện gồm: 8 máy xúc gầu bánh xích; 2 máy xúc lật bánh xích; 2 máy khoan bánh xích; 2 máy gạt bánh xích; 36 ô-tô tải; 2 xe bồn; 2 xe ô-tô bán tải;… bên cạnh đó, là 2,7 tỷ đồng tiền mặt và nhiều hồ sơ, tài liệu có liên quan.

Đáng nói, liên quan đến vụ việc, một số doanh nghiệp tư nhân và cá nhân bên ngoài đã thông đồng với cán bộ thuộc Công ty than Hạ Long, Công ty than Khe Sim… lợi dụng danh nghĩa thực hiện hợp đồng bốc xúc đất đá để khai thác trái phép với quy mô lớn, chiếm đoạt than một cách công khai nhằm thu lợi bất chính.

Hay mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với 12 bị can vì có hành vi "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại Công ty Cổ phần Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan.

Theo báo cáo của chủ mỏ là Công ty Cổ phần Yên Phước và đơn vị khai thác là Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, công suất tại mỏ chỉ có 8.500 tấn than/năm theo như giấy phép, tuy nhiên, số lượng thực khai thác đã vượt mức cho phép lên tới gần 120 lần, gây thất thoát hơn 100 tỷ đồng.

Theo đó, ngày 13/7, dưới sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát cơ động bắt quả tang hàng chục đối tượng và phương tiện đang có hoạt động khai thác khoáng sản (đá trắng) trái phép quy mô lớn tại khu vực núi Phá Chủng, xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã tạm giữ 5 máy xúc đào, 1 ô tô tải, 4 máy cắt đá (máy cắt 2 dây), 2 máy làm hơi, 2 máy khoan đứng phục vụ cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Số lượng khoáng sản bị khai thác trái phép bị thu giữ khoảng 800m3 đá trắng các loại, trị giá hơn 10 tỷ đồng.

Ngày 23/7, căn cứ vào kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Nghệ An đã thi hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Trần Văn Bảy về tội “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” theo khoản 2, điều 227 Bộ luật Hình sự.

Được biết, vị trí khai thác đá trái phép của Trần Văn Bảy trước đây là của Doanh nghiệp Thành Thủy (được cơ quan chức năng cấp phép khai thác từ năm 2009 - 2014), năm 2017, cơ quan chức năng đã có Quyết định “đóng cửa mỏ” vị trí khai thác đá này, cho đến thời điểm bị triệt phá, cơ quan chức năng có thẩm quyền chưa cấp phép mới cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào khai thác tại vị trí này. Thế nhưng, hoạt động khai thác đá trắng của các đối tượng vẫn diễn ra một cách công nhiên, rầm rộ, khiến dư luận không khỏi quan ngại về năng lực quản lý của các cấp chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tại địa bàn.

Từ vụ việc khai thác đá tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, có thể thấy, công tác quản lý đang trở thành một trong những “lỗ hổng” lớn dẫn đến tình trạng “chảy máu” tài nguyên quốc gia, khi các đối tượng vi phạm ngang nhiên hoạt động trong một thời gian dài nhưng chính quyền không hay biết và cũng không cho thấy những biện pháp ngăn chặn quyết liệt.

Không chỉ với vụ việc đã nêu, “lỗ hổng” trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản còn thể hiện rõ qua vụ việc "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” xảy ra tại Công ty Cổ phần Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan.

Khi gần 2,5 triệu tấn than gồm: than nguyên khai, than cám nghiền từ bã sàng và than xít… đã được khai thác trong vòng khoảng 2 năm rưỡi ở mỏ than Minh Tiến, tỉnh Thái Nguyên. Thế nhưng, theo báo cáo của chủ mỏ là Công ty Cổ phần Yên Phước và đơn vị khai thác là Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương, chỉ có 8.500 tấn than/năm theo như giấy phép, nghĩa là số lượng than khai thác vượt mức cho phép lên tới gần 120 lần.

