Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam từ góc nhìn văn hoá

Diendandoanhnghiep.vn Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

>> Giáo dục nhân cách trong gia đình doanh nhân

>> Nhận diện các giá trị cốt lõi trong thời kỳ mới

Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Hệ giá trị gia đình là những truyền thống, phẩm chất tốt đẹp được các gia đình kiến tạo, vun đắp trong quá trình lịch sử phát triển.

Gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt, được hình thành, duy trì và củng cố chủ yếu dựa trên cơ sở hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng, cùng với những quy định về quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình.

Với chức năng tái sản xuất ra con người mang tính đặc thù, không cộng đồng nào có thể thay thế được, gia đình là nơi đáp ứng nhu cầu tâm, sinh lý tự nhiên của con người, đáp ứng nhu cầu duy trì nòi giống của gia đình, dòng họ và  đáp ứng nhu cầu về sức lao động và duy trì sự trường tồn của xã hội; với chức năng nuôi dưỡng, dạy dỗ, gia đình là nơi thể hiện tình cảm thiêng liêng, trách nhiệm của cha mẹ với con cái và trách nhiệm với xã hội. Thực hiện chức năng này, gia đình có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của mỗi người; với chức năng kinh tế và tổ chức tiêu dùng, gia đình đảm bảo nguồn sinh sống, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của các thành viên trong gia đình, đồng thời đóng góp vào quá trình sản xuất và tái sản xuất ra của cải, sự giàu có của xã hội; với chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý, duy trì tình cảm gia đình, gia đình thỏa mãn nhu cầu tình cảm, văn hóa, tinh thần cho các thành viên.

Do vậy, gia đình là chỗ dựa tình cảm cho mỗi cá nhân, là nơi nương tựa về mặt tinh thần và vật chất của con người. Ngoài những chức năng trên, gia đình còn có chức năng văn hóa, chính trị. Với chức năng văn hóa, gia đình là nơi lưu giữ truyền thống văn hóa của dân tộc cũng như tộc người bao gồm phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, đồng thời gia đình cũng là nơi sáng tạo và thụ hưởng những giá trị văn hóa của xã hội; với chức năng chính trị, gia đình là một tổ chức chính trị của xã hội, là nơi tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước và quy chế (hương ước) của làng xã và hưởng lợi từ hệ thống pháp luật, chính sách và quy chế đó.

Gia đình có vị trí quan trọng, vai trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của xã hội, là tế bào của xã hội- là tổ ấm, mang lại các giá trị hạnh phúc, sự hài hòa trong đời sống cá nhân của mỗi thành viên và là cầu nối giữa cá nhân với xã hội. Gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mỗi con người, từ cái nôi gia đình, mỗi cá nhân được trao truyền những tri thức văn hóa, những bài học đầu tiên về đạo lý làm người.

Từ quan hệ ứng xử, hành xử của thành viên trong gia đình, nề nếp, gia phong gia đình được hình thành, phát triển trong quá trình xây dựng, tiếp thu chọn lọc và được thực hành, trao truyền từ đời này qua đời khác, được quy định trong gia phả, quy ước, hương ước tạo nên mạch nguồn văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ, tạo nên giá trị gia đình, hệ giá trị gia đình – phản ảnh hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc, hệ giá trị văn hóa Việt Nam.

Những giá trị gia đình đã được nhận diện, đúc kết, được Đảng ta nhấn mạnh trong Văn kiện Đảng toàn tập: “Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước”.

Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình trong tình hình mới

Cùng với sự phát triển của xã hội, cấu trúc, chức năng và hệ giá trị của gia đình cũng có sự biến đổi để thích ứng. Tuy nhiên, chức năng cơ bản và những giá trị tốt đẹp của gia đình từ truyền thống vẫn được gìn giữ, phát huy, bổ sung những giá trị mới của thời đại. Nếu trước đây các thành viên trong gia đình ứng xử, giao tiếp chủ yếu theo chuẩn mực đạo đức, quy ước cộng đồng thì hiện nay thực hiện quyền, trách nhiệm quy định trong hệ thống các văn bản pháp luật như Luật Hôn nhân và gia đình (2000), Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em (2016), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2007, sửa đổi ban hành năm 2022) và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hệ thống chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về gia đình tiếp tục được xây dựng, ngày càng hoàn thiện, được cụ thể hóa và được tích cực triển khai trong cuộc sống nhằm đảm bảo những điều kiện tốt nhất để mọi gia đình đều được tôn trọng, bình đẳng, đều có cơ hội phát triển. Hằng năm, cứ đến ngày Gia đình Việt Nam 28/6, nhiều hoạt động được cơ quan ban ngành, đoàn thể, cộng đồng xã hội và các gia đình hưởng ứng, tổ chức nhằm đề cao giá trị gia đình, lan tỏa những nét đẹp trong văn hóa gia đình cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

>> Hệ giá trị gia đình Việt Nam

>> Giáo dục nhân cách con người: Bắt đầu từ cha mẹ

Những thông điệp giản dị nhưng thiết thực trong việc gắn kết gia đình được truyền đi, tác động mạnh mẽ tới cộng đồng xã hội, cộng đồng dòng họ, các thành viên trong gia đình như “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, “Gia đình-nơi của yêu thương và chia sẻ”, “Tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình”, “Hãy để tình yêu thương sưởi ấm ngôi nhà bạn”… Nhiều phong trào thi đua được triển khai thực hiện, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân về vai trò, vị trí của gia đình.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển của internet, mạng xã hội đã mang lại nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để mỗi thành viên trong gia đình nâng cao năng lực hiểu biết, khả năng tiếp cận với những thông tin, tri thức mới. Qua giao lưu, hội nhập, nhiều giá trị văn hóa mới đến từ các nước tiên tiến cũng được các gia đình tiếp thu, vận dụng, như các giá trị về quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử; quyền bảo vệ trẻ em; quyền tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, tinh thần thượng tôn pháp luật; vận dụng khoa học, kỹ thuật vào lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; từng bước loại bỏ những tư tưởng lạc hậu, kìm hãm sự phát triển; đồng thời những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam cũng được quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế, tạo được ấn tượng, cảm xúc đẹp đối với du khách về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực thì việc gìn giữ, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay cũng đứng trước những khó khăn, thách thức. Những yếu tố tiêu cực như xu hướng đề cao chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội... hiện đang tác động mạnh mẽ đến gia đình cả trên phương diện cấu trúc cũng như những mối quan hệ nội tại trong gia đình, từ đó dẫn tới các mối quan hệ trong gia đình lỏng lẻo, ứng xử đạo đức trong gia đình bị xem nhẹ, ảnh hưởng đến xây dựng và duy trì hạnh phúc gia đình.

Chức năng giáo dục (một trong 4 chức năng cơ bản của gia đình) chưa được quan tâm đúng mức, giá trị đạo đức, ứng xử trong gia đình không được thường xuyên duy trì, rèn dũa, mối quan hệ giữa các thành viên của nhiều gia đình không có sự kết nối yêu thương, tôn trọng, bình đẳng, thông cảm, sẻ chia dẫn đến mâu thuẫn, những hành vi ứng xử lệch lạc, vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật, gia đình tan vỡ. Những số liệu cho thấy tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên đã từng kết hôn là 77,5%, dân số đang có vợ, chồng chiếm 69,2%; dân số đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1% (Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019); tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam có xu hướng tăng trong 10 năm trở lại đây (Năm 2009: 1%, năm 2019: 1,8%), đa số do phụ nữ đứng đơn (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2020).

Bạo lực gia đình diễn biến phức tạp tác động nguy hại đến đời sống gia đình là nguyên nhân trực tiếp làm tan vỡ gia đình, phản ánh sự xuống cấp nghiêm trọng của những giá trị đạo đức trong gia đình. Tổng hợp báo cáo số liệu về vụ bạo lực gia đình từ các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Văn hóa và Thể thao từ năm 2009 đến 2017: Tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện, tổng hợp báo cáo là 292.268 vụ, tính trung bình mỗi năm tổng hợp được 36.534 vụ bạo lực.

Thực trạng này đặt ra nhiệm vụ xây dựng, phát triển gia đình cần được quan tâm, giải quyết trên nhiều phương diện: kinh tế, văn hóa xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn cho gia đình. Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 đặt ra mục tiêu “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước”.

Về tổng thể, mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc đã xác định bao quát toàn diện những giá trị gia đình cần kế thừa, tiếp tục phát triển phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới của đất nước. Đồng thời nhấn mạnh những giá trị gia đình từ góc độ văn hóa. Chính vì vậy, trong Chiến lược phát triển gia đình, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nhiệm vụ “nghiên cứu, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, thích ứng với thiên tai, dịch bệnh, nâng cao khả năng tự ứng phó của gia đình nhằm hạn chế, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội”.

Việc tập trung nghiên cứu xây dựng, triển khai hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới sẽ được tiến hành trong thời gian từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, hệ giá trị gia đình với các tiêu chí, tiêu chuẩn đã được nhận diện, xác lập, thực hành và lan tỏa trong xã hội thời gian qua vẫn đang được khẳng định và biểu hiện sinh động qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng văn hóa doanh nhân và thông qua nhiều hoạt động xã hội khác.

Từ góc độ văn hóa, hệ giá trị gia đình là các giá trị về ứng xử văn hóa của các thành viên trong mỗi gia đình theo tiêu chí: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Việc triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành năm 2022 tiếp tục lan tỏa các giá trị gia đình trong cuộc sống để các gia đình, thành viên trong mỗi gia đình là chủ thể tích cực thực hiện, lưu giữ, trao truyền trong các thế hệ, góp phần xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình, khơi gợi tình yêu thương, chia sẻ trách nhiệm giữa các thành viên gia đình trong xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, làm nền tảng xây dựng cộng đồng hạnh phúc, quốc gia phồn thịnh, hạnh phúc.

Để giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam cần có sự quan tâm, đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nêu gương vai trò người đứng đầu, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang; nâng cao hiệu quả các chương trình, kế hoạch phối hợp liên ngành từ trung ương đến cơ sở nhằm thống nhất, đồng bộ trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai và thực hiện.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam từ góc nhìn văn hoá tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713991117 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713991117 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10