Việc Đức tiếp quản Chủ tịch luân phiên Liên minh Châu Âu (EU) từ 1/7 sắp tới được kỳ vọng giúp khối này sẽ dần thoát ra khỏi bất ổn hiện nay.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, trong khoảng thời gian 6 tháng nắm giữ cương vị này, Đức sẽ ưu tiên mục tiêu trước mắt tập trung chống dịch COVID-19 cũng như đối phó với những tác động của đại dịch này với kinh tế-xã hội Châu Âu.
Kinh tế Châu Âu đang đối mặt với tình trạng suy thoái tồi tệ nhất trong vòng 70 năm qua, tăng trưởng GDP nội khối dự kiến sẽ giảm 7,5%, còn GDP khu vực đồng tiền chung dự kiến giảm 7,75% trong năm 2020.
Nền kinh tế lớn nhất “lục địa già”, Đức được dự báo sẽ tăng trưởng âm 2,8% trong năm 2020. Theo nhiều dự báo, hoạt động kinh tế tại Đức chỉ trở lại trạng thái bình thường trong nửa đầu 2021.
Hệ lụy tiếp theo và đương nhiên chính là thất nghiệp, khoảng 4 triệu người - tương đương 20% lao động tại Pháp đã tham gia nhận trợ cấp thất nghiệp của Chính phủ. Chính phủ bảo trợ cho doanh nghiệp trả lương đầy đủ cho lao động nghỉ việc, sau đó ngân sách sẽ trả lại cho doanh nghiệp ở mức gấp 4,5 lần lương cơ bản. Đáng chú ý, nợ công của Pháp hiện đã đạt gần 100%.
Các hoạt động kinh doanh ở Châu Âu sụp đổ trong chốc lát vì đại dịch đã để lại hậu quả lớn cho nền kinh tế thế giới, và nếu so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, thiệt hại thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
EU với khẩu hiệu “thống nhất trong đa dạng”, nhưng vài năm gần đây tính “thống nhất” bị đe dọa. Đầu tiên là phong trào “ly khai” như Brexit, manh nha nguy cơ Itexit, Frexit... khi “quyền tự quyết” của các thành viên bị trao quá nhiều cho các thiết chế xuyên quốc gia đang điều hành EU.
Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, Châu Âu trở nên hỗn loạn, chính sách ban hành để đối phó với dịch bệnh không thống nhất. Ở trung tâm Châu Âu phản ứng quá chậm, trong khi những khu vực khác biệt như Bắc Âu trông chờ vào “miễn dịch cộng đồng”.
Sự “đa dạng” ở Châu Âu đã không còn như xưa, nhiều mô hình tăng trưởng đã tới hạn. Châu Âu trở nên chậm chạp trước sự vươn lên của những trung tâm khoa học công nghệ, tài chính mới ở Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore...
Rất dễ nhận thấy “hiệu ứng domino” ở Châu Âu mỗi khi các thành viên gặp sự cố. Và về cơ bản, họ vẫn phụ thuộc vào Châu Á, điển hình như chuỗi cung ứng tại Trung Quốc và nguồn dầu mỏ tại Trung Đông…
Dư luận chờ đợi Đức có thể làm gì để thúc đẩy EU tiến về phía trước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và Châu Âu đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề từ đối nội cho đến đối ngoại.
Ngày 27/5, Thủ tướng Đức Merkel và Bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao Đức đã tổ chức cuộc thảo luận với Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) David Sassoli về một số ưu tiên trong giai đoạn Berlin nắm quyền lãnh đạo EU.
Một phần rất nhỏ cuộc họp này đã được tiết lộ.
Theo đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của Đức là ứng phó với đại dịch COVID-19; Thủ tướng Merkel cũng đặt ra hai mục tiêu quan trọng hàng đầu là tái thiết nền kinh tế và củng cố sự gắn kết xã hội ở Châu Âu.
Trước khi dịch bệnh tấn công, phương châm của bà Merkel là “củng cố bên trong để có thể vươn mạnh ra bên ngoài”. Nói cách khác, tầm nhìn của Đức phải là một Châu Âu “công - thủ” toàn diện, dù đó là vấn đề nội khối hay những vấn đề quốc tế.
Song, với những rào cản “có bề dày” như thế, Châu Âu sẽ phải mất hàng thập kỷ để làm mới mình.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 31/05/2020
06:17, 10/05/2020
14:34, 09/05/2020
07:15, 08/05/2020
11:15, 26/04/2020
06:00, 22/04/2020