"Giấc mộng" Fintech kỳ lân

Hà Anh 18/09/2019 15:30

Nhiều chuyên gia cho rằng, với quy mô dân số lớn và sự phát triển không ngừng của thương mại điện tử, Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp Fintech kỳ lân trong tương lai không xa.

Trên thực tế, các doanh nghiệp Fintech Việt Nam có khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, thế nhưng việc biến các điều kiện đó thành lợi thế đã và đang gặp không ít khó khăn.

Năm 2014 Vinagame (VNG) cũng được định giá trên 1 tỷ USD, trở thành startup đầu tiên của Việt Nam gia nhập hàng ngũ kỳ lân của thế giới.

Năm 2014 Vinagame (VNG) cũng được định giá trên 1 tỷ USD, trở thành startup đầu tiên của Việt Nam gia nhập hàng ngũ kỳ lân của thế giới.

Cái nôi của kỳ lân

Thuật ngữ kỳ lân xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2013 trên trang công nghệ TechCrunch- mô tả các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian ngắn, được định giá trên 1 tỷ USD. Thời điểm đó, trên thế giới mới chỉ có 39 kỳ lân.

Đến nay, theo thống kê của CB Insight, trên thế giới có tới 326 kỳ lân, trong đó 10 công ty đứng đầu đều là các kỳ lân nhiều sừng – thuật ngữ dùng đề mô tả những công ty có giá trị trên 10 tỷ USD, gồm: Byte Dan (75 tỷ USD), Uber (72 tỷ USD), Didi chuxing (56 tỷ USD), WeWork (47 tỷ USD), Juul Labs (38 tỷ USD), Airbnb (29 tỷ USD), Stripe (23 tỷ USD), SpaceX (19 tỷ USD), Epic Games (15 tỷ USD), Grab (14 tỷ USD).

Những chú kỳ lân công nghệ mới đến từ khá nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó Fintech là lĩnh vực sở hữu nhiều kỳ lân thứ ba (32 kỳ lân), chỉ xếp sau lĩnh vực dịch vụ phần mềm internet (82 kỳ lân) và thương mại điện tử (44 kỳ lân), trong đó có các tên tuổi lớn như Paytm – nhà cung cấp dịch vụ thương mại di động; Robinhood – nền tảng giao dịch chứng khoán…

Điểm đáng chú ý thứ hai là “cái nôi” cho các startup kỳ lân đã dần dịch chuyển sang khu vực châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn là quốc gia đang sở hữu nhiều kỳ lân nhất trên thế giới với 156 startup kỳ lân. Riêng khu vực Đông Nam Á, Singapore có 9 startup kỳ lân, Indonesia có 4 kỳ lân…

Còn với Việt Nam thì sao? Trên thực tế, năm 2014 Vinagame (VNG) cũng được định giá trên 1 tỷ USD, trở thành startup đầu tiên của Việt Nam gia nhập hàng ngũ kỳ lân của thế giới. Thế nhưng, đó cũng là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam được nâng hạng kỳ lân, kể từ khi thuật ngữ này ra đời.

Tại sao lại như vậy? Theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), nền kinh tế số ở Việt Nam đã tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, những điều đó vẫn chưa đủ để Việt Nam sản sinh ra những startup kỳ lân nói chung, chứ chưa nói gì đến những chú kỳ lân Fintech.

Có thể bạn quan tâm

  • Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã sẵn sàng nuôi dưỡng những “kỳ lân”?

    05:15, 14/09/2019

  • Bao giờ lại có startup “kỳ lân”?

    05:18, 02/09/2019

  • Tiềm năng trở thành kỳ lân của các startup Việt

    10:07, 29/08/2019

  • TP HCM: Từ “công viên phần mềm” đến “vườn kỳ lân”

    11:29, 25/08/2019

  • Vì sao startup kỳ lân Ấn Độ đầu tư 50 triệu USD vào lĩnh vực du lịch ở Việt Nam?

    04:28, 05/07/2019

Cái khó bó cái khôn

Các chuyên gia chỉ ra một số lý do khiến các startup Việt Nam chưa thể hóa kỳ lân, đó là: tầm nhìn của doanh nghiệp khởi nghiệp còn hạn chế, vấn đề xây dựng và vận hành sản phẩm chưa thực sự tốt, thiếu sự bứt phá…

Ngoài ra, ông Phạm Kim Hùng - CEO và nhà sáng lập Base.vn (startup công nghệ được xây dựng nền tảng quản trị doanh nghiệp Software-as-a-Service) cho rằng, vốn đang là rào cản lớn nhất của các startup Việt. “Tại Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư không nhiều. Hơn nữa, những quỹ đầu tư này cũng thường đòi hỏi các startup phát triển đến một mức nhất định rồi mới đổ tiền vào. Nếu ở Mỹ, startup chứng minh bằng ý tưởng, thì ở Việt Nam startup phải chứng minh bằng con số”, ông Hùng nhấn mạnh.

Quả vậy, thiếu vốn đang rào cản lớn nhất ngăn các startup Việt hóa kỳ lân. Đáng quan ngại hơn trong lĩnh vực Fintech, do lo ngại rủi ro nên không ít quy định đang được ban hành theo hướng siết chặt kiểm soát, khiến các startup khó tiếp cận các nguồn vốn đầu tư. Đơn cử như việc NHNN đang đề xuất giới hạn tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các Fintech hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán ở mức 30% với lý do trung gian thanh toán là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, liên quan đến hoạt động ngân hàng và thị trường tài chính, ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia.

Một chuyên gia công nghệ tài chính cho rằng, lĩnh vực công nghệ tài chính luôn đòi hỏi sự đổi mới về công nghệ. Vì vậy, các startup hoạt động trong lĩnh vực này rất cần huy động nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước mới có thể đáp ứng được xu hướng phát triển của thị trường và nhu cầu của khách hàng.

“Hiện việc tiếp cận nguồn vốn trong nước của các startup gặp rất nhiều khó khăn, bản thân các ngân hàng cũng “khép cửa khá chặt” vì các startup đều thiếu tài sản thế chấp. Trong bối cảnh đó, nếu giới hạn việc tiếp cận vốn ngoại thì các Fintech biết huy động vốn ở đâu để hoạt động, nói gì đến việc hóa thành kỳ lân?”, vị này quan ngại.

Còn nhớ, ông Lee Jea-Woong, nhà sáng lập Daum Communications- kỳ lân công nghệ đầu tiên của Hàn Quốc được định giá 10 tỷ USD đã từng cho rằng, Việt Nam đang hội tụ đủ điều kiện để trở thành “trang trại” tương lai nuôi dưỡng các “kỳ lân” công nghệ như Hàn Quốc 20 năm trước đây. Nếu như trước kia Hàn Quốc phải trải qua ba giai đoạn: công nghiệp hóa, phát triển công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp 4.0 để đạt được bước nhảy vọt kinh tế, thì nay Việt Nam đang hội tụ đủ cả ba yếu tố này.

Tuy nhiên, để Việt Nam trở thành “trang trại” kỳ lân như lời ông ông Lee Jea- Woong, các chính sách nên được ban hành theo hướng tạo ra một hệ sinh thái để nuôi dưỡng, hỗ trợ các startup phát triển, hóa thành kỳ lân; chứ đừng đi theo chiều ngược lại là kìm hãm sự phát triển của các startup.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Giấc mộng" Fintech kỳ lân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO