Trong ấn phẩm thứ hai của Impacts - một chương trình nghiên cứu mang tính tiên phong và có tầm ảnh hưởng lớn của Savills - nhà cung cấp bất động sản lớn nhất toàn cầu. Tác giả Simon Smith đã đưa ra 11 luận điểm để chứng minh “thế kỷ 21 là thời đại của châu Á - Thái Bình Dương”.

LUẬN ĐIỂM THỨ 12

Thời điểm Simon thực hiện ấn phẩm của mình - cách đây hơn 1 năm, lúc đó loài người chưa hề nghĩ rằng - tất cả sắp sửa đối phó với một đại thảm họa, đó là dịch bệnh COVID-19 thoạt đầu xuất phát từ Vũ Hán - Trung Quốc.

Hơn 3 tháng vật lộn với dịch bệnh nguy hiểm này, đã làm lộ ra rất nhiều điều và có thể tổng kết thực tiễn ấy để rút ra thêm một luận điểm bổ sung vào nghiên cứu của Savills, luận điểm thứ 12: Khả năng ứng phó với thảm họa của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tây bán cầu gồm những quốc gia đã dẫn dắt thế giới trong nhiều thế kỷ nay có tới 3 tháng để quan sát diễn biến của dịch bệnh tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Những quốc gia ở trung tâm châu Âu như Đức, Anh, Tây Ban Nha...đã nghĩ đến phương pháp “miễn dịch cộng đồng”, cho lây nhiễm để tạo kháng thể tự nhiên.

Tuy nhiên, tất cả đã sai lầm, virus corona không “ngây thơ” như họ nghĩ, - nó nhanh chóng biến thể. Với một đột biến, các phần của bộ gen có thể thay đổi, chính ở đoạn mã mà xét nghiệm ban đầu nhằm vào , đa dạng hóa phương thức lây lan.

Vậy nên, phương pháp “miễn dịch cộng đồng” hoàn toàn phá sản. Nhà virus học Pekova phát hiện ra: “nếu tôi bị nhiễm virus có áo khoác màu xanh và phục hồi vì tôi phát triển khả năng miễn dịch với nó, sau đó virus này đến với tôi trong một chiếc áo khoác màu đỏ, thì cơ thể tôi sẽ coi đó là loại virus khác và lại phải phát triển miễn dịch với nó”.

Kể cả Tổng thống Mỹ cũng so sánh dịch COVID-19 với cúm mùa rồi rút ra kết luận nó không có gì đáng sợ! Buồn thay, chính tại Mỹ bây giờ là điểm dịch lớn nhất toàn cầu, con số tử vong vẫn chưa biết khi nào mới dừng lại.

Tại sao châu Âu và Mỹ trở nên tan tành bởi COVID-19? Liệu nền khoa học thực nghiệm ở những nơi này chỉ còn là “cái bóng của hào quang quá khứ”? Các dự báo, đánh giá, phân tích, định lượng bằng con số - như một đặc sắc trong chủ nghĩa duy lý của người phương Tây đã không còn phát huy tác dụng?

Đó là những câu hỏi không dễ trả lời trong một sớm một chiều, nhưng khi đối sánh với châu Á trong khả năng ứng phó với thảm họa thì phương Tây lép vế hoàn toàn.

Hàn Quốc, Nhật Bản nhanh chóng giải quyết ổ dịch, Đài Loan tuy bé nhỏ nhưng vô cùng linh hoạt - chuyển đổi thành “nền kinh tế khẩu trang”. Việt Nam sát nách Trung Quốc nhưng đến nay chưa vượt quá 300 ca nhiễm và không một ai tử vong. Trung Quốc - Vũ Hán bắt đầu yên bình trở lại.

Nhờ một châu lục trẻ trung, kết cấu dân cư đa dạng, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng, sự linh hoạt của các chính phủ...châu Á đã giải quyết được rất nhiều khó khăn mà châu Âu hiện nay đang đối mặt!

CHỦ NGHĨA DÂN TÚY XÉ LẺ PHƯƠNG TÂY

Bản thân D. Trump nắm giữ rất nhiều kỷ lục, trong đó có kỷ lục là Tổng thống Mỹ đầu tiên không có “lý lịch chính trị”. Những cử tri ủng hộ Trump đã hoan nghênh ông với tư cách là một “hiệp sĩ da trắng” giỏi kinh doanh, có thể giúp bảo vệ nền sản xuất trong nước trước làn sóng ngoại thương, có thể đặt lợi ích quốc gia lên trên những thỏa thuận các vấn đề quốc tế như hạt nhân Iran, Nga, Triều Tiên; mối quan hệ với Bắc Kinh, hay biến đổi khí hậu - vốn xa vời với lợi ích sát sườn.

Rất trùng hợp, cử tri Mỹ sợ điều gì, ông Trump đã trấn an họ đúng điều đó! Cho dù ông trấn an họ bằng những biện pháp mà một số nhà phân tích cho rằng có thể chính ông cũng chưa biết sẽ thực hiện ra sao. Nhưng điều quan trọng là ông đã có được lá phiếu của họ. Đây là biểu hiện sống động nhất của chủ nghĩa dân túy.

Đến lượt nước Anh - chủ nghĩa dân túy đã mang quốc gia này ra khỏi EU, chủ nghĩa này còn manh nha ở Pháp, Bỉ, Ý, Áo...khơi dậy làn sóng chống “tổ chức”, chống “liên minh” kịch liệt.

Điển hình như: Liên minh giữa đảng cực hữu LEGA và phong trào dân túy “5 sao” từ chối xem xét lại dự thảo ngân sách. Trước sức ép rất lớn, Chính phủ Ý cuối cùng cũng phải “xuống thang”. Ở Pháp, phong trào “áo vàng” buộc Tổng thống Emanuel Maron phải chấp thuận yêu sách của họ.

Chủ nghĩa dân túy đang xé lẻ nhiều quốc gia, tổ chức từng được xem là tân tiến trên thế giới. Tuy nhiên chủ nghĩa này không tự nhiên xuất phát, nó là sản phẩm của một loạt các nền “dân chủ cá nhân”.

Thực chất chủ nghĩa dân túy chính là những thủ đoạn chính trị mang tính chất mị dân, đánh vào tâm lý, quan điểm của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ quần chúng. Nó là thứ vũ khí lợi hại mà các đảng chính trị thường sử dụng để đánh gục đối thủ.

Dân túy là khuynh hướng tư tưởng và chính trị nhấn mạnh sự tương phản giữa “nhân dân” với tầng lớp “tinh hoa”, với những biểu hiện dường như “phi chính trị”, bằng sự từ chối giới tinh hoa, từ chối những tư tưởng chính đang ngự trị trong xã hội để nói lên tiếng nói của người dân có vị trí xã hội thấp kém.

CHÂU Á ĐI LÊN BẰNG CHIỀU SÂU TƯ TƯỞNG

Sự thịnh vượng của mỗi quốc gia, khu vực đều dựa trên nền tảng một lý luận/ lý thuyết dẫn đường. Người Mỹ đã rất thành công với “chủ thực dụng kiểu Mỹ” được khai sinh bởi C.S. Peirce ở thế kỷ 19. Ở Tây Âu là “chủ nghĩa hiện sinh” của J.P Sartre...khối XHCN là chủ nghĩa Marx-Lenin, người Israel tin vào kinh thánh Hebrew, người Hy Lạp sùng bái các vị thần của họ, trước đây Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan từng dựa rất chắc vào Nho giáo...

Phương Đông đặc trưng bởi lối tư duy biện chứng, xem xét thế giới là một chỉnh thể có quan hệ hữu cơ, tác động qua lại, bổ sung, tạo tiền đề cho nhau đồng thời cũng thừa nhận sự đối lập, mâu thuẫn nhau. Người phương đông có xu hướng truy nguyên bản chất, còn phương Tây dùng hiện tượng để giải quyết vấn đề. Đông y và Tây y là ví dụ.

Ba trong năm tôn giáo lớn nhất thế giới hình thành ở phương Đông (châu Á), đó là Phật giáo, Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Đáng chú ý, tất cả các quốc gia ở châu Á có 3 tôn giáo này thịnh hành đều có nền kinh tế, xã hội phát triển rực rỡ. Trong đó phải kể đến như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản (Phật giáo), Ấn Độ (Ấn Độ giáo), khối  Ả rập (Hồi giáo).

Bengaluru được dự báo có thể vượt qua Thung Lũng Silicon, với dự đoán cho thấy nó có thể trở thành trung tâm CNTT lớn nhất trên trái đất vào năm 2020, với hai triệu chuyên gia trong lãnh vực này, sáu triệu việc làm gián tiếp về CNTT và 80 tỷ đô la xuất khẩu về CNTT.

Người Ấn gây ấn tượng với khái niệm “cái hư vô”, tiền đề để tạo ra con số “0” huyền thoại, phát minh này quan trọng đến mức, nếu loại bỏ nó, coi như thế giới sụp đổ, lĩnh vực công nghệ cao không tồn tại.

Các tôn giáo, hệ tư tưởng và triết phái ở Ấn Độ, kể cả chính thống và phi chính thống đều mang những đặc điểm chung khá rõ nét. Những nét chung đó tập trung vào một điểm là mục đích và biện pháp giải thoát ra khỏi cuộc sống hạn chế và đau khổ.

Hàng trăm năm con người khai thác tự nhiên, lôi kéo nhau vào cuộc chạy đua kinh tế đã dẫn đến hậu quả khủng khiếp như hôm nay. Ngay lúc này, con người cần một niềm tin đủ mạnh để làm động lực sống chậm lại, suy nghĩ nhiều hơn, tôn trọng mẹ thiên nhiên - nơi sinh ra chúng ta.

Cả Nho giáo, Lão giáo lẫn Phật giáo đề khuyên ngăn con người sống hài hòa, cân bằng “âm - dương”, ‘trong - ngoài”, “trên - dưới”, “cái tôi - cái ta”... Không ngẫu nhiên mà tôn giáo cùng tồn tại song hành với loài người, giá trị của nó sẽ tiếp tục được chứng minh.

Thời gian cách ly ở nhà chừng ấy đủ để hàng tỷ người trên thế giới ngẫm nghĩ lại mục đích sống, động lực làm việc, hoặc làm cách nào để tồn tại trong một thế giới đầy hỗn mang như thế này. Với các chính phủ, điều đáng quan tâm nhất là tìm kiếm mô hình phát triển thời kỳ hậu COVID-19, đâu là nền tảng vững chắc của một quốc gia, dân tộc...

Châu Á - Thái Bình Dương hội đủ các yếu tố để trở thành trung tâm thế giới trong thế kỷ này, điều này từng được cho là “tiên đoán xa”. Nhưng với phép thử COVID-19 thực tế này sẽ đến trong vòng vài thập kỷ nữa thôi.

Dĩ nhiên, châu lục này không thể dẫn dắt thế giới bằng thực lực hiện tại, cơ chế hiện tại. Nhưng liệu đó có phải là bằng thế mạnh riêng rẽ như châu Âu đã từng? Vậy, các quốc gia cần chuẩn bị ra sao?