Giới đầu tư kỳ vọng gì ở cổ phiếu "vua" trong năm 2018?

Dương Thuỳ 09/02/2018 08:27

Trong năm 2017, giá cổ phiếu ngành ngân hàng chịu nhiều ảnh hưởng từ thông tin thị trường, có sức lan tỏa nên được đặc biệt chú ý so với các lĩnh vực khác, đây là nhóm cổ phiếu "vua" có sức hút với nhà đầu tư. Vậy giá cổ phiếu "vua" trong năm 2018 thế nào?

Cổ phiếu ngân hàng có tiếp tục hút các nhà đầu tư?

Cổ phiếu ngân hàng có tiếp tục hút các nhà đầu tư?

Trong năm 2017, thị trường chứng khoán có nhiều khởi sắc. Đóng góp cho tăng trưởng này có “công lao” không nhỏ của các cổ phiếu ngành ngân hàng khi liên tục tăng trưởng mạnh. Theo các chuyên gia, diễn biến cổ phiếu ngành này có sức tăng như vậy là hợp lý khi hoạt động ngành ngân hàng có nhiều khởi sắc.

Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ghi nhận, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng thương mại tăng lên trên 40%, thanh khoản dồi dào, tỷ giá và lãi suất ổn định, tổng tài sản hệ thống ước tăng 17,2% so với cuối năm 2016, tín dụng tăng trưởng mạnh, nợ xấu được xử lý và đã có cơ chế xử lý tích cực…

Tuy nhiên, nói là “cổ phiếu vua”, nhưng thị giá cao nhất lại không thuộc về các cổ phiếu ngành ngân hàng. Hiện nay, cổ phiếu có giá cao nhất thuộc về các DN ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo như: VNM giá 197.000 đồng/cổ phiếu, SAB giá 225.000 đồng/cổ phiếu… Hơn nữa, đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng đang có xu hướng chậm lại so với các lĩnh vực khác. Thậm chí, nhiều cổ phiếu của các ngân hàng vẫn đang được giao dịch dưới mệnh giá, trong đó có KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long giá 9.900 đồng/cổ phiếu, SHB là 9.200 đồng/cổ phiếu; NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân 7.500 đồng/cổ phiếu.

Dù vị thế “cổ phiếu vua” của ngành ngân hàng không cao, nhưng nhận định về cổ phiếu này trong năm 2018, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, mặc dù các ngân hàng còn vướng nhiều rủi ro về thể chế quản lý và nợ xấu tồn đọng, nhưng trong năm qua, các ngân hàng đã rút ra nhiều bài học quản trị và đã có thời gian để dự phòng rủi ro nợ xấu.

Thống kê chung các cổ phiếu ngành ngân hàng cho thấy, năm qua, mức tăng thu từ lãi và các khoản tương tự của ngân hàng ở mức trên 20%, trong khi mức tăng trưởng tín dụng dao động quanh mức 17%. Đồng thời, mức thu nhập ròng từ khoản này lại ở khoảng 30%. Thu nhập ròng tăng mạnh hơn mức tăng trưởng tín dụng giúp các ngân hàng tăng mạnh lợi nhuận, nhưng theo các chuyên gia ngành tài chính, ngân hàng, yếu tố này sẽ khó duy trì được trong dài hạn.

Đặc biệt, việc chi phí hạch toán dự phòng rủi ro tín dụng các ngân hàng thương mại sụt giảm mạnh trong năm 2017, một phần đến từ hoàn nhập dự phòng, một phần do một số ngân hàng đã hoàn tất trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Trong năm qua, một số ngân hàng như: Vietcombank, Techcombank, MB… đã tất toán xong trái phiếu VAMC. Đây là lý do giúp chi phí trích lập dự phòng nợ xấu của các ngân hàng này giảm mạnh, dù tín dụng tăng và tỷ lệ nợ xấu không thay đổi quá lớn.

Không chỉ giảm mạnh chi phí trích lập dự phòng do yếu tố hoàn tất xử lý nợ xấu, trong năm 2017, việc thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản hồi phục mạnh cũng giúp các ngân hàng thu về nhiều các khoản hoàn nhập dự phòng. Tại một số ngân hàng, chỉ tính riêng năm 2017, hoàn nhập dự phòng do yếu tố xử lý được các khoản nợ đã trích lập trước đó và hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư cổ phiếu cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, sang năm 2018, các khoản này có thể sẽ khó duy trì, hay nói khác đi, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận năm 2018 của các ngân hàng sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng tăng trưởng tín dụng, kiểm soát nợ xấu và tăng các hoạt động dịch vụ. Nếu không cải thiện các yếu tố này, ngành ngân hàng sẽ khó duy trì được mức tăng lợi nhuận như năm 2017, thậm chí có thể tính đến yếu tố đi ngang.

Theo NHNN hiện số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng rất lớn. Do đó, nếu trong năm 2018, các dự án đầu tư công được giải ngân, thì chỉ khoảng 3 tháng sau, dòng tiền này sẽ quay trở lại ngân hàng, đồng thời với việc tạo ra một dư địa tăng trưởng tín dụng mạnh cho các ngân hàng thương mại. Đây sẽ là yếu tố giúp tăng lợi nhuận từ hoạt động chính của ngân hàng được cải thiện.

Yếu tố thứ hai có thể giúp các ngân hàng thương mại tăng lợi nhuận chính là sự phát triển của nền kinh tế và mảng tài chính tiêu dùng, dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong năm 2018. Đây cũng chính là dư địa để cổ phiếu vua tăng trưởng...

Theo đó, cùng với việc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, lành mạnh hóa ngân hàng theo hệ thống Basell II, cổ phiếu của một số định chế ngân hàng sẽ trở nên hấp dẫn. Trong khi đó, cổ phiếu các ngành công nghiệp chế biến chế tạo hướng đến xuất khẩu; dịch vụ, bất động sản... dù có thể phát triển nhưng khó có được đột phá như năm 2017.

Nhìn chung, với những kết quả tích cực của toàn hệ thống ngân hàng, giới đầu tư vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào nhóm cổ phiếu ngành này. Tất nhiên, kết quả ra sao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới sẽ có nhiều tác động. Vì thế, giới đầu tư vẫn kỳ vọng trong năm 2018, cổ phiếu ngân hàng vẫn tiếp tục là nhóm cổ phiếu "vua" dẫn dắt thị trường...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Giới đầu tư kỳ vọng gì ở cổ phiếu "vua" trong năm 2018?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO