Phần lớn cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đều hiểu và đánh giá cao các giải pháp của Chính phủ trong việc phòng, chống dịch COVID-19.
Tại cuộc họp trực tuyến "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ trong giai đoạn cao điểm phòng chống COVID-19", ông Nguyễn Hải Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam rất hoan nghênh và hoàn toàn nhất trí với việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ông Minh cho biết, trong quá trình thực thi vẫn còn có một số vấn đề mà có thể tất cả các doanh nghiệp đang vướng mắc như về việc phân biệt thế nào là nhóm hàng hoá thiết yếu và không thiết yếu.
Có thể bạn quan tâm
15:50, 04/04/2020
15:11, 04/04/2020
10:00, 04/04/2020
18:08, 03/04/2020
18:28, 03/04/2020
Đại diện Eurocham đánh giá, nền kinh tế đang vận hành theo hình thức tất cả các chuỗi cung ứng, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất, dịch vụ kết nối đan xen vào nhau. Khi định nghĩa mặt hàng và dịch vụ thế nào là thiết yếu để cho tạm dừng hoạt động trong thời điểm hiện tại cần tính đến trường hợp có mặt hàng hoặc dịch vụ không được cho là thiết yếu nhưng lại được sử dụng để sản xuất các sản phẩm thiết yếu khác.
Trong thời điểm hiện tại, dịch bệnh vẫn đang trong vòng kiểm soát của chính phủ. Nhưng khi xét việc hạn chế người dân và người lao động ra ngoài, cần tính đến việc nếu dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho người lao động hay cho chủ doanh nghiệp trong trường hợp người lao động bị mất việc cũng ở mức rất hạn chế.
Chính vì vậy, chính phủ cần cân nhắc việc duy trì sản xuất, đặc biệt là với hoạt động xuất khẩu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động có thể duy trì ở mức tối thiểu trong đại dịch. Đồng thời các hoạt động lưu thông nguyên vật liệu để sản xuất hoặc bán thành phẩm vẫn nên được duy trì.
bên cạnh đó, Eurocham cũng khuyến nghị, bên cạnh dự thảo về việc giãn nộp thuế và phí cho doanh nghiệp thì trong tương lai cần phải tính thêm phương án miễn giảm. Hiện nay các doanh nghiệp đang được giãn nộp thuế giá trị gia tăng và thuế đất. Nhưng với các doanh nghiệp lớn hay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, số thuế thu nhập cá nhân cho người lao động cũng là con số đáng kể.
Mặt khác, Chính phủ có thể nên cân nhắc bổ sung thêm loại thuế này cũng như thuế tiêu thụ đặc biệt vào danh sách các khoản thuế được giãn hoặc miễn để tạo thêm được dòng tiền cho doanh nghiệp.
Hiện nay, nhiều thành viên Eurocham hoạt động trong lĩnh vực sản xuất rượu, bia hiện đang gặp nhiều khó khăn. Hoặc các doanh nghiệp sản xuất ô tô dưới 9 chỗ ngồi chưa được nằm trong nhóm các đối tượng giãn nộp thuế. Chính phủ có thể cân nhắc và chọn lọc thêm một số lĩnh vực trên để bổ sung vào danh mục các ngành nghề cần hỗ trợ.
Ngoài ra, Eurocham cũng đề xuất, liên quan đến sản phẩm vật tư y tế, Chính phủ và Bộ Y tế duyệt nhanh các loại hoá chất cần thiết cho việc xét nghiệm hoặc tăng mức dự trữ các loai thuốc thiết yếu trong bệnh viện.
Theo ông Minh, Eurocham đồng thuận và ủng hộ ý kiến đẩy mạnh phát triển thêm Chính phủ điện tử. Hiện nay, hầu hết các cơ quan nhà nước đang thực hiện tối đa làm việc ở nhà, do vậy cần tranh thủ thời điểm này để tinh giản tối đa các thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực hải quan liên quan đến xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ pháp luật có quyền sử dụng chữ ký điện tử, tuy nhiên, ông Minh cho biết không phải cơ quan nhà nước nào cũng đồng ý cho doanh nghiệp sử dụng chữ ký điện tử này. Chính vì vậy, trong thời gian dịch bệnh, hạn chế tối đa tiếp xúc, các cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính nên tăng cường nhận tài liệu qua email có chữ ký điện tử được xác thực và đã được đăng ký với Bộ Thông tin Truyền thông. Đây là phương án phù hợp pháp mà lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Việc hạn chế tối đa thanh tra, kiểm tra cũng là ý kiến được Eurocham khuyến nghị. Đặc biệt, trong lĩnh vực hải quan thì nên giảm tỷ lệ kiểm tra trước thông quan. Sau khi qua đại dịch có thể tăng cường kiểm tra sau thông quan cho lô hàng xuất khẩu trong thời gian có dịch.