“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành tỉnh đẩy mạnh xúc tiến mời gọi đầu tư vào Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển, du lịch"
ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết.
Cùng với việc thực hiện Chiến lược biển Việt Nam trên địa bàn Tiền Giang, việc mở hướng cho ngành công nghiệp ở khu vực biển và ven biển khu vực phía Đông của tỉnh đã có những bước tiến quan trọng, tạo tiền đề khai thác tiềm lực kinh tế biển. Trong đó huyện Gò Công Đông trở thành một điểm nhấn.
Vị trí chiến lược
Nhìn rộng hơn, ven biển Gò Công Đông là điểm chia sẻ mang tính chiến lược cho cả Đồng bằng sông Cửu Long. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu vực biển và ven biển Gò Công còn rất nhiều tiềm lực để khai thác, trong đó đáng chú ý là lĩnh vực logistic.
Về vị trí, phía Đông của tỉnh nối liền với huyện Cần Giờ, Cảng Hiệp Phước (TP. HCM) qua sông Soài Rạp, Bà Rịa - Vũng Tàu. Toàn bộ Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có ven biển huyện Gò Công Đông có thể cập tàu có trọng tải từ 50.000 tấn trở lên.
Theo kế hoạch, sông Soài Rạp sẽ tiếp tục được nạo vét, khả năng đón tàu biển lớn đến 70.000 tấn ra vào TP HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ tạo rất nhiều thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu về chi phí và thời gian vận chuyển, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tất nhiên, đó cũng là cơ hội để thu hút các dự án đầu tư vào khu vực này. Trước mắt là thu hút các dự án vào CCN Gia Thuận 1, CCN Gia Thuận 2 và KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp.
Trong đó, CCN Gia Thuận 1, với diện tích 50 ha, đang được đẩy nhanh tiến độ, với các ngành nghề thu hút đầu tư chủ yếu là công nghiệp cơ khí - lắp ráp; sản xuất gỗ; công nghiệp cao su (không chế biến mủ) và các sản phẩm từ plastic; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất vật liệu mới, sợi thủy tinh; sản xuất thiết bị hàng gia dụng (không thu hút ngành thuộc da); công nghiệp chế biến nông - lâm - sản; điện tử - điện lạnh; sản xuất dược phẩm, hóa dược, mỹ phẩm và thiết bị y tế. CCN Gia Thuận 1 được đánh giá là có tuyến giao thông thuận tiện, dễ dàng kết nối với các khu vực lân cận, bởi chỉ cách TP HCM 40 km theo hướng cầu Mỹ Lợi, cách TP Mỹ Tho 50 km, cách trung tâm huyện Gò Công Đông 20 km.
Huyện Gò Công Đông có khoảng 2.000 ha quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ. Chính vì vậy, năm 2019 huyện đặt mục tiêu, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cấu trúc ngành công nghiệp.
Đặc biệt, mới đây, KCN Dịch vụ dầu khí Soài Rạp đã được Chính phủ đồng ý chuyển giao về cho tỉnh Tiền Giang quản lý, khai thác và tiếp tục thu hút các dự án đầu tư trong thời gian tới. Đây là KCN có vị trí đắc địa với tổng diện tích 285 ha. Hiện tại đang hoàn chỉnh việc bàn giao thực địa khu đất để quản lý theo quy định, điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp với tính chất đa ngành nghề và chuẩn bị đầy đủ các tài liệu pháp lý có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư hạ tầng, chuẩn bị mặt bằng để mời gọi các dự án thứ cấp vào Khu công nghiệp.
Đồng bộ hạ tầng
Ngoài vị trí địa lý thuận lợi, một trong những yếu tố được các nhà đầu tư rất quan tâm đến Gò Công Đông đó là kết cấu hạ tầng. Thời gian qua, tỉnh và địa phương đã tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống cung cấp điện, hạ tầng giao thông và thủy lợi, cung cấp nước ngọt đảm bảo quá trình phát triển kinh tế biển và phục vụ sinh hoạt của dân cư ven biển. Cụ thể như: Xây dựng tuyến đường tỉnh 871B kết nối quốc lộ 50 với Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí; đầu tư nâng cấp đê biển Gò Công; xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin hiện đại…
Hiện tại, huyện Gò Công Đông có khoảng 2.000 ha quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ. Chính vì vậy, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang năm 2019 đặt mục tiêu: “Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cấu trúc ngành công nghiệp, Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế. Huyện sẽ tổ chức mời gọi đầu tư và đầu tư phát triển hạ tầng các KCN, CCN theo quy hoạch. Chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực thu hút đầu tư phát triển, triển khai các dự án đầu tư khu vực công nghiệp phía Đông của tỉnh. Trước mắt, triển khai đầu tư và thu hút các dự án vào KCN Soài Rạp, các CCN Gia Thuận 1, Gia Thuận 2, Tổng kho dầu khí, cảng...”
Theo ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, để thực hiện mục tiêu đề ra, định hướng phát triển trong thời gian tới, tỉnh và địa phương sẽ tính toán đầu tư, kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển, bao gồm cả kết cấu hạ tầng cầu cảng và luồng hàng hải. Bên cạnh đó, tỉnh và huyện sẽ phát triển hệ thống đường bộ kết nối với hành lang, vành đai kinh tế phù hợp với quy hoạch phát triển đã được phê duyệt; cải tạo và nâng cấp các tuyến luồng, cảng, bến cảng thủy nội địa phù hợp với quy hoạch, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải trên các tuyến đường thủy nội địa. Đồng thời, tỉnh và địa phương tính toán phương án xây dựng khu bến cảng Gò Công trên sông Soài Rạp, các cảng du lịch dọc sông Tiền, phù hợp với quy hoạch phát triển đã được phê duyệt; từng bước nghiên cứu Đề án Phát triển kinh tế biển Gò Công, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế biển đến năm 2020; tập trung xúc tiến kêu gọi đầu tư khu vực dọc sông Soài Rạp. Đặc biệt, tỉnh và địa phương huy động mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng đô thị thị trấn Vàm Láng để xứng tầm là trung tâm kinh tế biển, giao lưu kinh tế với các vùng phụ cận…
Trong bối cảnh rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến khu vực ven biển của huyện Gò Công Đông, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông Trần Văn Thành cho biết: “Với rất nhiều tiềm năng lợi thế cùng điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông, điện, nước, phù hợp cho phát triển công nghiệp khu vực ven biển, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư trên địa bàn. Chúng tôi cũng tập trung cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng giải phóng mặt bằng, nhằm góp phần thu hút nhiều dự án đầu tư vào khu vực ven biển thuộc huyện Gò Công Đông”.