Giá vàng khó giảm mạnh

Ngọc Anh 30/03/2018 10:33

Giá vàng đã lao dốc mạnh khi căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên có dấu hiệu hạ nhiệt, GDP quý 4/2017 của Mỹ sửa đổi lần cuối tăng mạnh,… Tuy nhiên, giá vàng được nhận định sẽ khó giảm sâu.

Giá vàng miếng SJC cũng đã giảm khá mạnh, từ mức 36,97- 37,07 triệu đồng/lượng xuống tới mức 36,56- 36,65 triệu đồng/lượng, giảm 410.000 đồng mỗi lượng ở chiều mua vào và 420.000 đồng mỗi lượng ở chiều bán ra.

Giá vàng miếng SJC cũng đã giảm khá mạnh, từ mức 36,97- 37,07 triệu đồng/lượng xuống tới mức 36,56- 36,65 triệu đồng/lượng, giảm 410.000 đồng mỗi lượng ở chiều mua vào và 420.000 đồng mỗi lượng ở chiều bán ra.

Trong phiên những phiên giao dịch đầu tuần này, giá vàng đã giảm khá mạnh sau khi chạm mốc 1.356USD/oz. Đặc biệt trong phiên giao dịch ngày 29/3, giá vàng đã giảm mạnh xuống tới 1.321USD/oz. Giá vàng giảm mạnh là do: Thứ nhất, tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã và đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi trong chuyến thăm không chính thức tới Bắc Kinh vừa qua, ông Kim Jong-un đã cam kết sẽ thực hiện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong vòng hơn thập kỷ qua vào ngày 27/4 sắp tới. Thứ hai, GDP quý 4/2017 sửa đổi lần cuối của Mỹ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2016, cao hơn mức dự kiến 2,7% và lần sửa đổi trước là 2,5%. Thứ ba, nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã giảm bớt khi đại diện lãnh đạo 2 quốc gia này cho biết sẽ sẵn sàng đàm phán để đạt được thỏa thuận thương mại cùng có lợi.

Tuy nhiên, giá vàng sẽ khó giảm sâu, bởi nguy cơ chiến tranh thương mại đã giảm, nhưng vẫn đang âm ỉ, nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận nào trong việc giải quyết vấn đề mất cân đối thương mại song phương. Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị giữa Nga và các nước phương Tây vẫn tiếp tục leo thang khi Mỹ và một số quốc gia phương Tây đã trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao Nga sau vụ cựu điệp viên  Sergei Skripal và con gái của ông ta bị đầu độc tại Anh.

Ngoài ra, Fed vẫn đang khá thận trọng với chính sách tiền tệ hiện hành, nên việc đẩy mạnh tốc độ tăng lãi suất trong năm nay khó xảy ra. Trong khi đó, nhu cầu vàng vật chất được dự báo sẽ tăng mạnh khi giá vàng áp sát vùng 1.300USD/oz. Thực tế cũng đã chứng minh, trong 3 tháng đầu năm nay, giá vàng đã 3 lần xuống sát vùng 1.300USD/oz, nhưng đã bật ngược trở lại.

“Tôi không nghĩ giá vàng sẽ giảm mạnh từ mức hiện tại 1.325USD/oz”, ông Carsten Fritsch, chuyên gia phân tích của Commerzbank ở Frankfurt nhận định.

Theo phân tích kỹ thuật, giá vàng vẫn đang tiếp tục điều chỉnh, tích lũy trên vùng 1.300USD/oz. Tuy nhiên, nếu không trụ vững trên vùng giá này, thì giá vàng có thể sẽ xuống vùng 1.292USD/oz, kế tiếp là 1.273USD/oz. Trong khi đó, vùng 1.330- 1.338USD/oz đang là mức kháng cự mạnh, sau đó là vùng 1.350USD/oz.

BMO Capital Markets vừa đưa ra dự báo giá vàng bình quân năm 2018 ở mức 1.327USD/oz, nhưng sẽ giảm xuống 1.275USD/oz vào năm 2019 và tiếp tục xuống còn 1.250USD/oz vào năm 2020.

Tại thị trường vàng Việt Nam, do ảnh hưởng của giá vàng thế giới, giá vàng miếng SJC cũng đã giảm khá mạnh, từ mức 36,97- 37,07 triệu đồng/lượng xuống tới mức 36,56- 36,65 triệu đồng/lượng, giảm 410.000 đồng mỗi lượng ở chiều mua vào và 420.000 đồng mỗi lượng ở chiều bán ra. Đây là mức giảm khá mạnh trong nhiều tuần qua, nhưng mức giảm này vẫn chậm hơn so với giá vàng quốc tế. Bởi vậy, mức chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế đã tăng lên mức 280.000 đồng mỗi lượng, so với mức chỉ khoảng 30.000 đồng mỗi lượng cuối tuần trước.

Theo ghi nhận của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, mặc dù giá vàng đã giảm khá mạnh, nhưng lực mua bắt đáy vẫn ở mức vừa phải, chưa có sự đột biến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giá vàng khó giảm mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO