Theo các chuyên gia, giá chung cư tại Hà Nội khó có khả năng giảm trong tương lai gần mặc dù thị trường đang dần ổn định.
Chia sẻ tại hội thảo “Thị trường căn hộ Hà Nội: Đâu là lựa chọn sống, đầu tư bền vững?” do Tạp chí Reatimes tổ chức, TS Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản Hà Nội đã và đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực nhìn từ những số liệu, chỉ số thực tế trong hoạt động của thị trường.
Theo ông Đính, về giao dịch, trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản ghi nhận khoảng 11.100 giao dịch thành công, đưa tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung mới đạt mức ấn tượng 83%. Phân khúc căn hộ tiếp tục là tâm điểm giao dịch với 95% tổng số lượng giao dịch thuộc về loại hình này.
Đặc biệt, các dự án mới mở bán của những chủ đầu tư lớn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ đạt 90% ngay tại thời điểm chính thức mở bán. Dù không chiếm tỷ trọng lớn như căn hộ, các sản phẩm thấp tầng khi mở bán vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ khả quan, phản ánh sự quan tâm cao của người mua. Tuy nhiên, nguồn cung cho phân khúc này lại không nhiều, dẫn đến sức cạnh tranh lớn giữa các nhà đầu tư.
Tính đến thời điểm quý III/2024, chỉ số giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng 64% so với quý II/2019, gấp đôi mức tăng của TP HCM. Giá bán trung bình sơ cấp tiệm cận mức 60 triệu đồng/m2. Giá bán sơ cấp tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại do nguồn cung dù đã được cải thiện nhưng vẫn rất khó đáp ứng đủ nhu cầu do phần lớn nguồn cung mới tiếp tục được hoàn thiện ở mức tiêu chuẩn cao với chi phí đầu tư, nhất là chi phí liên quan đến đất đai tăng cao.
Bên cạnh đó, giá sơ cấp tăng cao trong bối cảnh nguồn cung vẫn khan hiếm so với nhu cầu tạo động lực dẫn dắt mặt bằng giá căn hộ thứ cấp tiếp tục giữ mức giá chào bán ở ngưỡng cao dù thanh khoản đã dần đi ngang sau thời gian tăng trưởng "nóng".
Cũng ghi nhận tình trạng trên, theo ông Ngô Hữu Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, việc thiếu nguồn cung và các yếu tố cấu thành giá sản phẩm tăng cũng đang đẩy giá chào bán ở mức cao. Theo ông Trường, trong khoảng 3 năm gần đây, một số yếu tố chính dẫn đến sự gia tăng giá bất động sản là:
Thứ nhất, thời gian hoàn thiện pháp lý kéo dài, làm gia tăng chi phí đầu tư, từ đó đẩy giá bán bất động sản lên cao.
Thứ hai, theo quy định hiện hành, việc đấu giá đất phải tuân theo giá thị trường. Điều này khiến giá trị đầu vào của các dự án cao hơn, kéo theo giá thành bất động sản tăng lên.
Thứ ba, là ảnh hưởng của lạm phát và tỷ giá. Mặc dù lạm phát tại Việt Nam được kiểm soát tốt, nhưng sự tăng giá của vàng và USD so với VNĐ đã tạo áp lực tăng giá lên bất động sản, bởi nhiều nhà đầu tư sử dụng các tài sản này như cơ sở tích lũy giá trị. Chính vì vậy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng, giá bất động sản sẽ rất khó giảm trong giai đoạn tới.
Cũng trên cương vị doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn RB cũng đưa ra dự báo giá bất động sản tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng có thể chậm lại do sức mua có dấu hiệu chững lại. Các nguyên nhân bao gồm: Nguồn cung mới hạn chế do cần thêm thời gian tháo gỡ vướng mắc pháp lý, nền giá mới cao làm tăng chi phí giao dịch và đầu tư.
Trong bối cảnh đó, đưa ra lời khuyên về đầu tư, ông Nguyễn Văn Ngọc cho rằng nhà đầu tư cần xem xét cân nhắc về một số yếu tố. Thứ nhất là tính thời điểm. Kinh tế xã hội nước ta đang tăng trưởng, phát triển tích cực, đồng thời thị trường bất động sản cũng còn nhiều dư địa phát triển trong những năm tới và đây là đồng chu kỳ, tạo nên tính thời điểm cực kỳ tốt để các nhà đầu tư và người dân có thể sở hữu được bất động sản tại Hà Nội.
Thứ hai là về tính địa lợi. Tại Hà Nội quy hoạch phát triển sẽ theo hướng các trục hướng tâm và trục vành đai. Rất nhiều dự án ở khu vực này mở bán giá rất cao nhưng vẫn đạt tỷ lệ hấp thụ cao. Theo đó, nhà đầu tư, khách hàng sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc đầu tư hoặc sở hữu bất động sản tại khu vực này.
Thứ ba là yếu tố về tính pháp lý và tính quần thể của dự án. Hiện nay, để một dự án có thể đưa vào bán hàng thì sẽ phải mất trung bình khoảng 2-3 năm, vì quá trình xử lý các thủ tục pháp lý kéo dài khá lâu.
Ông Ngọc cho rằng các nhà đầu tư và khách hàng nên cân nhắc đầu tư vào những dự án đảm bảo được tính quần thể, tính tiện lợi bao gồm đầy đủ tiện ích, dịch vụ như trường học và xung quanh đã hình thành được quần thể dân cư đông đúc.
Còn theo ông Ngô Hữu Trường, từ góc độ doanh nghiệp nhận thấy việc đầu tư vào đất nền là một kênh hấp dẫn, tuy nhiên ông Trường cho rằng hiện tại không phải là thời điểm tốt để đầu tư. Nguyên nhân là giá thị trường đang ở mức cao và việc đầu tư vào phân khúc này đòi hỏi một nguồn vốn lớn, nếu không có chiến lược đầu tư rõ ràng thì có thể tạo ra rủi ro cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, đối với giới trẻ, đại diện Hưng Thịnh cho rằng việc đầu tư dòng tiền vào căn hộ cho thuê sẽ là một lựa chọn hợp lý hơn, giúp tạo ra dòng tiền ổn định từ việc cho thuê bất động sản. Đặc biệt, trong bối cảnh quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm, việc chuyển dịch ra các khu vực xa hơn là xu hướng tất yếu.