Game di động "dậy sóng"

Hoàng Phi 17/11/2019 06:00

Các game di động thể thao điện tử đã thu về hơn 347 nghìn tỷ đồng (15 tỷ USD) chỉ trong năm 2018.

Sự trỗi dậy của các game mobile theo thể thức esports (hay còn được gọi là game di động thể thao điện tử) đã và đang đem lại khá nhiều cơ hội cho các game thủ, cũng như các doanh nghiệp.

MOBILE ESPORTS “TRỖI DẬY”

Năm 2018, thị trường game đã tạo ra 131 tỷ USD doanh thu toàn cầu, vượt xa doanh thu của cả thị trường âm nhạc và phim ảnh cộng lại. Game củng cố vị thế “vua” của mình trong ngành giải trí. Con số doanh thu này được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2025, đạt khoảng 300 tỷ USD.

Với nhu cầu khủng khiếp của game, esports cũng đang tăng trưởng thần kỳ. Tổng doanh thu của game dạng esports toàn cầu năm 2018 hơn 30 tỷ USD. Và chỉ tính riêng các hoạt động liên quan đến các giải đấu esports, con số ước tính năm 2018 đã là 900 triệu USD với tốc độ tăng trưởng 30%/năm.

Trong đó, game mobile và mobile esports là động lực phát triển chính: theo thống kê của Niko Partners, doanh thu của game mobile esports chiếm gần 50% doanh thu của game dạng esports toàn cầu năm 2018. Và gần 20% trong đó đến từ tựa game Liên Quân Mobile (Arena of Valor) với 2,5 tỷ USD - doanh thu vượt hẳn tựa game dẫn đầu PC esports là Liên minh Huyền thoại với 1,9 tỷ USD.

Niko Partners nhận xét rằng, mobile esports vài năm trước chỉ là thị trường ngách, không ai đoái hoài, nhưng giờ đã trở thành thị trường lớn nhất trong ngành công nghiệp thể thao điện tử.

BÙNG NỔ MẠNH MẼ HƠN NỮA

Nếu trước năm 2017, game mobile chỉ được coi là lựa chọn thay thế khi “máy tính mang đi sửa” và mobile esports dường như là 1 khái niệm khá “buồn cười”, thì đến 2018 game mobile bất ngờ vượt mặt game PC về doanh thu toàn cầu.

Cùng với đó, năm 2018 các tựa game mobile esports có doanh thu tương đương các tựa game PC esports, số lượng các giải đấu mobile esports cũng gia tăng chóng mặt, và đặc biệt tại ASIAD 2018 cũng như SEAGames 2019, mobile esports và PC esports được đối xử ngang bằng với nhau.

Dù lý do gì đi nữa, nhu cầu chơi game mobile đang không ngừng tăng nhanh, kéo theo sự phát triển của mobile esports. Dù mobile esports hiện nay vẫn chưa “thể thao” như PC esports - từ tính chiến thuật, phối hợp đồng đội và kỹ năng phản xạ, nhưng vẫn đang bắt kịp và chuẩn bị vượt qua người đàn anh. Điều này hứa hẹn khi mobile esports cải thiện lối chơi, tốc độ phát triển của nó còn bùng nổ hơn nữa.

CƠ HỘI CHO GAME THỦ LẪN DOANH NGHIỆP

Trước hết có thể khẳng định Việt Nam là “cường quốc” trong một vài bộ môn mobile esports: Tại giải đấu Liên Quân Mobile Thế Giới 2019 (AWC 2019), Team Flash - đội tuyển chủ nhà Việt Nam đã vượt qua Đài Loan, trở thành nhà vô địch thế giới.

Hiện nay có một nghịch lý khá lạ ở Việt Nam rằng, trong khi tiền lương của game thủ PC esports trên thế giới cao hơn nhiều game thủ mobile esports, thì tại Việt Nam có không ít game thủ PC esports đã chuyển sang mobile esports để hưởng mức lương cao hơn gấp đôi, gấp ba.

Và không chỉ có tiền lương, thu nhập của game thủ mobile esports còn đến từ tiền thưởng, tiền quảng cáo, tiền livestream và tiền ủng hộ của fan.

Tuy nhiên cũng phải nói rằng, những trường hợp như vậy không phải là số đông - chỉ có một số người xuất sắc nhất mới có thể tồn tại trong thi đấu chuyên nghiệp. Và khi không thành công trong game, họ sẽ đối mặt với rủi ro rất cao, vì muốn giữ được phong độ họ phải chơi game ít nhất 7 - 8 tiếng/ngày, nên họ có rất ít kỹ năng để kiếm một công việc khác bên ngoài.

Trong khi đó, những doanh nghiệp Việt vẫn chưa tham gia sâu được vào thị trường này. Đa số những đội tuyển esports hàng đầu ở Việt Nam đều đến từ nước ngoài - Mỹ, Singapore và thậm chí Phillipines. Bản thân Team Flash của Việt Nam vô địch thế giới cũng là một tổ chức của Singapore.

Đây có thể coi như một sự bỏ lỡ đáng tiếc, vì esports là một mảnh đất màu mỡ - 2,2 tỷ người chơi game toàn cầu, 6 triệu người Việt coi esports trong 2019 (dự báo tăng gấp đôi trong 3 năm nữa) - doanh thu từ việc bán quảng cáo và bán đồ lưu niệm có thể đưa những tổ chức esports thành tập toàn trăm triệu USD.

Đáng tiếc hơn nữa là với thể trạng và tính cách người Việt, nền esports và mobile esports Việt Nam sẽ còn tiến bộ nhiều hơn nữa trong tương lai, và “mỏ vàng” mà các doanh nghiệp Việt bỏ lỡ sẽ còn lớn hơn nhiều lần bây giờ.

Cuối cùng, không thể không kể đến những nhà quảng cáo. Mobile esports là vùng đất hứa để tài trợ và đặt quảng cáo cho những doanh nghiệp hướng đến giới trẻ, như các thương hiệu công nghệ, nước giải khát, hàng tiêu dùng nhanh. Vì hiếm có kênh quảng cáo nào thu hút và ảnh hưởng được nhiều người trẻ và năng động như mobile esports.

Dù chưa ngã ngũ, nhưng hiện tượng mobile esports với nhu cầu khổng lồ hứa hẹn không phải là một xu hướng nhất thời. Tuy sân chơi này đã hội tụ đầy đủ những ông lớn, nhưng dư địa phát triển và cạnh tranh còn rất nhiều, hãy xem thử thị trường này sẽ diễn tiến thế nào trong tương lai?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Game di động "dậy sóng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO