Giãn, hoãn thuế: Doanh nghiệp cần có kịch bản dự phòng

Diendandoanhnghiep.vn Việc giãn, hoãn thuế sẽ khiến doanh nghiệp phát sinh nghĩa vụ tài chính dồn cục vào thời điểm cuối năm. Vì vậy, doanh nghiệp cần lường trước dòng tiền chủ động cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tác động từ chính sách

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP với nội dung chủ yếu là gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, cho nhiều đối tượng. Đây được xem như một chính sách hỗ trợ - "liều thuốc tinh thần" giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh.

Doanh nghiệp cần tìm hiểu chính sách và có sự chuẩn bị trước về dòng tiền cũng như các hoạt đôgj kinh doanh của mình để đảm bảo nghĩa vụ thuế

Doanh nghiệp cần tìm hiểu chính sách và có sự chuẩn bị trước về dòng tiền cũng như các hoạt động kinh doanh của mình để đảm bảo nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước hậu giãn, hoãn thuế

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, dự kiến tổng số thuế và tiền thuê đất được gia hạn theo chính sách giãn, hoãn thời hạn nộp thuế là 115.000 tỷ đồng. Đây thực chất là khoản cho vay không tính lãi của Nhà nước đối với doanh nghiệp, cá nhân để có nguồn tài chính phục vụ sản xuất, kinh doanh, gia tăng nguồn lực trong tương lai.

Trước đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã công bố điều tra về tác động của các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng. Trong đó, có 2 nội dung đáng chú ý đó là:

Thứ nhất, về chính sách, tất cả doanh nghiệp đều đánh giá, giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất là dễ dàng nhất trong việc tiếp cận, so với các chính sách khác như vay vốn, lãi suất không đồng, bảo hiểm…

Thứ hai, về độ hữu ích, phần lớn doanh nghiệp cho rằng chính sách giãn, hoãn này tác động hữu ích đối với các hoạt động kinh doanh, phản ánh đúng tính chất, ý nghĩa tạo ra cơ cấu dòng tiền và thêm khả năng cầm cự cho doanh nghiệp trong thời gian tạm ngừng sản xuất kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, Nghị định 52 là Nghị định không có Thông tư, mà có hiệu lực thi hành ngay từ ngày ban hành 19/4/2021. Theo đó, ngành thuế phải triển khai kịp thời các biện pháp tuyên truyền qua các kênh thông tin đại chúng, như phát thanh, truyền hình, hệ thống mạng, website của các cơ quan quản lý Nhà nước, hoặc truyền thông trên mạng xã hội, để làm sao thông tin kịp thời nhất đến người nộp thuế.

Nghị định thiết kế theo hình thức một giấy đề nghị gia hạn nộp thuế sẽ áp dụng cho nhiều mục đích, như áp dụng cho nhiều loại thuế và nhiều khoản thu khác nhau, nộp một kỳ nhưng được áp dụng nhiều kỳ. Nếu người nộp thuế có hoạt động kinh doanh ở nhiều địa bàn, nhiều địa phương khác nhau, nhưng đều có hoạt động thuộc đối tượng được thụ hưởng này, thì ngành thuế có trách nhiệm trao đổi thông tin, quản lý thuế giữa các địa bàn để các cơ quan thuế cập nhật thông tin và xác định người nộp thuế được gia hạn nộp tiền thuế mà người nộp thuế không phải gửi tờ giấy đề nghị đến nhiều cơ quan thuế khác nhau.

Trao đổi với phóng viên, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, trong suốt thời gian dịch bệnh, gần như các nhu cầu sử dụng dịch vụ, du lịch, khách sạn, nhà hàng hàng, trung tâm thương mại,... sụt giảm mạnh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất, nhập khẩu cũng gặp không ít khó khăn khi việc phong tỏa, giãn cách được thắt chặt tại các quốc gia.

Trong bối cảnh khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại lớn không có khả năng nộp thuế đúng hạn nên việc gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh, hộ gia đình của Bộ Tài chính là hợp lý và cần thiết. Bộ Tài chính đã xác định đúng và trúng các đối tượng, ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi COVID-19”, ông Mạc Quốc Anh khẳng định.

Phòng ngừa nguy cơ

Tuy nhiên Nghị định 52 khi được thực thi, doanh nghiệp còn phải lăn tăn điều gì? Trước vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định: Các doanh nghiệp cần xác định rõ, bản chất của Nghị định 52 là không miễn, không cắt thuế, mà là tạm lùi thời gian thực hiện nghĩa vụ, chính sách, nhưng sau đó phải nộp đầy đủ. Từ đó, doanh nghiệp sẽ phòng ngừa việc tính toán sai trong chiến lược kinh doanh của mình.

ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: Diễm Ngọc)

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Ảnh: Diễm Ngọc)

Thực tế là trong thời gian hiện nay, doanh nghiệp cần một luồng tiền mặt để trang trải những chi phí trong việc cầm cự, hoặc hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, nhưng doanh nghiệp lo là sau khi thời hạn giãn, hoãn đã hết, phải nộp nghĩa vụ về tài chính thì gánh nặng tài chính bị cộng dồn. Có nghĩa cuối năm họ nộp một lúc rất nhiều nghĩa vụ tài chính, thậm chí khó khăn lại chồng chất hơn về cuối năm. Chúng ta tin tưởng dịch bệnh được kiểm soát. Nhưng giả sử một kịch bản xấu nhất là dịch bệnh vẫn tiếp tục, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, thì khó khăn của họ sẽ tăng lên rất nhiều lần. Vì thế, có nhiều doanh nghiệp sẽ ngần ngại khi đưa ra quyết định có nên thụ hưởng chính sách này hay không?”, ông Phan Đức Hiếu băn khoăn.

Vị Phó Viện trưởng CIEM cũng chỉ ra, tại Nghị định 52, tạm hoãn 4 chính sách là thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân đối với hộ gia đình và tiền thuê đất, như vậy sẽ có một số vấn đề xảy ra như:

Thứ nhất, về tiền thuê đất, rất nhiều doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần hoặc hằng năm, đối tượng được thụ hưởng nội dung này cũng giảm đi một chút.

Thứ hai, thuế GTGT xảy ra khi có giao dịch thương mại thì mới phát sinh. Nhưng kinh doanh bị đình trệ, thậm chí không phát sinh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì nhiều doanh nghiệp cũng không phát sinh nghĩa vụ thuế.

Thứ ba, điều doanh nghiệp lo ngại nhất là khi họ thực hiện thủ tục hành chính, trong nguyên tắc doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về tính trung thực chính sách về mặt đối tượng. Tuy nhiên, khi họ nộp thủ tục theo Nghị định 52, cơ quan Thuế chấp nhận đề nghị gia hạn, nhưng giả sử sau này, doanh nghiệp có bị sai về đối tượng, hoặc bị sai về các vấn đề về thuế, thì theo nguyên tắc, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm và nếu sai lại bị thanh tra và bị truy thu thuế.

Một vấn đề đang chú ý nữa đó là, khi đã nộp đề nghị gia hạn thuế thì đề nghị này có giá trị pháp lý như thế nào? Doanh nghiệp lo rằng, nếu được hưởng chính sách này, sau đó cơ quan thuế lại thanh tra, nhỡ có một sai sót gì trong việc thực hiện thủ tục mà bị nộp phạt thuế, hoặc bị truy thu thuế thuế thì càng khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Phan Đức Hiếu phân tích.

Chia sẻ với những băn khoăn này của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định, việc giãn thuế sẽ khiến doanh nghiệp phát sinh nghĩa vụ tài chính bị dồn cục vào thời điểm cuối năm. Nhưng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp phải lường trước được, phải chuẩn bị dòng tiền để thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Nghị định 52 đã có thiết kế để giãn cách thời hạn thanh toán, không để dồn cục tất cả vào tháng 12. Ví dụ thuế GTGT của tháng 3 sẽ được gia hạn 5 tháng, thì tháng 9 sẽ phải nộp thuế, thuế GTGT tháng 4 thì tháng 10 nộp thuế… chứ không phải tất cả nộp trong tháng 12. Hoặc như tiền thuê đất, nếu tiền thuê đất đợt một phải nộp vào NSNN vào ngày 31/5 thì được thiết kế là gia hạn 6 tháng, có nghĩa đến 31/11 mới phải đóng. Chúng ta thấy được sự giảm tải tập trung thanh toán tại một thời điểm, giúp người nộp thuế chủ động hơn.

Về tính pháp lý của giấy đăng ký gia hạn nộp thuế, cơ quan thuế luôn tuân theo nguyên tắc người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm. Không ai ngoài người nộp thuế biết hộ đang sản xuất, kinh doanh ngành hàng nào, có thuộc nhóm được Nhà nước cho phép gia hạn không?

Đồng thời, tại Nghị định 52 cũng thiết kế danh mục ngành hàng mà người nộp thuế sẽ tự soi vào đấy để xác định mình thuộc ô nào và tự tích vào đấy. Nếu họ không thuộc các ô đấy thì họ không được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế. Cơ quan thuế chỉ rà soát, kiểm tra đối chiếu xem người khai thuế có sai sót, nhầm lẫn hay không để nhắc nhở họ soi lại, chứ cơ quan thuế không phủ định việc họ có được gia hạn nộp thuế hay không”, bà Hà cho biết.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Giãn, hoãn thuế: Doanh nghiệp cần có kịch bản dự phòng tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711639596 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711639596 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10