Đáng nói, hoạt động khai thác tại điểm mỏ này đã từng bị phát hiện xử lý về hành vi khai thác vượt quá ranh giới, vượt quá chiều cao tầng cho phép, chưa kể là hàng loạt các cuộc thanh tra của các cơ quan quản lý và lực lượng chức năng, tuy nhiên, không hiểu lý vì sao doanh nghiệp này vẫn tiếp tục công khai vi phạm, trong khi việc khai thác lộ thiên không dễ để che giấu.

Năm 2020, chủ mỏ này bị tỉnh Thái Nguyên xử phạt hơn 500 triệu đồng, thế nhưng, kết quả điều tra ban đầu cho thấy, số tiền thu lợi bất chính từ các hành vi liên quan đến khai thác trái phép là trên 100 tỷ đồng.

Ở đây là “lỗ hổng” trong cơ chế quản lý hay do bất cập về hình thức xử lý?

Thông tin với báo chí sau vụ việc đường dây khai thác “than lậu” bị các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh triệt phá tháng 02/2021, PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: "Việc khai thác khoảng 100 nghìn tấn than, trị giá khoảng 200 tỷ đồng chỉ là giá trị nổi mà chúng ta nhìn thấy, thực tế thiệt hại nó để lại còn nhiều hơn thế. Không những ảnh hưởng tới môi trường, việc khai thác than trái phép còn ảnh hưởng đến tài nguyên đất, rừng…”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Xuân Khiển: Sự việc này đặt ra yêu cầu khắc phục sự hạn chế trong quản lý của ngành địa chất, trực tiếp là Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Liên quan đến tình trạng “than lậu”, nhiều chuyên gia cũng từng cho rằng, nếu người quản lý không muốn quản lý, hoặc buông lỏng quản lý thì “cuộc chiến chống than lậu” sẽ chẳng bao giờ kết thúc và để lại những hệ lụy vô cùng lớn...

TS. Nguyễn Thành Sơn - nguyên Trưởng ban Chiến lược của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trước đó từng đánh giá: “lỗ hổng” lớn nhất dẫn tới thực trạng thất thoát nguồn than là “lỗ hổng” về kiến thức, kể từ khi ngành than được thành lập như một tập đoàn kinh tế đến nay, những người có trách nhiệm quản lý, từ các cán bộ quản lý cấp cao (các vụ trưởng, thứ trưởng của các bộ quản lý ngành) đến các chủ tịch, tổng giám đốc của TKV đã không hiểu đúng (hoặc chưa hiểu được) đặc thù của ngành than nói riêng và của ngành khoáng sản nói chung.

Theo các chuyên gia, mặc dù đã đạt được những thành thành tựu bước đầu trong quá trình thực thi, tuy nhiên, Luật Khoáng sản 2010 đã bộc lộ nhiều tồn tại sau hơn 10 năm đi vào thực tiễn…

Cụ thể, quá trình thực thi Luật Khoáng sản 2010 chưa quy định cụ thể việc liên doanh, liên kết trong hoạt động khai thác khoáng sản; chưa có quy định đồng bộ với pháp luật về đầu tư để kiểm soát khi có sự thay đổi về vốn của chủ sở hữu doanh nghiệp đã được cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản sau khi được cấp phép khai thác trong việc theo dõi, giám sát sản lượng khai thác thực tế…

Không chỉ có vậy, cũng theo các chuyên gia, chế tài và các quy định pháp luật về xử phạt các hành vi vi phạm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn nhiều bất cập, chưa sát với thực tiễn, rất khó khăn cho việc xử lý hình sự các vụ việc vi phạm, mà chỉ dừng ở xử lý hành chính thì chưa đủ sức răn đe dẫn đến thực trạng, do lợi nhuận từ hoạt động khai thác trái phép cao, nên một bộ phận dân cư vẫn vi phạm pháp luật cho thuê đất, thuê rừng, thuê nhà để san gạt khai thác khoáng sản trái phép…

Vậy nên, muốn giải quyết được bài toán về “lỗ hổng” trong quản lý khai thác khoáng sản, cần sớm rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý.