Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016 - 2020.
Sẽ được "rót" gần 21.000 tỷ
Chương trình nhằm mục tiêu phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội trong các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng cơ bản để kêu gọi, xúc tiến, đặc biệt là thu hút và triển khai mạnh mẽ các dự án đầu tư quy mô lớn; phát triển các ngành, lĩnh vực tại các khu vực ven biển, cửa khẩu và các khu vực khác có tiềm năng; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, hỗ trợ phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất; hỗ trợ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp.
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành từ 200 đến 250 km đường giao thông chính, công trình thoát 1nước, xử lý nước thải tập trung với công suất từ 13.000 đến 14.000 m3/ngày đêm, hạ tầng kỹ thuật và xã hội các khu tái định cư với tổng diện tích từ 150 đến 200 ha của 16 khu kinh tế ven biển, trong đó tập trung chủ yếu cho 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm có các dự án quy mô lớn đang và dự kiến triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020.
Hoàn thành từ 200 đến 220 km đường giao thông, công trình xử lý nước thải tập trung với công suất từ 300 đến 400 m3/ngày đêm, xây dựng khoảng từ 08 đến 10 km đường dây điện, san nền từ 60 đến 80 ha, xây dựng từ 03 đến 05 km hệ thống kè sạt lở, hoàn thành từ 8.000 đến 10.000 m2 diện tích nhà làm việc chuyên ngành, bãi kiểm hóa, kho tàng bến bãi cho 21 khu kinh tế cửa khẩu, trong đó tập trung cho 9 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn.
Đầu tư hoàn thành từ 80 đến 100 km đường giao thông, từ 15 đến 20 công trình xử lý nước thải tập trung với công suất từ 40.000 đến 45.000 m3/ngày đêm cho từ 35 đến 40 khu công nghiệp và từ 30 đến 35 cụm công nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; đầu tư hoàn thành rà phá bom mìn cho diện tích từ 550 đến 600 ha, san lấp từ 800 đến 850 ha mặt bằng, từ 80 đến 85 km đường giao thông, hệ thống mương dẫn và thoát nước mưa, nước thải đã qua xử lý dài khoảng 3,5 đến 4 km, nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 3.500 đến 4.000 m3/ngày đêm, hệ thống cấp điện dài 3,5 đến 4 km, xây dựng trạm biến áp 22/0,4 KVA cho 3 khu công nghệ cao.
Đầu tư hoàn thành 150 đến 200 ha san lấp mặt bằng, 35 đến 40 km đường giao thông, hệ thống mương dẫn và thoát nước mưa, nước thải đã qua xử lý dài khoảng 10 đến 12 km, xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 2.200 đến 2.500 m3/ngày đêm, hệ thống cấp điện dài 60 đến 80 km cho 06 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Chương trình có 5 dự án thành phần gồm: Đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển; đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu; đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đầu tư hạ tầng khu công nghệ cao; đầu tư hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình là 20.982,02 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương là 16.676,61 tỷ đồng (điều chỉnh tăng thêm khi có nguồn). Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác là 4.215,41 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định kế hoạch và phương án phân bổ vốn kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách nhà nước cho các công trình/dự án thuộc Chương trình trong trung hạn 2016 - 2020 và hàng năm; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính rà soát và tổng hợp các công trình/dự án thuộc chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ý nghĩa quan trọng
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 6/2017, cả nước có 325 Khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 94,9 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 64 nghìn ha, chiếm khoảng 67% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó, 220 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 60,9 nghìn ha và 105 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích đất tự nhiên 34 nghìn ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 51,5%, riêng các KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 73%.
Tính đến tháng 6/2017, số lượng các Khu kinh tế (KKT) ven biển đã thành lập trên cả nước là 16 KKT, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 815 nghìn ha.
Trong 16 KKT ven biển có 36 KCN, khu phi thuế quan được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 16,1 nghìn ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt 7,8 nghìn ha, chiếm khoảng 48% tổng diện tích đất tự nhiên.
Cũng theo báo cáo, tính đến ngày 20/6/2017, các KCN, KKT thu hút được 473 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 7,3 tỷ USD; 385 dự án đầu tư trong nước và điều chỉnh tăng vốn cho hơn 139 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 114.000 tỷ đồng.
Đánh giá về vai trò của các khu kinh tế, khu công nghiệp, TS Nguyễn Minh Phong cho biết, các khu kinh tế và công nghiệp là những điểm, vùng động lực góp phần đáng kể cho sự tái cơ cấu, phát triển công nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung; tạo nhiều việc làm mới; thúc đẩy chuyển giao công nghệ; thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế và quản lý chất thải, bảo vệ môi trường và góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trên biển và gìn giữ an ninh quốc phòng tuyến biên giới đất liền.
Việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng là điều kiện tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Hiện nay, nước ta đang thực hiện quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế nên việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.