Nội dung hấp dẫn nhất của Chương trình phát động khởi nghiệp Thái Bình đó là phần giao lưu giữa các diễn giả với sinh viên.
Trong suốt 3 tiếng đồng hồ của Chương trình, phần lớn thời lượng ấy dành cho cuộc giao lưu giữa các diễn giả là các chuyên gia, các nhà doanh nghiệp với các bạn sinh viên. Mục đích buổi giao lưu là tạo cơ hội “truyền lửa” tinh thần khởi nghiệp, “trao tặng” kinh nghiệm lập nghiệp từ các chuyên gia, các doanh nhân thành đạt cho các bạn trẻ - sinh viên.
Vốn không chỉ là...tiền
Mở màn phần giao lưu, em Trần Phương Thảo – Sinh viên trường ĐH Y dược Thái Bình đã có những câu hỏi về khởi nghiệp được doanh nhân và các diễn giả đánh giá cao. “Thanh niên muốn khởi nghiệp thì cần trang bị cho mình những hành trang như thế nào?Hiện nay, rất nhiều những tập đoàn lớn phát triển nhờ những quy trình chuyên nghiệp. Tuy nhiên, có những quy trình chuyên nghiệp sẽ “giết chết” sáng tạo. Doanh nhân khởi nghiệp cần làm gì để cân bằng những điều đó? Có một định nghĩa nào dành cho khởi nghiệp, khởi nghiệp có chỉ dành riêng cho những nhóm ngành kinh tế không? Khởi nghiệp thay vì học đúng chuyên ngành, làm theo đúng chuyên ngành của mình cái nào sẽ tốt cho tương lai của thanh niên – sinh viên hơn?
Ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT công ty CP Kankyo VN - cố vấn chương trình Khởi nghiệp quốc gia, chuyên gia Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Chương trình IPP - Phần Lan cho rằng, mỗi người phải trang bị cho mình hành trang của riêng mình bằng khả năng. Về khởi nghiệp, khi tham gia, câu hỏi đầu tiên của các các bạn sẽ là nguồn vốn, nhưng các bạn phải hiểu rõ vốn ở đây không phải là tiền.
Nguồn vốn ở đây gồm 4 yếu tố. Thứ nhất, là có một phần tài chính. Thứ hai, đó chính là nguồn vốn về kiến thức, mà nó quan trọng hơn với các bạn bây giờ. Các bạn chưa có, các bạn đang học lĩnh vực nào hãy bổ sung các kiến thức về lĩnh vực đó để sau này chúng ta khởi nghiệp trong lĩnh vực đó, chúng ta biết về nó, hiểu về nó. Thứ ba là uy tín. Có thể đây là nguồn vốn rất xa vời. Cá nhân tôi đã tham gia hỗ trợ hàng trăm dự án khởi nghiệp, tôi nhận thấy một điều là nguồn vốn uy tín đang là một điểm khuyết của sinh viên Việt Nam. Các bạn hãy xây dựng nguồn vốn uy tín của các bạn, đừng chờ khi thành danh rồi mới xây dựng. Thứ tư là nguồn vốn quan hệ. Thông qua quan hệ chúng tôi có rất nhiều thứ. Các bạn hãy xây dựng cho mình những mối quan hệ ngay từ bây giờ bằng cách ở mức độ nào chúng ta sẽ xây dựng những mối quan hệ ở mức độ đó, dần dần mối quan hệ đó ngày ngày càng lớn lên thông qua uy tín cá nhân.
Thực tế chúng ta không biết được rằng, 3 nguồn vốn còn lại: Kiến thức, uy tín, quan hệ sẽ tạo ra nguồn vốn đầu tiên là tiền. Nếu các bạn xây dựng được cho mình 3 nguồn vốn trên thì tiền sẽ tự đến với các bạn. Các bạn cần phải hiểu tin – tín các bạn sẽ có tiền.
“Tôi khuyên các bạn, ở thời điểm bay giờ các bạn phải mau – máu – may, không thể làm từng bước từng bước dè dặt như ngày xưa nữa mà phải làm ngay, thất bại làm lại, liên tục thay đổi, phải ra thị trường hỏi khách hàng, tìm hiểu xem nhu cầu thực sự của khách hàng là gì, sai quay lại sửa. Phải máu lửa và phải có một chút may mắn nữa” – ông Trung nói.
Để khởi nghiệp thanh niên, các bạn trẻ phải trang bị cho mình những hành trang gì? ông Đinh Trọng Nguyên - Giám đốc Cty TNHH Sơn ô tô Vạn Lợi - Phó chủ tịch CLB CEO Hà Nội cho rằng, mỗi con người đều phải nhận thức đúng về bản thân, mở rộng quan hệ, hợp tác dẫn đến thành công.
“Hãy sống theo thực tiễn, việc đầu tiên chúng ta phải lập kế hoạch cho chính bản thân mình, cho cuộc đời mình, chúng ta phải xây dựng chữ tín và hướng tới sự mình bạch ngay từ thời điểm ngồi trên ghế nhà trường. Nhiệm vụ của các bạn thanh niên – sinh viên hiện nay phải nâng cao kiến thức cho chính bản thân chúng ta. Làm thế nào để chúng ta vừa học vừa khởi nghiệp hoặc học xong rồi mới khởi nghiệp để thành công được chứ không phải làm cho các doanh nghiệp mà bạn tham gia vào họ thất vọng vì các bạn có bằng cấp nhưng trình độ thực tế không có. Tôi khuyên các bạn, cái hành trang đầu tiên mà các bạn cần trang bị cho bản thân mình là các bạn phải nỗ lực học tập, lắng nghe ý kiến.
Đừng đuổi theo những giá trị có sẵn nào đó mà nghĩ rằng khởi nghiệp để kiếm tiền thật nhanh, vừa học hoặc học rất chểnh mảng nhưng đi tham gia những chuỗi giá trị làm đa cấp, đó chưa phải là khởi nghiệp, chưa tạo được hành trang” – ông Nguyên chia sẻ.
Dám nghĩ dám làm
“Hơn 30 năm về trước, lúc đó tôi bước vào khởi nghiệp và cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra, rất mông lung, lo sợ mình có thành công hay không. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ thành mình có thể trở thành một doanh nhân thành đạt như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình lại trở thành đại biểu quốc hội. Nhưng do cái quyết tâm cao, cái vượt khó vươn lên tôi đã đạt được những mục tiêu mà tôi đặt ra”– ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Bình chia sẻ.
Để đạt được những mục tiêu đặt ra, sau này tôi có tổng kết rằng: Đừng cho rằng “không thể”, cái gì cũng “có thể” nếu chúng ta có quyết tâm. Có có khát vọng, có vươn lên, dám nghĩ dám làm chúng ta đều có thể thành công.
Hành trang là do các bạn tạo ra. Các bạn đừng sợ khi thấy người ta lớn, thấy người ta giàu, thấy người ta mạnh. Mình không ra được trước gió, không ra được biển lớn thì không bao giờ các bạn thành công. Các bạn cứ mạnh dạn làm, quyết tâm làm và tất nhiên không tránh khỏi những lúc gặp khó khăn. Nhưng nếu như các bạn rút kinh nghiệm, các bạn nghiên cứu, các bạn quyết tâm giống như những người ca sĩ không chuyên, họ hát không hay, họ sẵn sàng hát lại.
Các bạn hãy lưu ý, khi các bạn lập nghiệp thì chúng ta hãy nghĩ trong đầu chúng ta làm những gì? Chúng ta phải đặt ra bài toán dân cần bán gì thì ta mua, dân cần mua gì thì ta bán. Làm thế nào để chúng ta tạo ra sản phẩm thì chúng ta phải nghiên cứu, khảo sát đánh giá. Giống như người xưa có dạy chúng ta là nghĩ điều gì mà thiên hạ chưa nghĩ tới, làm những gì mà thiên hạ chưa làm được. Chúng ta lên tạo ra cái mới. Nếu chúng ta cứ bắt chước tạo ra sản phẩm giống của những người đi trước thì chúng ta sẽ thất bại. Chúng ta phải nghĩ ra những cái sáng tạo, chúng ta làm những gì mới, khác hơn, tốt hơn, đẹp hơn, chất lượng hơn thì các bạn sẽ thành công.
Ông Tạ Xuân Tỉnh - Giám đốc công ty tổ chức sự kiện SVT Media chia sẻ, trước khi chọn con đường khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh mới mẻ này tôi là thầy giáo đứng trên bục giảng hơn 5 năm. Những ngày đầu thành lập Công ty tôi gặp vô vàn khó khăn, tất cả phương tiện, con người, tiền bạc đều bằng không. Cái mà tôi có lúc đó là sự đam mê nghề nghiệp, dám nghĩ dám làm, quyết tâm đi theo con đường mình đã chọn. Đúng như câu nói “đồng vốn không khan hiếm, tầm nhìn mới khan hiếm” và tôi đã thành công.
Nếu ngày xưa, tôi học ĐH nhạc họa TW thì tôi phải đi dạy chứ không phải doanh nhân, doanh nghiệp như bây giờ. Khi mà biên chế ngành giáo dục được 1 năm thì tôi đã thành lập Cty ngoài rồi và cứ chân ngoài, chân trong. Các bạn trẻ Thái Bình hãy tìm ra cho mình một niềm đam mê đích thực, một sở thích đích thực của mình để các bạn tiến tới con đường lập nghiệp, lập thân.
Khởi nghiệp từ khi là sinh viên
Rất nhiều bạn trẻ phân vân với câu hỏi “Có nên khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên?” ông Tỉnh cho biết, hiện Cty của anh có rất nhiều bạn sinh viên Thái Bình đã cộng tác với Cty SVT media trong các chương trình nghệ thuật. Và Cty của anh vẫn đang tiếp tục tuyển dụng, có nhiều mảng để các bạn sinh viên có thể vừa học vừa làm. Điều đó giúp ích rất nhiều cho các bạn sinh viên trong công cuộc khởi nghiệp sau này. Các em hãy cho mình 1 ý tưởng, anh sẽ chắp cánh cho các em thành công.
Cùng với câu hỏi này, ông Nguyễn Tiến Trung - Chủ tịch HĐQT công ty CP Kankyo VN nhấn mạnh, chẳng có thời điểm nào gọi là thích hợp cho việc khởi nghiệp, nó có thể là bất kỳ lúc nào, nó phụ thuộc vào mỗi con người, mỗi một bạn thanh niên. Có những bạn mới có 11 tuổi đã có thể kiếm cho mình tiền triệu, bạn ấy đã khởi nghiệp từ những năm bạn ấy 7 – 8 tuổi. Hay có những người họ khởi nghiệp khi đã là một ông già tuổi 60. Chúng ta cứ chờ đợi tuổi nào mới là tuổi phù hợp để khởi nghiệp thì chúng ta không biết chờ đến khi nào mới khởi nghiệp được.
Có thể bạn quan tâm |
“Các bạn hãy bắt đầu từ những cái rất nhỏ thôi, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường thì các bạn hãy đi làm thêm đi và đừng làm thêm vì tiền. Các bạn làm thêm các bạn sẽ có thêm được ít tiền nhưng những điều khác là kinh nghiệm, kiến thức, quan hệ, va vấp xã hội, nhận thức của các bạn sẽ giúp các bạn khởi nghiệp sau này vững tin hơn. Bản thân tôi khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi cũng đi làm thêm bắt đầu từ cuối năm nhất và không nề hà bất kỳ một công việc gì cả. Thay vì việc cứ chúi đầu vào chơi game, café tán gẫu với các bạn thì hãy đi làm đi. Các bạn hãy bắt đầu đi, bắt đầu từ cái nhỏ sau đó lớn dần lớn dần sẽ thành lớn chứ còn cứ chờ bao giờ đến thời điểm thích hợp để khởi nghiệp thì không bao giờ chúng ta khởi nghiệp được”, ông Trung chia sẻ.
Tại chương trình giao lưu, Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội khóa 14, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam có đôi điều chia sẻ với các bạn sinh viên về khởi nghiệp của các doanh nhân ngày xưa.
Ông cho rằng, trong bối cảnh đất nước ta lúc bấy giờ, người Việt Nam muốn làm giàu bị chèn ép. Lúc đó, động lực chính của các cụ là tinh thần dân tộc. Khởi nghiệp của thế hệ ngày xưa bắt đầu chỉ là học hỏi để làm theo bằng quyết tâm, bằng đạo đức. Nói như Cụ Lương Văn Can - ông tổ của làm giàu: "Ai cũng cần của cải, nhưng của cải phải trong sáng, phải được làm ra một cách trung thực. Của cải đã trong sáng rồi thì phải được sử dụng một cách hợp lý, tiết kiệm". Đó không những là đạo đức chung cho tất cả mọi người mà còn là “đạo làm giàu" của doanh nhân, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Với câu hỏi có nên khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường không? Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, chính các thầy cô trong trường sẽ trả lời cho các bạn sinh viên câu hỏi đó. Bởi nhà trường cũng phải là một hệ nằm trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
"Chúng ta có những hiện tượng như: Bill Gates chưa học xong đại học, một ông Thủ tướng nước Áo vẫn chưa học xong đại học… Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta coi thường đại học. Sự tín nhiệm không phải ở bằng cấp. Mặc dù bằng cấp là chuẩn mực rất cần cho xã hội hiện đại. Vì thế các bạn hãy phát huy hết năng lực của mình và nhà trường hãy tạo ra môi trường sinh thái để các bạn sinh viên phát huy được tối đa năng lực ấy. Chúng ta sẽ có một đội ngũ thế hệ trẻ có năng lực rất mạnh mẽ trong công cuộc khởi nghiệp này" - ông Dương Trung Quốc nhìn nhận và nhấn mạnh: "Khởi nghiệp không chỉ với tuổi trẻ, khởi nghiệp với mọi lứa tuổi. Nhưng chúng ta phải nhận thức được rằng công cuộc khởi nghiệp đó mang lại cái gì cho chúng ta và cho xã hội. Nếu chúng ta có một sinh thái khởi nghiệp thì môi trường lành mạnh sẽ thúc mầm trở thành những cây cường tráng. Các bạn thanh niên, sinh viên hãy phấn đầu tạo cho mình một lẽ sống, một lối sống, một phương thức sống làm cho mình, làm ra những sản phẩm trở thành những cái cần của xã hội".
Ông Dương Trung Quốc đưa ra lời khuyên, thời điểm hiện tại, các bạn sinh viên, thanh niên nên trang bị cho mình ngoại ngữ tốt, kỹ năng khai thác tối đa thế giới mạng mà bạn đang sống thì bạn sẽ có trong tay những chiếc gậy thần kỳ. Ngày hôm nay các bạn đang ở thời đại mới, thời đại thay đổi về chất so với thời đại cũ, các bạn có thể học ở khắp nơi. Nếu các bạn bỏ qua, các bạn sẽ trở thành những người lạc hậu. "Nói về trải nghiệm của tôi, ngoại ngữ của tôi rất kém đó là cái ân hận nhất mà ngày hôm nay ở độ tuổi ngoài 70 tôi phải tự kiểm điểm mình, vì tự đánh mất cái năng lực đáng lẽ ra mình cần có" - ông Dương Trung Quốc chia sẻ.
Dù phần lớn thời gian của chương trình phát động Khởi nghiệp Thái Bình dành cho hoạt động giao lưu. Tuy nhiên, ngần ấy thời gian còn quá ít để các chuyên gia, các doanh nghiệp tư vấn, chia sẻ những kinh nghiệp thực tiễn bản thân đến các bạn trẻ sinh viên. Tuy nhiên, những hoạt động tiếp theo của chương trình Khởi nghiệp Thái Bình sẽ là hành trang để các bạn trẻ tự tin bước trên đường lập nghiệp.