Tại Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp đủ sức hút để một kênh truyền hình lớn như CNN (Mỹ) chú ý tới. Vingroup với những bước tiến thần tốc vào lĩnh vực được xem là khó nhất hiện nay đã thực sự gây tiếng vang với thế giới.

"MÃI MÃI TINH THẦN KHỞI NGHIỆP"

Rất bất ngờ vì với một doanh nghiệp, thậm chí là đế chế kinh doanh đa ngành lớn như Vingroup lại chọn slogan khiêm tốn “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” - bà Lê Thị Thu Thủy đã tiết lộ với kênh CNN trong một bài phỏng vấn dài 11 phút đồng hồ.

Đối với Vin, mỗi ngày trôi qua đều là những ngày khởi nghiệp và họ đã cùng nhau cố gắng mỗi ngày. Thực sự, họ đã làm việc một cách hiệu quả và luôn đặt kết quả lên hàng đầu. Dĩ nhiên, để làm được điều ấy Vin đã xây dựng lên phong cách năng động, đặt ra yêu cầu rất cao đối với nhân viên của mình.

Bà Thủy nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn đề cao tinh thần và văn hóa Việt Nam trong tổ chức, vào thời điểm này chúng tôi đã trở thành tập đoàn toàn cầu. Bởi thế, đã có thêm nhiều nhân sự chất lượng đến từ nhiều quốc gia, tất cả chung tay vì mục tiêu vươn tầm quốc tế”.

Người dẫn chương trình, nhà báo kỳ cựu mảng tài chính quốc tế, Julia Chatterley nhận định: “Tôi nhận thấy đây là một cuộc cách mạng của Vingroup, chuyển đổi từ tập đoàn kinh doanh du lịch, bất động sản sang tập đoàn công nghệ với điện thoại thông minh và ôtô. Tôi cảm thấy, Vingroup đang tạo động lực góp phần thúc đẩy công cuộc hiện đại hoá Việt Nam”. Bà Julia không quên đặt câu hỏi: Vậy, điều gì đã thúc đẩy Vingroup?

Về điều này, bà Thu Thủy cắt nghĩa, sứ mệnh của chúng tôi là vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt, bởi vậy những việc chúng tôi làm đều có mục đích. Chúng tôi xây dựng những tòa nhà chung cư, không chỉ để cho người Việt có nơi ở tốt mà còn mang đến phong cách sống tốt hơn. Chúng tôi xây trung tâm thương mại hiện đại, trường học, bệnh viện, cải tiến ngành nông nghiệp và thành lập công ty sản xuất ô tô (Vinfast) chỉ trong vòng 3 năm.

Với mảng xe hơi, 2 trong 3 mẫu xe của Vin đã vượt qua nhiều hãng xe tên tuổi, lọt vào top bán chạy nhất trên thị trường trong nửa năm đầu 2020. Một năm trở lại đây Vin cũng tiến vào lĩnh vực smartphone, sản phẩm IoT và các sản phẩm công nghệ khác.

"CHINH PHỤC THỊ TRƯỜNG MỸ"

Bà Julia Chatterley đã đưa ra một câu hỏi khó nhưng đầy kích thích: “Mỹ có phải là thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm mang thương hiệu Vingroup?”

Phó Tổng giám đốc Thu Thủy rất tự tin, chúng tôi sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực vào thị trường này trước khi mở rộng ra những thị trường quốc tế khác. Hai lĩnh vực sẽ vào Mỹ trong tương lai gần là ô tô và điện thoại thông minh. “Tương lai gần” mà bà Thủy xác định là trong năm nay cho điện thoại và năm tới đối với xe ô tô.

Nhà báo của CNN không quên bày tỏ sự ấn tượng đối với thành tích chống dịch của Việt Nam. Song dịch bệnh cũng đặt ra thách thức không nhỏ với các mảng kinh doanh của Vingroup?

Thách thức lớn nhất mà Vin gặp phải là duy trì 5.000 nhân viên khắp thế giới, vẫn hoạt động trong bối cảnh giãn cách xã hội. Tuy nhiên, bà Thủy cũng chia sẻ, Vin hiện có nhiều đơn vị tiên phong cho phép nhân viên làm việc từ xa. Chia nhân viên thành các nhóm có tiếp xúc và không tiếp xúc trực tiếp với khách hàng bằng chiến lược công việc và chính sách ưu đãi phù hợp.

Đến thời điểm hiện tại, guồng máy của Vin đã quay trở lại hoạt động bình thường. Quyết tâm của Vin là đạt được chỉ tiêu phát triển đề ra trong năm nay, đôi khi là vượt.

“CHÚNG TA KHÔNG LÀM NHƯ VẬY!”

Bài học kinh nghiệm đáng nhớ mà Vingroup rút ra từ dịch bệnh COVID-19 là, trong thời điểm khó khăn có rất nhiều nhân sự từ Vinfast nói với Chủ tịch tập đoàn rằng, công ty đang khó khăn, họ sẵn sàng không nhận lương.

Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cảm kích, rằng: “Dù phải ở nhà gần 2 tháng, chúng ta phải trả lương đủ và hỗ trợ hết mình cho nhân viên bởi vì họ phải lo cho gia đình. Những công ty khác ngoài kia cũng đang gồng mình chống dịch bệnh và cắt giảm lương của nhân viên để tồn tại. Nhưng chúng ta không làm như vậy”.

Bà Thu Thủy cho rằng, chính tấm lòng của sếp với nhân viên đã tạo ra hiệu ứng đặc biệt tốt, đó là sự trung thành tuyệt đối của nhân viên. Nhà báo Julia đã nói “không thể tin nổi” và cho rằng “không có nhiều công ty có thể làm được như Vin trong thời gian khó khăn đỉnh điểm vừa qua.

LÀM GÌ ĐỂ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG?

Thế giới còn biết đến Vingroup là doanh nghiệp tiên phong “phát triển bền vững”. CNN cũng không quên đặt câu hỏi: Vậy, Vin sẽ “phát triển xanh” như thế nào khi vươn ra thế giới, đặc biệt tại Mỹ là câu chuyện khác?

Điều đầu tiên trong khái niệm “phát triển bền vững” mà Vin hướng tới là bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ này được nâng lên thành “trách nhiệm” không chỉ với quê hương Việt Nam mà còn đối với toàn cầu của Tập đoàn kinh tế lớn nhất mảnh đất hình chữ S.

Với tư cách là CEO của mảng điện thoại thông minh, bà Thủy hiểu rằng không thể bán sản phẩm sang châu Âu, Mỹ nếu như không áp dụng và đáp ứng đầy đủ các điều kiện của họ.

Dẫn chứng cụ thể, bà Thủy nêu ra chương trình hành động NPAP (National Plastic Action Plan) nói không với rác thải nhựa do WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới) tổ chức. Đây không những là chiến lược bao trùm mà còn được thẩm thấu vào mỗi nhân viên, bộ phận.

Đơn cử như mảng smartphone, Vingroup đã giảm thiểu được 11,2% lượng rác thải nhựa, phấn đấu đạt 20% vào cuối năm nay. Bên cạnh đó sử dụng năng lượng tái tạo cũng là một cách “phát triển bền vững” của Vin.