Các nhà ngoại giao Nhật Bản phải đối mặt với những tháng bận rộn khi Tokyo chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 lần đầu tiên trong năm nay.
Một cục diện thế giới đang trải qua những thay đổi cơ bản về địa chính trị và chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa, Nhật Bản cần có đột phá ở hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 6/2019 để góp phần tháo gỡ các vấn đề toàn cầu.
Thủ tướng Shinzo Abe sẽ khẳng định được vị thế chủ nhà nếu ông có thể cải thiện bầu không khí bang giao toàn cầu, hoặc ít nhất có thể khiến các mâu thuẫn chịu ngồi lại với nhau.
Mặc dù kỳ vọng thấp trước hội nghị thượng đỉnh Buenos Aires tháng 11/2018, nhưng việc tập hợp 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới và đưa ra được một tuyên bố chung - đó là hình mẫu mà Tokyo cần hướng đến.
Không đơn thuần là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tạm thời ngừng đối đầu thương mại vốn phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
10:00, 27/12/2018
07:30, 24/12/2018
00:02, 22/12/2018
05:18, 16/12/2018
Các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết tuân thủ "trật tự quốc tế dựa trên quy tắc" trong tuyên bố chung, một kết quả tốt hơn nhiều so với việc không có gì.
Do vậy, Nhật Bản cần tất cả sự hỗ trợ mà đất nước này có thể nhận được để duy trì trật tự thương mại đa phương giúp hàng tỷ người thoát khỏi mối đe dọa vì nghèo đói.
Toàn cầu hóa đã tạo ra một số lượng lớn những người chịu bất lợi về kinh tế ở nhiều quốc gia đã bầu ra các nhà lãnh đạo có khuynh hướng dân túy để giải quyết vấn đề của họ.
Những nhà lãnh đạo đó, đáng chú ý nhất là Tổng thống Trump, hầu hết là những người hướng nội và theo đuổi các chương trình nghị sự không phù hợp với các nguyên lý cốt lõi của thương mại tự do.
Với uy tín của mình, ông Abe đã thể hiện sự sẵn sàng chống lại các sáng kiến bảo hộ, bao gồm bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gần đây mà trong đó ông bảo vệ mạnh mẽ thương mại tự do.
Ông là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Trump để cố gắng giữ Hoa Kỳ ở lại hiệp ước kinh tế Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Mặc dù thất bại, Nhật Bản đã dẫn đầu trong việc thuyết phục các thành viên CPTPP còn lại hoàn thành thỏa thuận, ngay cả khi không có Hoa Kỳ.
Ở trong nước, các sáng kiến của Abe đang phát huy tác dụng, tạo đà cho nền kinh tế tăng trưởng, thường được gọi là Abenomics.
Tuy nhiên, mặc dù chỉ đứng sau Trung Quốc trong số các nền kinh tế Châu Á về quy mô, Nhật Bản vẫn chưa đóng vai trò hiệu quả như một nước giúp ổn định tình hình ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và giảm bớt căng thẳng Mỹ - Trung.
Với sự phức tạp trong quan hệ giữa các siêu cường, Tokyo có cơ hội tạo dấu ấn bằng việc đưa ra những bước đi táo bạo, vai trò chủ tịch G20 sẽ là động lực.
Nhật Bản có thể trung gian cho đối thoại giữa Mỹ - Trung Quốc; tham gia giải quyết mâu thuẫn trong EU và giảm bớt sự khác biệt của chính họ với Bắc Kinh.
Trong khi đó, các câu hỏi về môi trường chưa bao giờ cấp thiết như lúc này - như đã từng chứng kiến tại hội nghị tháng 12/2018 ở Ba Lan.
Khi ba nền kinh tế G20 (Mỹ, Nga và Saudi Arabia) là một trong số những quốc gia đi ngược lại với đa số và phủ nhận một báo cáo khoa học quan trọng của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu.
Chỉ còn sáu tháng trước G20, Nhật Bản có thể đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc cố gắng thuyết phục ba nền kinh tế G20 trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Nhật Bản, một quốc gia ký kết thỏa thuận Paris, có thể sử dụng ảnh hưởng của mình với ba quốc gia nói trên, đặc biệt là Hoa Kỳ, để đạt được sự đồng thuận lớn hơn trong các nhà lãnh đạo G20 về biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, để bảo vệ ảnh hưởng và đầu tư của mình ở Châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản có thể không chỉ là một đồng minh nghe lời của Washington trong khu vực.
Quốc gia này nên thực hiện các chính sách độc lập và lãnh đạo hợp tác đa phương, ngay cả khi không có Mỹ, như đã làm trong việc hoàn thành CPTPP.
Đồng thời, để đối trọng với một Trung Quốc không còn "dấu mình chờ thời", Nhật Bản cần thúc đẩy an ninh khu vực, hợp tác chặt chẽ với các nước khác ở Đông Á, hỗ trợ các dự án đầu tư quốc tế để chống lại ảnh hưởng của sáng kiến "Vành đai, Con đường" đồng thời, tăng cường hợp tác với ASEAN.
Nhật Bản cũng sẽ tăng cường vị thế lãnh đạo nếu đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề xã hội và nhân đạo quốc tế, như khủng hoảng tị nạn, kể cả ở Châu Á - nơi hoàn cảnh khốn khổ của người tị nạn Rohingya từ Myanmar trở thành tâm điểm.
Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, 66 triệu người đã chạy khỏi quê hương để tránh xung đột, đặc biệt từ Trung Đông, Bắc Phi sang Châu Âu. Đến năm 2030, thế giới có thể có 180 triệu đến 320 triệu người phải di cư.
Nhiều quốc gia đã đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng di cư, ví dụ: Uganda ở Châu Phi, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ ở Châu Âu, và Bangladesh ở Châu Á - nơi đón nhận phần lớn người tị nạn Rohingya.
Nhật Bản là một bên ký kết các Công ước về người tị nạn của Liên Hợp Quốc, cam kết tiếp nhận người tị nạn nhưng số người họ tiếp nhận vẫn khá ít. Theo Cục Quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản, 4.882 người xin tị nạn đã nộp đơn xin tị nạn tại Nhật Bản kể từ năm 1982 và chỉ có 410 người được chấp nhận.
Chính phủ Nhật Bản cam kết rằng, trong nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của mình sẽ quyết tâm thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ trong việc thúc đẩy các cuộc thảo luận nhằm giải quyết vô số vấn đề nhức nhối.
Nhật Bản nên bắt đầu lãnh đạo từ phía trước thay vì bị kéo từ các phía. Để mọi người thấy một Nhật Bản "hồi sinh" và "biến đổi". Tokyo cần chứng minh họ không quá tập trung đến chương trình nghị sự của riêng mình.