Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin trước đó, ngày 20/1, tại phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và cho ý kiến về chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo lưu ý: "Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các vụ, việc liên quan đến lĩnh vực y tế đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; các vụ án, vụ việc tại Khánh Hoà, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, An Giang, Cảnh sát Biển, Bộ đội biên phòng... Khẩn trương đưa ra xét xử sơ thẩm 10 vụ án trọng điểm".

Ông Diệp Dũng, 53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, bị cho là "mua thông tin" về quá trình cơ quan điều tra xác minh sai phạm tại đơn vị mình.

Ngày 27/9, hành vi của ông Diệp Dũng, 53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM nêu trong kết luận điều tra bổ sung lần 2, chuyển sang VKS đề nghị truy tố tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước theo Điều 337 Bộ luật Hình sự.

Bị cáo buộc cùng tội danh là cựu cán bộ công an Nguyễn Hoài Bắc (37 tuổi) và bạn gái Lê Thị Phương Hồng (42 tuổi, kinh doanh tự do).

Theo kết luận điều tra, cuối tháng 9/2020, Cơ quan An ninh điều tra làm việc với ông Dũng về nội dung sai phạm tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op). Ông Dũng cho biết có người đã cung cấp thông tin liên quan đến quá trình xác minh nguồn tin về tội phạm cho mình.

Từ lời khai của ông Dũng, cơ quan điều tra làm việc với cán bộ tham gia xác minh vụ việc, phát hiện ông Bắc (thành viên tổ xác minh) đã làm lộ thông tin. Còn người tiết lộ các tài liệu điều tra cho ông Dũng là Hồng - sống như vợ chồng với Bắc.

Hồi tháng 7/2020, trong các câu chuyện, tin nhắn hàng ngày, Bắc kể cho Hồng nghe một số thông tin liên quan tới vụ án Saigon Co.op.

Hồng là tiểu thương buôn bán, quen biết ông Dũng. Muốn lấy lòng Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op để được giới thiệu mối cung cấp hàng hóa rẻ, bà này chủ động liên hệ với Dũng đề nghị sẽ cung cấp thông tin quan trọng đã khai thác được từ Bắc về quá trình điều tra sai phạm tại đây.

Tháng 9/2020, đôi bên gặp mặt, trao đổi nội dung, tài liệu liên quan sai phạm của ông Dũng dẫn đến việc Saigon Co.op bị truy thu thuế. Ông Dũng sau đó nhờ tài xế của mình gặp bà Hồng, đưa phong bì 100 triệu đồng.

Cơ quan điều tra xác định, bà Hồng đã cung cấp cho ông Dũng một số thông tin chứa tài liệu mật là kết quả xác minh vụ Saigon Co.op.

Ngoài hành vi này, ông Dũng đang bị điều tra về tội Lạm quyền trong thi hành công vụ.

Saigon Co.op thành lập năm 1989 theo quyết định của UBND TP HCM với tên gọi Liên hiệp Hợp tác xã Mua bán thành phố. Từ đó đến nay, Saigon Co.op 34 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, 14 lần điều chỉnh, bổ sung điều lệ và 8 lần bổ sung tăng vốn điều lệ. Đến nay Saigon Co.op có hơn 100 siêu thị (Co.opmart) trong cả nước.

Thanh tra TP HCM hồi tháng 7 năm ngoái cho rằng có dấu hiệu thực hiện hành vi huy động góp vốn trái pháp luật và thâu tóm ở lần bổ sung vốn điều lệ lên gần 6.800 tỷ đồng và đề nghị UBND thành phố chuyển hồ sơ sang công an để điều tra. Cụ thể, các hợp tác xã thành viên của Saigon Co.op đạt lợi nhuận 5-6 tỷ đồng nhưng không góp vốn, trong khi nhiều hợp tác xã chỉ đạt lợi nhuận sau thuế từ 24 đến 500 triệu đồng một năm lại góp hàng trăm tỷ đồng. Thậm chí có đơn vị kinh doanh thua lỗ vẫn góp 247 tỷ đồng.

Theo cơ quan thanh tra, nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối   bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động.

Đây là dự án trên núi Chín Khúc khiến 2 cựu Chủ tịch tỉnh bị bắt.

Chiều 8/6, khi cơ quan điều tra tống đạt quyết định bắt tạm giam và khám xét nơi ở, ông Nguyễn Chiến Thắng (66 tuổi, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2011-2016) và Lê Đức Vinh (56 tuổi, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021) đều tỏ ra bình tĩnh, rất hợp tác, trả lời toàn bộ các câu hỏi cũng như chỉ ra những nơi lưu giữ tài liệu, hồ sơ liên quan vụ án.

Hai cựu Chủ tịch và ông Lê Mộng Điệp (66 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường nhiệm kỳ 2011-2016) đều bị Công an Khánh Hòa điều tra về hành vi Vi phạm quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 BLHS.

Trong đó, ông Thắng và Vinh bị cáo buộc đã ký nhiều văn bản sai quy định trong việc giao và cho thuê đất, phê duyệt giá đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung thuộc khu vực núi Chín Khúc. Còn cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Lê Mộng Điệp chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh về loại đất, quy hoạch sử dụng đất, thẩm định giá đất.

Ngoài ra, ông Thắng còn bị cho có sai phạm trong việc giao hơn 7.300 m2 đất "vàng" (hai mặt tiền Trần Hưng Đạo và Lý Tự Trọng ở trung tâm TP Nha Trang) cho Công ty CP Thanh Yến mà không đấu thầu trong quá trình thực hiện dự án BT (xây dựng - chuyển giao) xây Trường Chính trị tại xã Phước Đồng.

Liên quan đến dự án này và nhiều dự án sai phạm khác, hồi tháng 5, ông Đào Công Thiên (59 tuổi, cựu Phó chủ tịch tỉnh Khánh Hoà) và ông Võ Tấn Thái (60 tuổi, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, nhiệm kì 2016-2021) đã bị bắt tạm giam.

Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự tiền thân là dự án Khu biệt thự và sinh thái Đất Lành do Công ty TNHH Sản Xuất và Xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Năm 2009, tỉnh Khánh Hòa có chủ trương giao hơn 513 ha đất lâm nghiệp thuộc khu vực núi Chín Khúc cho doanh nghiệp này làm khu kinh tế trang trại, mục tiêu trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng. Đồng thời, tỉnh điều chỉnh hơn 3,5 ha đất thương mại dịch vụ lên thành 5,3 ha đất làm công trình tâm linh, tượng phật trên núi.

Tháng 10/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng cho phép chủ trương điều chỉnh mục tiêu đầu tư khu kinh tế trang trại và cấp giấy chứng nhận đầu tư xây khu nhà ở để bán hoặc kết hợp cho thuê, cho thuê mua; trồng rồng, bảo vệ rừng và dịch vụ sinh thái tâm linh; 7.500 m2 đất ở lâu dài trên đỉnh núi Chín Khúc. Trong đó, 7.500 m2 này chưa được chuyển mục đích đất rừng sang đất ở, song trong quyết định giao đất UBND tỉnh Khánh Hòa ghi là "đất ở nông thôn" giao có thu tiền sử dụng đất, người mua được sử dụng ổn định lâu dài.

Đến tháng 9/2019, ông Đào Công Thiên (Phó chủ tịch tỉnh) mới ký quyết định điều chỉnh cho doanh nghiệp thuê 7.500 m2 đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm với dạng "loại đất trồng rừng sản xuất".

Cơ quan chức năng xác định, nhà đầu tư dù chưa đủ điều kiện, chưa được phê duyệt quy hoạch 1/500, báo cáo tác động môi trường, nhưng đã cho đào bới, san ủi 44 ha trên núi Chín Khúc để làm dự án.

Đến năm 2019, chủ đầu tư đã trả lại hơn 370 ha đất tại dự án này, do không có nhu cầu sử dụng. Hiện, doanh nghiệp đã trồng lại cây rừng, phủ xanh lại các đồi trọc đã san ủi.

Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung cũng do công ty Công ty TNHH Sản Xuất và Xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư, xuất phát từ dự án trồng rừng cảnh quan môi trường và du lịch sinh thái Vĩnh Trung, được UBND tỉnh cấp giấy phép năm 2008.

Ba năm sau, ông Lê Đức Vinh khi giữ chức Phó chủ tịch tỉnh đã ký quyết định cho doanh nghiệp đổi tên dự án thành Khu biệt thự và du lịch sinh Thái Vĩnh Trung, được thực hiện dự án tại tiểu khu rừng 573 núi Chín Khúc với diện tích 29 ha.

Đến tháng 7/2018, ông Vinh giữ chức Chủ tịch tỉnh, tiếp tục ký quyết định chủ trương đầu tư dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung có chức năng nhà ở, dịch vụ thương mại rộng hơn 19,6 ha. Trong đó, 6,5 ha đất ở, gần 3,9 ha đất dịch vụ thương mại.

Qua các lần kiểm tra, Bộ Xây dựng xác định dự án này chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nhưng doanh nghiệp đã san nền, thực hiện các hạng mục hạ tầng... sai quy định.

Liên quan đến vụ này này, sáng 20/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên xét xử sơ thẩm 8 bị cáo trong vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số đơn vị liên quan.

Trong số các bị cáo đưa ra xét xử có Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Trịnh Thị Thuận, nguyên Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai; Lý Thị Ngọc Thủy, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Bạch Mai; Phạm Đức Tuấn (nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS); Phan Minh Dung (nguyên Tổng Giám đốc Công ty VFS) và Trần Lê Hoàng (nguyên nhân viên VFS)…

Tại phiên xét xử, tòa án đã triệu tập nhiều bị hại trong vụ án và những người liên quan gồm đại diện Bệnh viện Bạch Mai, Công ty BMS (đã đổi tên thành Công ty Năng lượng cuộc sống); Công ty VFS…

Tòa đã tuyên án phạt 4 bị cáo là cán bộ lãnh đạo của Bệnh viện Bạch Mai gồm: Nguyễn Quốc Anh (nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) 5 năm tù, Nguyễn Ngọc Hiền (nguyên Phó Giám đốc) 3 năm 6 tháng tù, Trịnh Thị Thuận (Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán) 3 năm tù treo, Lý Thị Ngọc Thủy (Phó Trưởng phòng Tài chính kế toán) 2 năm tù treo.

Bốn bị cáo còn lại gồm: Phạm Đức Tuấn (cổ đông sáng lập, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Công nghệ y tế BMS - Công ty BMS) bị Tòa tuyên phạt 3 năm tù treo, Ngô Thị Thu Huyền (nguyên Phó Giám đốc Công ty BMS) 2 năm 6 tháng tù treo, Trần Lê Hoàng (nguyên thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội - VFS) 2 năm tù và Phan Minh Dung (nguyên Tổng Giám đốc Công ty VFS) 20 tháng tù.

Cáo trạng vụ án nêu rõ, do nắm được Bệnh viện Bạch Mai có chủ trương phát triển ngoại khoa nên khoảng tháng 5/2016, Phạm Đức Tuấn đến gặp ông Quốc Anh để bàn việc hợp tác cung cấp các hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật cho bệnh viện. Phạm Đức Tuấn giới thiệu về Công ty BMS là đơn vị phân phối hệ thống Robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật thần kinh sọ não và Robot Mako hỗ trợ phẫu thuật khớp gối và đề nghị được cung cấp, bán hai hệ thống này với giá 39 tỷ đồng và 44 tỷ đồng cho Bệnh viện Bạch Mai. Tuy nhiên ông Quốc Anh không đồng ý mua mà đề nghị Phạm Đức Tuấn làm đề án liên danh, liên kết để đặt máy tại Bệnh viện Bạch Mai.

Tuy nhiên, sau khi đồng ý cho Công ty BMS là đối tác tham gia đề án, ông Quốc Anh đã không thông qua Đảng ủy, Ban Giám đốc và Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai để thống nhất chủ trương làm đề án liên danh, liên kết, lựa chọn đối tác, chủng loại thiết bị.

