Đã đến lúc Việt Nam cần nghiêm túc xem xét mình được gì và mất gì khi thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (DN FDI) và tính đến phương án xây dựng công nghệ để kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong 30 năm qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên thời gian qua, có khá nhiều luồng ý kiến không mấy tích cực về FDI, mà theo như ông Nguyễn Mại “trải qua ba thập niên mà vẫn có nhận định “một chiều” tiêu cực như vậy thì thật đáng tiếc”.
Bước ngoặt của nền kinh tế
Trước tiên cần phải nói rằng, hành trình 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam cũng gần như song trùng với hơn 3 thập kỷ đổi mới của nền kinh tế.
Để có được thành tựu như vậy phải kể đến dự Luật của “lịch sử” Luật Đầu tư nước ngoài ra đời vào ngày 29/12/2987. Khi đó, Luật Đầu tư nước ngoài được các nhà bình luận thế giới đánh giá đây là một trong những đạo luật về đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực. Được biết, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được xây dựng dựa trên sự học hỏi kinh nghiệm 18 luật đầu tư nước ngoài của các quốc gia khác.
Cũng chính điều này đã khiến một trong những người “khổng lồ” công nghệ đến từ Mỹ là Intel đã lựa chọn Việt Nam là địa điểm đặt nhà máy sản xuất với số vốn đầu tư giai đoạn đầu là 300 triệu USD vào năm 2006. Tuy nhiên chỉ đến cuối năm, tổng vốn đầu tư của Intel tại nhà máy này đã lên đến 1 tỷ USD. Đây được coi là sự kiện đã tạo “tiếng vang” và là “con dấu đảm bảo bằng vàng” xác nhận Việt Nam là địa chỉ đầu tư có đẳng cấp.
Được biết, trước khi quyết định đầu tư, khi đó Intel đã phân vân lựa chọn giữa các địa điểm là Đại Liên (Trung Quốc), Thái Lan, Ấn Độ… tuy nhiên, sau khi cân nhắc Intel đã lựa chọn Việt Nam. Theo lý giải của ông Võ Hồng Phúc, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Mặc dù, xét về chính sách ưu đãi đầu tư, Việt Nam và Ấn Độ là như nhau, tuy nhiên, chính sự nhất quán trong quan điểm và hành động từ Trung ương đến địa phương của Chính phủ Việt Nam đã tạo được điểm khác biệt”. Bước ngoặt mang tên Intel, sau này đã mở đường cho hàng loạt những tên tuổi lớn từ khắp nơi trên thế giới đến Việt Nam như Samsung, LG, Microsoft, Bosch, Canon, Jabil Circuit Inc, Nidec, Fuji Xerox…
Xác định lộ trình cho công nghệ mới
Nhìn lại chặng đường 30 năm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực và trong nước cũng đang đặt ra yêu cầu phải có những thay đổi trong định hướng chiến lược về thu hút FDI giai đoạn tới.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI từng chia sẻ rằng, Việt Nam rất tự hào về kết quả xuất khẩu, nhưng có đến 73% giá trị xuất khẩu thuộc về doanh nghiệp FDI. Họ chỉ coi Việt Nam như là xưởng gia công, họ nhập khẩu đầu vào, xuất khẩu đầu ra, còn Việt Nam chỉ hưởng tiền gia công. Giá trị gia tăng nội địa hàng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam chỉ 10 – 20%, chưa bằng một nửa của Thải Lan, 45%.
Nhìn lại giai đoạn 2006 – 2015, gần 14.000 dự án FDI mới có khoảng 600 hợp đồng chuyển giao công nghệ, đạt 4,28%. Theo đó, hiệu quả chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI của Việt Nam thấp ở mức đáng ngạc nhiên và có xu hướng ngày càng tụt hậu. Năm 2009, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 57, năm 2014 ở vị trí thứ 103, giảm 46 bậc. Trong khi đó, Thái Lan thứ 36, Indonesia thứ 39, Malaysia thứ 13.
Có thể bạn quan tâm
04:26, 04/10/2018
03:08, 03/10/2018
06:04, 02/10/2018
07:52, 01/10/2018
Kinh nghiệm chuyển giao công nghệ ở Thái Lan cho thấy tầm quan trọng của lộ trình công nghệ. Theo ông Sootiporn Chittmittrapap, Tổng thư ký Hội đồng nghiên cứu Quốc gia Thái Lan nhận định: "Lộ trình công nghệ là một công cụ mạnh mẽ để Thái Lan phát triển, không chỉ trong khoa học, chuyển giao công nghệ mà trong mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội". Chính vì vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ của Thái Lan đã có 17 công ty ô tô, 7 công ty xe máy, doanh nghiệp phụ trợ cấp 1 có 648 doanh nghiệp, doanh nghiệp phụ trợ cấp 2,3 có 1700 doanh nghiệp. Bên cạnh, việc xác định lộ trình công nghệ, Thái Lan còn xây dựng mạng lưới công viên khoa học quốc gia ứng với từng khu vực vùng miền.
Với góc nhìn “ngoài cuộc”, ông Simon Bell, cố vấn cao cấp Chính sách đầu tư của Ngân hàng Thế giới, cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam phải chuyển hướng sang những lĩnh vực công nghệ nguồn, mang tới R&D, giá trị gia tăng cao hơn, thu nhập tốt hơn, qua đó thúc đẩy tăng năng suất, đổi mới sáng tạo, duy trì tăng trưởng kinh tế “xanh” và toàn diện…
Ở góc nhìn khác, GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng: “Cần coi trọng chính sách kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó nâng cao tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp trong nước và mang lại giá trị cao hơn cho nền kinh tế”.
Ông Hong Sun – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam: Cần nguồn nhân lực chất lượng cao Các TNCs trước khi tiến hành quyết định đầu tư, đều tìm hiểu rất kỹ về môi trường đầu tư. Nhà đầu tư rất sợ chính sách ưu đãi đầu tư có sự thay đổi gấp gáp. Nhìn ở góc nhìn rộng điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới môi trường đầu tư kinh doanh. Hiện nay, nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ đã trở nên phổ biến ở các thị trường lao động như Châu Phí, và đã không còn là lợi thế so sánh của Việt Nam. Vì vậy, để tiếp nhận được nguồn vốn đầu tư từ TNCs, việc chuẩn bị nguồn nhân lực đã qua đào tạo bài bản với tay nghề, kỹ năng tốt.... Theo đó, với những danh mục đầu tư ưu tiên nào trong thời gian tới, Việt Nam sẽ nên đầu tư nguồn nhân lực trước tiên, trong từng ngành, từng lĩnh vực. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh: Cần sớm có chiến lược liên kết cấp quốc gia Các doanh nghiệp trong nước chưa có sự chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới. Thêm vào đó, chính sách thu hút FDI của Việt Nam hiện nay vẫn theo xu hướng “trải thảm” mà chưa đưa ra các điều kiện ràng buộc doanh nghiệp FDI phải có trách nhiệm chuyển giao công nghệ. Ở cấp quốc gia, Việt Nam chưa có một quy hoạch hay chiến lược cụ thể nào để thúc đẩy sự tương tác, liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Dự án chuyển giao công nghệ vẫn được thực hiện một cách cục bộ. |