Vị trí địa- kinh tế của khúc ruột miền Trung nếu nhìn lại lịch sử mới hiểu vì sao nơi mảnh đất này hai đế quốc Pháp và Mỹ đều chọn đặt bước chân đầu tiên viễn chinh xâm chiếm, và bây giờ là Trung Quốc lăm le dòm ngó ngoài biển Đông.

Cũng chính nơi miền đất khó nghèo này, lịch sử giao sứ mệnh cho những con dân kiên cường đứng lên đánh lại kẻ thù bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc. Hết chống Pháp đến chống Mỹ, cũng tại mãnh đất kiên Trung này, người Quảng Nam lại đứng lên với trận đầu đánh và thắng Mỹ tại Núi Thành. Để rồi cùng cả nước sau hơn 1 thập kỷ giành độc lập thống nhất đất nước 30/4/1975.

Tại Hội nghị phát triển kinh tế biển Miền Trung vào giữa cuối năm ngoái (8/2019) tại Bình Định, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Vùng kinh tế động lực miền Trung Việt Nam, bao gồm các tỉnh và thành phố: Thừa Thiên-Huế, thành phố Đà Nẵng (hạt nhân), Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà. Đây là cửa ngõ ra biển, làm bệ đỡ cho các tỉnh của vùng Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây với tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và là nơi tồn tại hơn 80 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng.

Nhiều chuyên gia kinh tế và hoạch định chiến lược đều khẳng định tiềm năng phát triển kinh tế biển miền Trung, nhất là công nghiệp đóng tàu và dịch vụ hàng hải cùng với đó là hệ thống sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay trung chuyển hàng hóa Chu Lai; cảng Liên Chiểu và đặc biệt là dự án cảng trung chuyển Vân Phong tạo nên lợi thế vượt trội cho chiến lược phát triển kinh tế biển.

Tại nhiều hội nghị, hội thảo về chiến lược phát triển kinh tế miền Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các tỉnh thành trong khu vực liên kết để tập trung xây dựng và phát triển kinh tế biển miền Trung nhanh chóng trở thành vùng kinh tế năng động, bền vững gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước, nhanh chóng cải thiện đời sống cho nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra rằng: Cần đẩy nhanh và phát triển kinh tế biển miền Trung để tạo động lực cho toàn vùng bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung là nhiệm vụ cấp bách hiện nay. Trước mắt tập trung phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải… Phát triển cảng biển, kinh tế biển đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế từng khu vực.

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo, vùng biển miền Trung chiếm khoảng 2/3 diện tích toàn vùng biển Việt Nam, bao gồm các vùng biển trong phạm vi 200 hải lý, thềm lục địa và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Chính vì thế, miền Trung là khu vực có vị trí chiến lược hết sức trọng yếu trong khu vực Biển Đông và có tiềm năng to lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta, cũng như đối với hòa bình và phát triển khu vực Đông Á và Đông Nam Á.

Nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế và các nhà hoạch định chiến lược, để phát triển bền vững vùng kinh tế biển động lực miền Trung cần nhiều yếu tố đó là nguồn lực đầu tư, cơ chế chính sách, liên kết chặt chẽ các tỉnh thành khu vực cùng sự hỗ trợ của Chính phủ. Như quan điểm của TS Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: "Để rút ngắn khoảng cách so với hai đầu đất nước Hà Nội và Sài Gòn cần phải huy động mọi nguồn lực đầu tư để đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 9-10%/năm. Đến năm 2035 mức GRDP/người đạt khoảng 3 lần hiện nay".