Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các mặt hàng vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch như: Găng tay, nước sát khuẩn, khẩu trang,... trở nên cấp thiết. Lợi dụng thực trạng đã nêu, không ít đối tượng sản xuất, kinh doanh khẩu trang, thiết bị, vật tư y tế giả, không đảm bảo chất lượng thừa cơ “trục lợi”, bất chấp hàng loạt các bài học nhãn tiền đã có.

Hành vi “trục lợi” từ những trang thiết bị, vật tư y tế không đảm bảo chất lượng của các đối tượng không chỉ đem đến nhiều hệ lụy cho cộng đồng, đe dọa tính mạng của người dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch như: bác sĩ, y tá, điều dưỡng, quân đội, công an, lực lượng làm nhiệm vụ phục vụ công tác cách ly tập trung,… mà bản thân các đối tượng thực hiện hành vi cũng sẽ phải đối diện với các khung hình phạt rất nặng của pháp luật.

Nhắc tới hiện trạng “trục lợi” từ những trang thiết bị, vật tư y tế không đảm bảo chất lượng không thể không nhắc tới vụ việc của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Đức Anh (Công ty Anh Đức) có trụ sở tại số 5 ngõ 178 phố Tây Sơn, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.

Ngay từ làn sóng dịch COVID-19 đầu tiên, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) – Công an TP. Hà Nội phối hợp Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh vật tư, thiết bị y tế đối với doanh nghiệp này.

Tại thời điểm kiểm tra, các lực lượng chức năng đã phát hiện, Công ty Đức Anh đang xuất bán 1.315 bộ trang phục phòng dịch mang các dấu hiệu nghi vấn là hàng giả bộ trang phục phòng dịch của Công ty cổ phần Dược và Thiết bị y tế Phúc Hà (Công ty Phúc Hà).

Quá trình khám xét, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ thêm 195 bộ trang phục phòng dịch mang dấu hiệu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu của Công ty Phúc Hà, 10,5 kg tem nhãn sản phẩm bộ trang phục phòng dịch giả mạo nhãn hiệu sản phẩm của Công ty Phúc Hà, 927 sản phẩm bộ áo liền quần (áo phẫu thuật), 185 kính nhựa, 600 đôi găng tay cao su...

Liên quan đến vụ việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố, tạm giam đối với 4 bị can gồm: Trương Thị Bình (SN 1982), Phó giám đốc Công ty Đức Anh; La Văn Thi (SN 1982), Giám đốc kinh doanh Công ty Đức Anh; Nguyễn Đức Việt Anh (SN 1987), nhân viên Công ty Đức Anh và Hoàng Văn Tới (SN 1989), nhân viên Khoa khám bệnh của một bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội về cùng tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.

Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra vào tháng 4/2021, HĐXX đã tuyên phạt Trương Thị Bình - 4 năm 6 tháng tù; La Văn Thi - 36 tháng tù; Nguyễn Đức Việt Anh - 30 tháng tù và Hoàng Văn Tới - 42 tháng tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Không chỉ riêng vụ việc đã nêu, quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường các cơ quan chức năng cũng tiến hành xử phạt hành chính, tước giấy phép hoạt động kinh doanh của nhiều tổ chức, doanh nghiệp.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 trong lần bùng phát thứ 4 vẫn còn diễn biến phức tạp dẫn đến kinh tế, xã hội, cung cầu hàng hóa chưa thật sự ổn định. Do đó, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng có liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 như trang thiết bị, vật tư y tế có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Thực tế, theo thống kê của Cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh cho thấy, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị này đã kiểm tra 1.684 vụ, tổng số tiền thu nộp ngân sách 30,2 tỷ đồng (tăng 9,11% so với cùng kỳ). Trị giá hàng hóa tiêu hủy trên 24 tỷ đồng (tăng 30,53% so với cùng kỳ); trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 81 tỷ đồng và hàng hóa chờ tiêu hủy khoảng 18,7 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cũng chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố 15 vụ án hình sự gồm 3 vụ hàng cấm, 6 vụ hàng giả, 6 vụ hàng lậu với tổng trị giá trên 5,4 tỷ đồng.

Đáng nói, chỉ tính riêng lĩnh vực hàng hóa phòng, chống dịch, từ đầu năm tới nay các Đội Quản lý thị trường đã kiểm tra 197 vụ; tạm giữ 11.763.118 khẩu trang các loại, 12.000 chiếc khẩu trang bán thành phẩm,… và 11.499 kg găng tay cao su, nhiều dụng cụ, bao bì sản xuất khẩu trang; 10.530 đơn vị sản phẩm nước rửa tay, xịt kháng khuẩn các loại. Trong đó, đã xử lý 188 vụ, phạt hành chính với tổng số tiền phạt trên 3,1 tỷ đồng.

Còn tại TP. Hà Nội, liên quan đến các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mặt hàng y tế, thiết bị phòng, chống dịch, từ đầu năm đến nay, Cục quản lý thị trường TP. Hà Nội đã kiểm tra 20 vụ việc và xử lý 19 vụ việc. Trong đó, đã tạm giữ và xử lý 27.850 khẩu trang, 814 dung dịch rửa tay, chế phấm sát khuẩn, diệt khuẩn (sản phẩm), 654 dụng cụ xét nghiệm COVID-19 (sản phẩm), 207.300 găng tay y tế, Cục cũng đã xử phạt hành chính 234.759.000 đồng.

Không chỉ khẩu trang, găng tay y tế, nước sát khuẩn, danh mục những trang thiết bị, vật tư y tế không đảm bảo chất lượng bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ còn đa dạng mặt hàng với các bộ kít Test nhanh COVID-19, mặt nạ thở oxy, máy tạo oxy, dụng cụ đo nồng độ oxy, chai đựng oxy, súng phun khử khuẩn dùng điện,… ngoài ra còn có cả thuốc tân dược “hỗ trợ điều trị COVID-19”.

Theo đó, ngày 11/8, tiến hành kiểm tra một kho hàng trên đường Tỉnh lộ 10 thuộc phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh, cơ quan chức năng phát hiện 9 thùng carton chứa khoảng 64.800 viên thuốc Liên Hoa Thanh Ôn có công dụng giảm sốt, ho, cảm cúm... (nhưng được cho là “hỗ trợ điều trị COVID-19”) không có số đăng ký lưu hành, do Trung Quốc sản xuất, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.

Cũng trong thời gian vừa qua, lực lượng chức năng TP. Hồ Chí Minh cũng liên tục phát hiện, thu giữ nhiều sản phẩm vi phạm như việc tiến hành kiểm tra đối với Công ty TNHH Quốc tế Phùng Anh có địa chỉ tại số 21 đường 4B, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, do ông Phùng Văn Long là Giám đốc. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện Công ty đang kinh doanh mặt hàng mặt nạ thở oxy, khẩu trang 3M 1860 và bộ kít xét nghiệm nhanh COVID-19, tuy nhiên, lại không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng chức năng đã tạm giữ 2.280 khẩu trang 3M 1860 xuất xứ Trung Quốc, 3.325 bộ kít xét nghiệm nhanh Covid 19 Humasis COVID-19 Ag Test xuất xứ Hàn Quốc và 3.000 cái mặt nạ thở oxy xuất xứ Trung Quốc với tổng trị giá là 548,6 triệu đồng để tiếp tục thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.

Hay như, ngày 9/8, các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH TM DV XNK N.H.B tại số 75-77 đường G7, khu dân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, do ông Nguyễn Hoài Bách là người đứng đầu chi nhánh.

Đoàn kiểm tra cũng phát hiện 300 chiếc khẩu trang 3M 9001V chưa xuất trình hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu; 20 máy tạo oxy và 3.400 cái khẩu trang bảo hộ lao động N95 là hàng hóa do Trung Quốc sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.

Tại Hà Nội, ngày 06/8/2021 lực lượng Quản lý thị trường thành phố phối hợp với Công an quận Bắc Từ Liêm kiểm tra đột xuất tại địa chỉ C34 khu đô thị Embassy Garden, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện và tạm giữ hơn 100 thùng khẩu trang y tế nhãn hiệu 3M 1860 với tổng số lượng 17.100 chiếc nghi vấn giả mạo nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam…

Thông tin với báo chí sáng 09/8, GS.TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, thời gian qua nhiều nhà tài trợ, nhóm hảo tâm đã kêu gọi, quyên góp ủng hộ trang thiết bị bảo hộ tặng các cán bộ y tế để giúp bảo vệ những người trực tiếp chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19.

Theo GS.TS Trần Bình Giang, khẩu trang N95 là "lá chắn" quyết định việc ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2, tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy rất nhiều khẩu trang nhận từ các nguồn tài trợ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.

"Hầu hết những trường hợp lây nhiễm cho cán bộ y tế trong khi chăm sóc điều trị người bệnh là do mang khẩu trang không đạt chuẩn. Đây là nguy cơ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của cán bộ y tế", GS.TS Trần Bình Giang nhận định.

Không chỉ khẩu trang đem đến nhiều đe dọa, đối với những bộ kít Test nhanh COVID-19 trôi nổi trên thị trường hiện nay, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều cảnh báo.

Theo PGS. TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), kít xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 rao bán tràn lan có thể là giả, khi thử có thể cho kết quả không đúng. Như vậy, khi xét nghiệm không những không phát hiện ra bệnh mà còn có nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người dân không nên mua các bộ kít Test nhanh COVID-19 về tự xét nghiệm.

Theo các chuyên gia, hành vi “trục lợi” từ những trang thiết bị, vật tư y tế không đảm bảo chất lượng có thể xem xét, xử lý theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế có quy định về các hành vi vi phạm hành chính về trang thiết bị y tế về sản xuất (Điều 73), mua bán (Điều 75), nhập khẩu (Điều 76) trang thiết bị y tế. Người vi phạm là cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng, trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.

Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động, tịch thu tang vật, tùy theo mức độ, tính chất vi phạm cá nhân, tổ chức có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như thu hồi, tiêu hủy trang thiết bị y tế.

Luật sư Phạm Văn Phát – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, nếu hành vi buôn bán trang thiết bị y tế giả nói riêng và hành vi buôn bán hàng giả nói chung đủ cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) về tội sản xuất buôn bán hàng giả, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Hình phạt chính đối với tội này có thể là phạt tiền hoặc phạt tù/đình chỉ hoạt động.

“Cụ thể: Mức phạt tiền là 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân phạm tội và 1 - 9 tỷ đồng đối với pháp nhân phạm tội. Mức phạt tù đối với cá nhân phạm tội từ 1 - 15 năm tùy mức độ nguy hiểm của hành vi; pháp nhân phạm tội thì có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc vĩnh viễn”, Luật sư Phát chia sẻ.