Quá trình thực hiện đề án không có văn bản đề xuất lắp đặt máy của Khoa Phẫu thuật thần kinh đối với Robot Rosa, của Khoa Chấn thương chỉnh hình và cột sống đối với Robot Mako.

Sau đó, Nguyễn Quốc Anh chỉ đạo Phó Giám đốc Nguyễn Ngọc Hiền cùng Phòng Tài chính-Kế toán Bệnh viện Bạch Mai hoàn thiện các thủ tục để liên doanh với Công ty BMS.

Phạm Đức Tuấn đã liên hệ với Trần Lê Hoàng (Thẩm định viên Công ty VFS) để thỏa thuận việc cấp chứng thư thẩm định giá Robot Rosa 39 tỷ đồng, Robot Mako 44 tỷ đồng cho Bệnh viện Bạch Mai, nhằm hợp thức hóa giá thiết bị đưa vào liên danh, liên kết với bệnh viện.

Tuy nhiên, cơ quan tố tụng xác định, Công ty BMS nhập khẩu Robot Rosa từ Pháp về sân bay Nội Bài, hàng mới 100% và nguyên giá chỉ hơn 7,4 tỷ đồng.

Việc Bệnh viện Bạch Mai sử dụng robot bị “thổi giá” này thực hiện phẫu thuật sọ não cho 637 ca bệnh, làm tăng chi phí và gây thiệt hại cho người bệnh hơn 10 tỷ đồng.

Trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cáo buộc GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, 54 tuổi, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khi làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đã cùng một số cán bộ và các đơn vị liên quan có vi phạm trong đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế. Điều này làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh, ảnh hưởng công tác khám chữa bệnh.

Liên quan vụ án này, từ ngày 13/5 đến nay, C03 đã khởi tố, tạm giam 9 người, trong đó có bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng, cựu phó giám đốc Bệnh viện Tim; Nguyễn Thị Dung Hạnh, cựu kế toán trưởng, ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên Tổ thẩm định đấu thầu; Đoàn Trọng Bình, cựu phó phòng phụ trách Phòng Vật tư, ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên tổ thẩm định; Nghiêm Tuấn Linh, cựu phó trưởng phòng Vật tư, thành viên tổ chuyên gia đấu thầu...

Ông Tuấn bị khởi tố hôm 21/10 về tội Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 222 Bộ luật Hình sự, sau 3 tháng dẫn đầu đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai vào chi viện cho TP HCM chống dịch COVID-19. Tại đây, ông làm Giám đốc Trung tâm hồi sức Bệnh viện dã chiến số 16 đặt tại quận 7.

Ông Tuấn có nhiều năm làm giảng viên bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội. Từ 3/2020 đến nay, ông làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hiệu trưởng Cao đẳng Y tế Bạch Mai; Chủ tịch Hội Tim mạch học Hà Nội; Ủy viên Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Bắc thuộc Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương.

Ông là Đại biểu Quốc Hội khóa XIV; từng nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng; Danh hiệu "Công dân thủ đô ưu tú" năm 2016; Thầy thuốc ưu tú năm 2017; Huân chương Lao động hạng Ba năm 2019... Ngày 16/5, ông xin rút khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV vì "lý do sức khoẻ". 

Cuối tháng 12/2021, Bộ Công an khởi tố vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đưa hối lộ; nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan.  

Về diễn biến vụ việc, vào tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19. Đến nay, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỉ đồng.

Lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID-19 của các địa phương trên cả nước, sản phẩm này thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.

Sau đó, Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.

Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn", trung tướng Tô Ân Xô thông tin.

Ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Bắc Giang, bị khởi tố với cáo buộc có sai phạm khi mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.

Trong diễn biến mới nhất của vụ việc, ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật - CDC Bắc Giang, bị khởi tố với cáo buộc có sai phạm khi mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.

Đến nay, bước đầu Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm COVID-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỉ đồng.

Bị can Phan Quốc Việt đã chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, giám đốc CDC Hải Dương, số tiền gần 30 tỉ đồng.

Tính đến nay, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố 22 bị can, trong đó có 3 quan chức cấp vụ thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ và 4 giám đốc CDC các tỉnh.

Hiện tại, vụ việc đang được tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ.