Giá CW xa giá trị hợp lý: Nhà tạo lập thị trường ở đâu?

Theo ĐTCK 10/07/2019 10:27

Các mã chứng quyền có bảo đảm (CW) đồng loạt nhuộm sắc đỏ trong phiên giao dịch đầu tuần này, nối tiếp hiện tượng chốt lời đã diễn ra từ 2 phiên cuối tuần trước sau giai đoạn tăng tốc khá ấn tượng.

f

Dù hạ nhiệt, nhưng so với giá phát hành, nhiều mã vẫn có mức tăng trưởng hơn 100%. 

Sức hút mạnh từ CW

Kết thúc phiên giao dịch ngày 5/7, có gần 2,1 triệu chứng quyền được chuyển nhượng thành công, mức thấp nhất kể từ ngày đầu niêm yết, với giá trị giao dịch đạt khoảng 5,04 tỷ đồng. Trong đó, CFPT1901 và CMWG1901 là hai mã có mức tăng ấn tượng, lần lượt đạt 120% và 108%, chưa kể nhiều mã khác tăng trưởng hai con số.

Quỹ Tundra Vietnam Fund nhận định, CW ra mắt và thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư Việt Nam nhờ tính đòn bẩy cao. Diễn biến này tương đồng với những sản phẩm tương tự CW hiện đã phổ biến ở một số nền kinh tế tại châu Á như Thái Lan và Hồng Kông. Thời gian đầu, quy mô thị trường chứng quyền tại Việt Nam còn tương đối nhỏ, nhưng với sự quan tâm của giới đầu tư nội địa, nhiều khả năng quy mô thị trường sẽ mở rộng trong thời gian tới.

Trong khi đó, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhìn nhận, CW là sản phẩm mới và quy mô nhỏ, dễ bị thao túng. Khi nhà đầu tư tham gia, chỉ cần nhiệt tình “quá đà” một chút cũng có thể dẫn tới giá biến động lớn. Tuy giao dịch tương đối tích cực trong những phiên đầu vận hành, nhưng đây mới chỉ là quãng thời gian thăm dò của giới đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

  • Điểm hòa vốn của chứng quyền

    Điểm hòa vốn của chứng quyền

    10:45, 03/07/2019

  • Đòn bẩy từ chứng quyền

    Đòn bẩy từ chứng quyền

    11:30, 01/07/2019

  • Cẩn trọng khi phân bổ chứng quyền vào danh mục đầu tư

    Cẩn trọng khi phân bổ chứng quyền vào danh mục đầu tư

    05:01, 28/06/2019

  • Chứng quyền MWG có hấp dẫn nhà đầu tư?

    Chứng quyền MWG có hấp dẫn nhà đầu tư?

    04:20, 18/06/2019

  • Hút vốn cho doanh nghiệp từ chứng quyền

    Hút vốn cho doanh nghiệp từ chứng quyền

    11:00, 17/06/2019

  • Đầu tư chứng quyền có tiềm ẩn rủi ro cao?

    Đầu tư chứng quyền có tiềm ẩn rủi ro cao?

    04:01, 14/06/2019

Đáng chú ý, việc CW tăng giá quá cao sẽ gây bất lợi cho những nhà đầu tư mua sau. Nếu mua vào với giá cao giai đoạn này, nhà đầu tư khó có lãi tới khi đáo hạn. Cần nhớ rằng, CW có kỳ hạn, không phải có giá trị vĩnh viễn như chứng khoán cơ sở, nên nếu mua quá cao mà không thể bán ra với giá cao hơn thì nhà đầu tư sẽ bị lỗ.

“Nhà đầu tư thường bị “hoa mắt” bởi tỷ suất sinh lợi tăng quá nhanh, lên tới 50 - 60% trong giai đoạn sản phẩm mới đi vào vận hành”, ông Ngọc nói.

Trong bối cảnh này, đã tới lúc các công ty chứng khoán cần thể hiện vai trò của mình trên thị trường, bởi lẽ, nếu để CW biến động bất hợp lý, dù chưa “vượt rào” các quy định thì tổ chức phát hành vẫn bị ảnh hưởng uy tín nếu không đảm bảo khả năng tạo lập.

Vai trò lớn của nhà tạo lập thị trường

Theo quy định, tổ chức phát hành là công ty chứng khoán sẽ phải tạo lập thị trường để giá mua và bán gần nhất với giá hợp lý. Cụ thể, nếu tỷ lệ chênh lệch giá trên thị trường vượt quá 5% (tỷ lệ chênh lệch giá là tỷ lệ phần trăm của (giá chào bán thấp nhất - giá chào mua cao nhất)/giá chào mua cao nhất), thì tổ chức phát hành phải tham gia đặt lệnh tạo lập thị trường trong vòng 5 phút, khối lượng đặt lệnh tối thiểu 100 đơn vị, thời gian lệnh trên hệ thống tối thiểu 1 phút.

Trong quy chế tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro có nội dung, nhà tạo lập thị trường có các trường hợp được miễn trừ nghĩa vụ tạo lập như: Giá tăng trần, giảm sàn, chứng quyền có lãi từ 30% trở lên hoặc 14 ngày trước ngày đáo hạn…

Điều này đồng nghĩa với việc, công ty chứng khoán có thể mua vào nếu giá thấp hoặc bán ra nếu thấy giá đang cao so với thực tế. Trong trường hợp công ty chứng khoán không còn hàng để bán ra, họ có thể xin phát hành thêm cho mã CW đang giao dịch (lưu ý với kỳ hạn 3 tháng, các công ty chứng khoán sẽ cân nhắc phát hành bổ sung vì thời gian ngắn). Qua nghiệp vụ tạo lập thị trường, công ty chứng khoán sẽ giúp chứng quyền ở giá đúng với cung và cầu thực sự của thị trường.

Ông Nguyễn Đức Thông, Giám đốc Giao dịch phái sinh, Công ty Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, SSI đã sẵn sàng cho mọi tình huống, kể cả phát hành thêm CW để đảm bảo khả năng tạo lập thị trường, giúp nhà đầu tư giao dịch thuận lợi và đưa giá CW về sát với giá trị hợp lý hơn.

Tuy nhiên, lực cầu của thị trường không chỉ từ một phía duy nhất là công ty chứng khoán. Theo bà Trần Thị Mỹ Linh, Phụ trách phát triển sản phẩm của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), giá CW trên thị trường phụ thuộc cung - cầu. Do thời gian đầu triển khai sản phẩm, số lượng phát hành CW chưa lớn nên việc giá biến động xa giá trị hợp lý hoàn toàn có thể xảy ra.

Thông thường, CW sẽ “chạy” theo giá chứng khoán cơ sở, nhưng hiện tại đang có sự chênh lệch do nhu cầu lớn hơn số lượng CW chào bán. Một số tổ chức phát hành dù muốn có động thái tạo lập để CW về gần giá trị hợp lý hơn, nhưng có thể do hết hàng nên khả năng bị hạn chế. Bà Linh kỳ vọng, các bên sẽ phát hành bổ sung, giúp giá CW về mức hợp lý.

Thực tế, diễn biến giá chứng khoán cơ sở mới là vấn đề mà các công ty chứng khoán “e ngại” vì hàng ngày phải thực hiện hoạt động bảo đảm (hedging). Trong thời gian đầu, lượng chứng khoán cơ sở không nhiều khi hedging hàng ngày vì lượng CW phát hành chưa nhiều. Bên cạnh đó, tùy vào thời điểm đáo hạn và trạng thái của chứng quyền, trong nhiều trường hợp, kể cả khi chứng khoán cơ sở tăng trần, số lượng mua/bán để hedging cũng không lớn.

Đơn cử tại SSI, sau tuần đầu giao dịch đối với mã SSI phát hành, vì chứng khoán cơ sở không tăng giảm mạnh, thời gian đáo hạn còn hơn 2 tháng, chứng quyền đang ở vùng có lãi (ITM), nên lượng chứng khoán cơ sở cần để bảo đảm thay đổi rất ít. Hoặc với CW trên MBB do HSC phát hành, bà Linh cho biết, bản thân cổ phiếu MBB không có biến động giá mạnh, khối lượng giao dịch cũng khá ổn định.

Hiện tại, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã xây dựng hệ thống phần mềm để giám sát việc thực hiện nghĩa vụ phòng ngừa rủi ro của công ty chứng khoán. Theo đó, công ty chứng khoán thực hiện khối lượng mua bán hàng ngày theo công thức tính toán được quy định cụ thể trong bản cáo bạch gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khi xin phép phát hành. Nếu không thực hiện nghĩa vụ phòng ngừa rủi ro hoặc thực hiện không đúng, công ty chứng khoán sẽ phải giải trình, nộp tiền tương ứng với phần chênh lệch vào tài khoản, bị cảnh báo trên toàn thị trường, trình Ủy ban Chứng khoán tạm ngừng giao dịch hoặc hủy niêm yết toàn bộ CW đã phát hành.

MBS đánh giá, thị trường cơ sở và phái sinh đang có xu hướng tăng tốt, qua đó hỗ trợ đà tăng của thị trường CW. Sau một vòng quay, nhà đầu tư đã trở nên thận trọng hơn do một số mã có mức tăng vượt kỳ vọng. Sự phân hóa sẽ tiếp tục diễn ra sâu rộng và mức tăng hẹp lại ở các phiên tiếp theo. Dòng tiền sẽ ưu tiên các mã có thanh khoản, vì vậy nhà đầu tư nên lựa chọn những mã có thanh khoản tốt, với cổ phiếu cơ sở còn nhiều triển vọng tăng và chỉ số kỹ thuật CW ở mức hợp lý.

Ông Thông cũng khuyến nghị nhà đầu tư cần bình tĩnh, không nên mua vào vì nghĩ có thể bán ra cao hơn sau này, mặc dù giá giao dịch đang có những khoảng cách xa với định giá. Nhà đầu tư cần nhớ rằng, tới ngày đáo hạn, giá chứng quyền sẽ phải quay trở lại giá trị thực của chứng quyền. Và lưu ý, trong hơn 2 năm trở lại đây, chưa bao giờ độ biến động giá lịch sử (volatility) của các mã đang được phát hành chứng quyền vượt quá 65%.

Theo thông tin công bố, có 16/73 công ty chứng khoán thành viên đáp ứng điều kiện phát hành CW. Trong đó, có 8 công ty chứng khoán đã nộp hồ sơ cho Ủy ban Chứng khoán để đăng ký phát hành CW là HSC, VND, BSC, VPS, MBS, KIS, SSI và VCSC. Các công ty chứng khoán còn lại vẫn chưa có kế hoạch phát hành chứng quyền. 

HOSE cho biết, để trở thành một tổ chức phát hành CW, ngoài việc đáp ứng các điều kiện theo Nghị định 60, Thông tư 107 và Quy chế hướng dẫn chào bán và phòng ngừa rủi ro chứng quyền có bảo đảm của Ủy ban Chứng khoán theo Quyết định số 72 thì các công ty chứng khoán cần đầu tư, chuẩn bị chu đáo về hạ tầng công nghệ để thực hiện hai nghiệp vụ đặc thù bắt buộc là tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro.

Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán phải tăng cường củng cố và phát triển đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm nhằm tạo lợi thế khi thiết kế sản phẩm, cũng như thực hiện các nghiệp vụ đặc thù. Đặc biệt, đối với nghiệp vụ phòng hộ rủi ro, tổ chức phát hành phải đảm bảo có tối thiểu 1 nhân viên tại bộ phận quản lý rủi ro liên quan đến hoạt động phát hành chứng quyền có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính, hoặc chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ, hoặc chứng chỉ phân tích tài chính bậc II (CFA level II).

Các điều kiện khắt khe khi tham gia phát hành CW được các cơ quan chức năng kỳ vọng sẽ giúp thị trường hoạt động trơn tru, hiệu quả và đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá CW xa giá trị hợp lý: Nhà tạo lập thị trường ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO