Giám sát Hải quan tự động: Doanh nghiệp, nhà nước đều lợi

Khắc Lãng - Hoàng Hưng 18/04/2018 17:07

Trước thực trạng thiếu sự kết nối trong quản lý xuất, nhập khẩu tại cảng hàng không…, việc Hải quan Hà Nội đưa quản lý, giám sát hải quan tự động tại cảng hàng không Nội Bài đã mang lại hiệu quả kép.

Theo Tổng cục Hải quan, từ quý II/2017 trở về trước, công tác giám sát hải quan tại các cảng hàng không quốc tế vẫn đang thực hiện nửa thủ công, nửa điện tử. Vì vậy, việc tiếp nhận bản khai hàng hóa trong bộ hồ sơ hải quan giấy đối với tàu bay đang thực hiện thủ công, chưa quản lý được chính xác hàng hóa tồn kho ở các cảng, kho, bãi…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Lỗ hổng trong quản lý, giám sát

Tại Hội nghị đánh giá sự kết nối hệ thống giữa các cơ quan nhà nước và công ty kinh doanh kho bãi ở hàng không vừa qua, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, việc quản lý, giám sát hàng hoá còn thiếu chặt chẽ, các doanh nghiệp làm thủ tục nộp các chứng từ theo cách thủ công nên chậm, không chuẩn xác và mất thời gian. Đặc biệt, đối với hàng hóa vận chuyển độc lập chưa được kiểm soát chặt chẽ, có nhiều kẽ hở và dễ bị lợi dụng.

Đồng với qua điểm trên, đại diện Cục Hải quan TP.Hà Nội cho biết, thực tế, nhiều vụ vi phạm về buôn lậu ngà voi, thuốc lá… là các lô hàng không có trong danh sách vận đơn. Các đối tác hàng không cũng không chịu trách nhiệm về vấn đề này. Ngoài ra, hiện tại các cảng hàng không cũng chưa phát hiện các lô hàng quá hạn làm thủ tục, mà hầu như các hàng quá hạn này đều có vấn đề. 9 tháng năm 2017, tại sân bay Nội Bài – Hà Nội phát hiện 250 lô hàng quá hạn mà không có cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào nhận.

Mặt khác, việc quản lý hàng hóa trong kho cũng còn bất cập, tồn kho bao nhiêu không biết, phải dựa vào doanh nghiệp kinh doanh hàng không…

Là doanh nghiệp xuất nhập khẩu lĩnh vực may mặc, sản phẩm nông nghiệp, bà Ninh Thị Ty - Chủ tịch HĐQT Công ty may Hồ Gươm chia sẻ, do sự thiếu liên thông nên việc thông quan xuất, nhập khẩu thường rất mất thời gian làm ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp cũng như chất lượng sản phẩm nông nghiệp…

Đề án quản lý, giám sát hải quan tự động cảng hàng không Nội Bài

Từ sự bất cập trên đòi hỏi cần phải quản lý chặt chẽ hàng hóa từ khi chưa đi vào lãnh thổ Việt Nam cho tới khi đưa vào lưu thông nhằm tạo ra môi trường kết nối liên thông giữa các bên thương mại, tạo sự thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, tránh can thiệp tràn lan. Theo đó, ngày 16/10 Cục Hải quan Hà Nội đã thực hiện thí điểm Đề án quản lý, giám sát hải quan tự động với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài theo Quyết định số 2061/QĐ-BTC ngày 13/10/2017 của Bộ Tài.

Sau gần 6 tháng triển khai, ông Trần Quốc Định - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội cho biết, trước đây không kể thời gian đi lấy hồ sơ thì doanh nghiệp làm thủ tục lấy hàng xong mất trung bình 30 – 60 phút. Nay chỉ cần hàng về đến cảng, cơ quan kinh doanh cảng nhập thông tin hàng về gửi sang hải quan tối đa chỉ từ 3 – 6 phút là hoàn thành thủ tục nhận hàng không phải tiếp xúc với cơ quan hải quan.

“Như vậy lợi mang lại cho doanh nghiệp, cơ quan kinh doanh cảng cũng như chủ hàng là chủ động trong việc đi lấy hàng, biết được thông tin ngay trên hệ thống, thời gian ngắn, không phải mang giấy tờ. Ngoài ra còn giảm được sự phiền nhiễu trong việc tiếp xúc trực tiếp. Đó là những lợi ích đối với doanh nghiệp” - ông Định nói.

Đối với cơ quan kinh doanh cảng, với hệ thống này hoàn toàn chủ động trong việc thông tin đến, gửi hải quan và nhận thông tin, hàng nào được thông quan và hàng nào chưa được thông quan tại cảng. “Điều này sẽ làm hoạt động kinh doanh ở kho hàng nâng cao, đáp ứng được nhu cầu hội nhập thế giới” ông Định chia sẻ.

Cũng theo ông Định, đối với cơ quan hải quan có rất nhiều các lợi ích mang lại. Cụ thể, đa dạng nguồn thông tin về hàng hoá trước khi hàng hạ cánh xuống sân bay. Từ người phát hành vận đơn hãng hàng không, từ cơ quan kinh doanh cảng và thậm chí từ người xuất nhập khẩu. Với 4 nguồn đó có thể đối chiếu để phát hiện những dấu hiệu hàng không đúng theo khai báo, để có thể kiểm tra làm rõ khi cho phép hàng lưu thông.

Ngoài ra, hệ thống này còn cho phép giảm giấy tờ của hải quan khi doanh nghiệp xuất trình làm thủ tục. Sử dụng phương pháp điện tử cũng cho phép sử dụng nhiều kỹ thuật quản lý hải quan hiện đại như quản lý rủi ro như là áp dụng thủ tục điện tử, như thế cũng sẽ giảm được người. Đồng thời, cơ quan hải quan cũng tránh được việc tiếp xúc trực tiếp giữa hải quan và người làm thủ tục xuất nhập khẩu, đồng nghĩa với việc giảm bớt phiền hà, phiền nhiễu ách tắc.

Bên cạnh đó, về cải cách thủ tục hành chính, ông Nguyễn Mạnh Tùng - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Hải quan nhìn nhận, việc quản lý giám sát hàng hóa tại cảng hàng không sẽ đồng bộ với triển khai cơ chế một cửa tại cảng.

Theo đó, các chứng từ thương mại thông qua đường hàng không được các hãng vận tải chuyển cho cơ quan hải quan thông qua cơ chế một cửa hàng không. Sau đó các chứng từ, hồ sơ lô hàng đi vào dây chuyền kho bãi. Điều này giúp cơ quan quản lý theo dõi một cách thống nhất, nhanh chóng toàn bộ quá trình luân chuyển hàng hóa từ khâu vào đến khâu ra.

“Việc kết nối thông tin giữa hệ thống của doanh nghiệp kinh doanh kho bãi và các cơ quan nhà nước tạo ra dây chuyền thông tin thông suốt, giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian và cơ quan quản lý theo dõi chặt chẽ kịp thời toàn bộ biến động của hàng hóa từ đầu đến cuối. Khi triển khai công nghệ quản lý rủi ro còn góp phần cải cách thủ tục hành chính, chống gian lận thương mại và chống thất thu Ngân sách Nhà nước”, ông Tùng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giám sát Hải quan tự động: Doanh nghiệp, nhà nước đều lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO