Giải "thế khó" cho mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

Thy Hằng 18/10/2018 12:00

Cải thiện môi trường kinh doanh, ưu đãi thuế khuyến khích hộ kinh doanh "lên" doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp... là những giải pháp hiện thực mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020.

Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa được trình lên Hội đồng châu Âu, dự kiến ký chính thức vào cuối năm nay được đánh giá là tạo ra nhiều cơ hội cho mục tiêu phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh có đánh giá mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó đạt.

Doanh nghiệp giải thể tăng cao

Cụ thể, trong 5 mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, nhóm mục tiêu thứ 5 về cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã khó đạt được.

Biểu đồ số doanh nghiệp thành lập mới. Nguồn: MPI

Biểu đồ số doanh nghiệp thành lập mới qua các năm. Nguồn: MPI

Căn cứ thực tế phát triển doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân nói riêng thời gian qua, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã nhận định việc đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đóng góp 50% vào tăng trưởng sẽ là thách thức rất lớn.

“Mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành, đặc biệt khi việc phát triển doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn một số khó khăn và số lượng doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản tăng cao trong 9 tháng đầu năm 2018”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định.

Số liệu từ Tổng Cục thống kê, 9 tháng đầu năm có tới hơn 73.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm hơn 23.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và hơn 50.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 9 tháng năm 2018 là 11.536 doanh nghiệp, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng quý III có 4.907 doanh nghiệp giải thể, tăng 48,3% so với quý II và tăng gần 49% so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, tính chung 9 tháng đầu năm, mỗi ngày có đến 270 doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường.

Ngay đến con số điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp cũng được thống kê khá dè dặt. Trong quý III, các doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo- điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng chỉ có 43,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước. Vẫn có đến 17,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và số còn lại cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. 

Theo Uỷ ban Kinh tế, nguyên nhân của thực tế này liên quan tới việc triển khai một số chính sách hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân- lực lượng được xem là động lực của tăng trưởng kinh tế còn nhiều vướng mắc. Đặc biệt là thiếu nguồn lực thực hiện và có nhiều rào cản thủ tục với doanh nghiệp để tiếp cận chính sách.

Quá trình thực hiện một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn thiếu minh bạch và chưa bảo đảm công bằng. Một số quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, tạo gánh nặng chi phí và cản trở doanh nghiệp phát triển.

Bởi những rào cản này, sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước đã bị đánh giá là chậm trong giai đoạn 2016-2018. Cụ thể, báo cáo từ Bộ KH&ĐT, tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực này năm 2016 là 5,51% và năm 2017 là 6,23%. 

Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân vẫn có xu hướng nhỏ đi về quy mô, tỷ lệ doanh nghiệp làm ăn có lãi vẫn thấp, mức độ kết nối của doanh nghiệp tư nhân vào nền kinh tế toàn cầu còn nhiều hạn chế.

“Phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ, không có sự biến động đáng kể trong giai đoạn 2016-2018. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp mới đang có xu hướng chững lại”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết. 

Cơ quan này dự báo cả, năm 2018 có khoảng 130.000 doanh nghiệp thành lập. “Trong khi đó, để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020, trung bình mỗi năm cần khoảng gần 150.000 doanh nghiệp mới và phải là doanh nghiệp sống được cùng phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng, số doanh nghiệp phá sản ngừng hoạt động vẫn nhiều lên và số phá sản gần bằng số doanh nghiệp mới ra đời”, bà Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện phát triển Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định. 

Đối chiếu với tốc độ thành lập doanh nghiệp mới của năm 2016 là 126.000 doanh nghiệp và năm 2017 là 110.000 dianh nghiệp, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng đưa ra nhận định sẽ “khó đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp năm 2020”.

Có thể bạn quan tâm

  • Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đang cận kề

    05:15, 23/06/2018

  • Lo lắng cho mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020

    11:00, 18/06/2018

  • VCCI Đà Nẵng: Hướng đến mục tiêu 1 triệu Doanh nghiệp vào năm 2020.

    10:15, 14/06/2017

  • Động lực để tạo ra 1 triệu doanh nghiệp

    19:39, 07/10/2016

Thúc đẩy hộ lên doanh nghiệp

Trả lời về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đồng tình cho rằng đây là mục tiêu đầy thách thức. Tuy nhiên, hiện Việt Nam còn hơn 5 triệu hộ kinh doanh, Phó Thủ tướng cho rằng, nếu có giải pháp đưa một phần hộ kinh doanh này lên doanh nghiệp thì mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp không phải quá tầm tay. 

"Tôi đồng ý việc cần thiết phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hạn chế bớt doanh nghiệp phá sản. Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi Luật về thuế thu nhập để khắc phục tình trạng “vốn mỏng”, doanh nghiệp lập ra “tay không bắt giặc”, không có vốn mà chỉ chủ yếu đi vay ngân hàng… hoạt động một thời gian không đủ tiền trả lãi vay dẫn tới phá sản.

5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể nếu chuyển đổi lên doanh nghiệp thì mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 không khó. Vì thế, Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện việc này”, Phó Thủ tướng nói.

Cụ thể, theo Phó Thủ tướng, các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp cũng sẽ được khuyến khích hưởng mức thuế ưu đãi hơn. 

“Ví dụ như hiện doanh nghiệp đang áp mức thuế 20% đối với doanh nghiệp nhỏ thì các doanh nghiệp sau khi chuyển đổi sẽ được áp mức 17%... Những vấn đề này sẽ được Chính phủ đề xuất đưa vào nội dung kỳ họp Quốc hội tới đây”, Phó Thủ tướng cho biết.

Chính phủ cũng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp chống xói mòn cơ sở thuế để nền kinh tế trở nên minh bạch hơn bởi mục tiêu của Chính phủ là cải thiện thực chất hơn môi trường đầu tư, kinh doanh.

Kiến nghị một giải pháp khác cho mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lân cho rằng, cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp mới khởi nghiệp thành công để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp.

Theo đó, ông Lâm nhấn mạnh giải pháp cơ bản phải đáp ứng là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, có môi trường kinh doanh bền vững. Bên cạnh đó, phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh hơn các thủ tục cản trở điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp.

“Quan trọng là chính sách hỗ trợ cho vay vốn thông thoáng để doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, đào tạo lao động”, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay.

Như vậy, hiện mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp đang ở vào thế khó, như cách nhìn nhận của Chính phủ cũng như cơ quan thẩm tra. Do vậy, để hoàn thành được nhiệm vụ này, các cơ quan trong bộ máy Chính phủ dường như phải cần có thêm hàng loạt động thái quyết liệt hơn nữa. “Nếu thực sự cải thiện được môi trường kinh doanh, thì năm 2020, Việt Nam không chỉ đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp mà sẽ là 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả”, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh. 

Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa được Ủy ban châu Âu thống nhất thông qua việc trình lên Hội đồng châu Âu chấp thuận để ký chính thức vào cuối năm nay sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Nói như ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): "Khi EVFTA được ký kết, hiệp định này cũng trở thành động lực thúc đẩy Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công cuộc thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bắt đầu phác họa kế hoạch năm 2019. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6,6 - 6,8% so với năm 2018. Tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4-5%.

Dự kiến, khả năng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2019 đạt khoảng 2.036 - 2.097 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7,7-11% so với năm 2018, bằng khoảng 33-34% GDP.

Xuất khẩu hàng hóa năm 2019 dự kiến đạt khoảng 256 tỷ USD, tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; nhập khẩu hàng hóa dự kiến đạt khoảng 261 tỷ USD, tăng khoảng 10%; nhập siêu khoảng 5 tỷ USD, chiếm dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16% so với năm 2018; dư nợ tín dụng dự kiến tăng khoảng 15-17%; điều hành chính sách lãi suất và tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường và các cân đối kinh tế vĩ mô; tăng cường dự trữ ngoại hối; đảm bảo tính thanh khoản và an toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng.

Dự báo cán cân thanh toán quốc tế năm 2019 tăng trưởng ổn định và cán cân tổng thể dự kiến thặng dư khoảng 11 tỷ USD, tương đương với năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giải "thế khó" cho mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO