Gỡ “nút thắt” năng suất

PHAN NAM 21/12/2020 15:00

Một trong những rào cản lớn nhất khiến cho năng suất lao động Việt Nam chưa cao, đó chính là chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo, có kỹ năng và trình độ còn quá thấp.

Xây dựng, áp dụng các hệ thống, công cụ năng suất chất lượng tiên tiến cũng như chuẩn hóa bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia sẽ góp phần nâng cao năng suất và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Việc xây dựng, áp dụng các hệ thống, công cụ năng suất chất lượng tiên tiến không chỉ mang lại hiệu quả tức thì, mà còn tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển bền vững. Minh chứng, sau 10 năm tiếp cận với Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, năng suất lao động của Công ty cổ phần May Nam Hà đã tăng bình quân 15%/năm.

Rào cản tăng năng suất

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết: Việc triển khai các nhiệm vụ của Chương trình đã góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng GDP. Dự kiến TFP đóng góp vào tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 40,5%.

Không những vậy, Chương trình còn góp phần cải thiện xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam. Theo báo cáo Chỉ số GII của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), năm 2019, Việt Nam đạt 38,8 điểm trên thang điểm 100, đứng thứ 42 trên 129 nước; thứ 3 trong khối ASEAN, chỉ sau Singapore và Malaysia; tăng 3 bậc so với năm 2018. Thứ hạng này đã cải thiện 17 bậc so với xếp hạng năm 2016, đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Tuy nhiên một trong những rào cản lớn nhất khiến cho năng suất lao động Việt Nam chưa cao, đó chính là chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo, có kỹ năng và trình độ còn quá thấp.

 Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” góp phần cải thiện xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam

Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” góp phần cải thiện xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam

Chuẩn hoá lao động

Theo số liệu thống kê mà Bộ Kế hoạch - Đầu tư báo cáo gửi Quốc hội hồi tháng cuối năm 2019, năng suất lao động của Việt Nam bằng 7,6% mức năng suất của Singapore; 19,5% của Malaysia; 37,9% của Thái Lan; 45,6% của Indonesia; 56,9% của Philippines, 68,9% của Brunei. So với Myanmar, Việt Nam chỉ bằng 90%. Thậm chí khá bất ngờ khi Việt Nam chỉ bằng 88,7% Lào.

Hiện nay, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước khoảng 55,46 triệu người (chiếm hơn một nửa dân số với tỷ lệ 57,65%). Trong đó, lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37%. Cụ thể, lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82%, cao đẳng chiếm 3,82%, trung cấp chiếm 4,65% và sơ cấp là trên 3,08%. Điều đó đồng nghĩa với việc còn đến 77,63% lao động chưa qua đào tạo (chưa có văn bằng, chứng chỉ), chưa được công nhận trình độ. Nếu không có giải pháp, công cụ hữu hiệu làm giảm nhanh số liệu về tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo xuống sẽ ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả lao động cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của quốc gia.

Theo ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH): Trong số 77,63% người trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo, chưa được công nhận trình độ thì vẫn có một lực lượng lớn đang có việc làm. Chẳng hạn đó là những nghệ nhân, thợ mộc, thợ xây, sơn mài, khắc đá… Họ vẫn là những người tạo ra năng suất, có kỹ năng, có kinh nghiệm làm việc dù chưa được đào tạo qua trường lớp, chỉ là chưa kịp chuẩn hóa được ở hầu hết các nghề và hiện còn thiếu công cụ để đánh giá, công nhận trình độ của họ. Trong khi các nước phát triển chuẩn hóa bằng các bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề hay chuẩn năng lực quốc gia để cho doanh nghiệp cũng có thể tự đào tạo, người lao động tự học, tự rèn luyện theo bộ tiêu chuẩn đó và thực hiện công nhận trình độ kỹ năng, năng lực hành nghề theo khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia.

Được biết, Bộ LĐ-TB-XH phối hợp các bộ, ngành liên quan đã xây dựng, công bố được 193 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 193 nghề và hiện đang tiếp tục xây dựng, công bố cho các nghề còn lại theo danh mục nghề nghiệp. Ngoài ra, để tiến tới việc chuẩn hóa kỹ năng người lao động, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã ban hành dự thảo Thông tư về Danh mục ngành, nghề sử dụng lao động đã qua đào tạo.

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết: Chúng tôi mong muốn lao động Việt Nam dần được chuẩn hóa và muốn doanh nghiệp khi tuyển dụng cũng nên nhắm tới lao động đã qua đào tạo, có kỹ năng. Như vậy mới làm tăng chất lượng, năng suất lao động và thương hiệu của chính doanh nghiệp.

Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng- Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang chủ trì hỗ trợ hàng chục nghìn doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống, công cụ năng suất chất lượng tiên tiến, nâng cao như: Lean, TPM, KPIs, MFCA, LSS...; đồng thời thực hiện hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về áp dụng hệ thống tích hợp, kết hợp với công cụ cải tiến cơ bản cho một số địa phương được chia sẻ, nhân rộng. Các hoạt động quản lý chất lượng, cải tiến chất lượng, tiêu chuẩn hoá và ứng dụng các tiêu chuẩn ngày càng được áp dụng hiệu quả và nhân rộng. Các hệ thống quản lý như ISO 9000, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP đã trở thành các hệ thống quen thuộc với các doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhân rộng mô hình tăng năng suất chất lượng

    Nhân rộng mô hình tăng năng suất chất lượng

    15:00, 04/01/2019

  • Kiến tạo những mặt bằngp/năng suất chất lượng mới

    Kiến tạo những mặt bằng năng suất chất lượng mới

    11:12, 28/12/2018

  • Tăng năng suất chất lượng là tiền đề giúp Việt Nam sớm thành nước có thu nhập trung bình cao

    Tăng năng suất chất lượng là tiền đề giúp Việt Nam sớm thành nước có thu nhập trung bình cao

    09:06, 13/12/2017

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Gỡ “nút thắt” năng suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO