"Có nơi giao tự chủ nhưng không biết tự chủ cái gì, được giao tự chủ nhưng không cho tự chủ, đặc biệt là tự chủ về công tác cán bộ, về tài chính".
Đây là phản ánh của ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), tại phiên giải trình "việc thực hiện chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ đối với bệnh viện công lập" do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức sáng 3/10.
“Làm sao để tháo gỡ, ai có trách nhiệm, khi nào thì tháo gỡ xong? Từ nghị quyết cho thí điểm với 4 bệnh viện đặc biệt, có nên ra nghị quyết đặc biệt để thúc đẩy tự chủ cho bệnh viện tuyến dưới còn nhiều khó khăn? ông Trí đặt vấn đề.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay 100% số bệnh viện, trung tâm y tế huyện đã được giao quyền tự chủ. Tính đến năm 2018, cả nước có 215 bệnh viện đã tự đảm bảo chi thường xuyên. Đối với các bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, đến năm 2018 có 26/45 bệnh viện đã tự chủ chi thường xuyên.
Có thể bạn quan tâm
18:31, 17/09/2019
01:02, 13/08/2019
17:16, 24/05/2019
20:09, 23/04/2019
Để thực hiện tự chủ, nhiều bệnh viện đã vay ngân hàng, mở rộng hợp tác, đầu tư trang thiết bị để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người bệnh, phần lớn các bệnh viện đã không phải nằm ghép. Các bệnh viện tự chủ cũng tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn thu, tăng thu nhập cho cán bộ, bác sỹ, nhân viên. Cơ chế tự chủ đã giúp họ chủ động thuê các chuyên gia, bác sỹ nước ngoài đến từ Mỹ, Pháp, Nga…
“Phục vụ con người là mục tiêu cao nhất. Cái được là chỉ số hài lòng của bệnh nhân. Khảo sát cho thấy mức độ hài lòng người bệnh nội trú hơn 80% đối với các bệnh viện tự chủ, đây là con số vượt cả mong đợi. Cơ chế tự chủ tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị công lập với nhau, tạo động lực để sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, không ỉ lại trông chờ vào ngân sách”, bà Tiến nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận tự chủ còn tồn tại bất cập là chưa làm rõ và giao cụ thể các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao và hoạt động dịch vụ theo yêu cầu để hạn chế việc chạy theo, ưu tiên các hoạt động để tăng nguồn thu. Ngoài ra, còn có tình trạng lạm dụng các dịch vụ, kỹ thuật cao không cần thiết để tăng thu, làm cho người bệnh phải chi phí nhiều hơn. Hay tình trạng chênh lệch thu nhập, chưa có chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là người có trình độ cao về làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế vùng khó khăn.
Trả lời câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Anh Trí “Làm sao chống được tình trạng tư nhân hóa các bệnh viện công?", Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện nay có hai loại ý kiến. Có ý kiến đại biểu nói rằng cần phải quản chặt hơn, tránh tư nhân hóa bệnh viện công, nhưng cũng có ý kiến nói rằng quản chặt quá thì bệnh viện công "thở" thế nào?
"Ví dụ về vấn đề biên chế, hiện nay có tình trạng nhà nước quản về biên chế nên các bệnh viện khi muốn ký hợp đồng tuyển dụng người lao động cũng rất khó. Khi tự chủ, bệnh viện mở thêm dịch vụ, mở thêm phòng bệnh thì cần nhiều nhân lực hơn, nhưng vì đụng đến biên chế nên rất khó", bà Tiến bày tỏ.
Bộ trưởng Tiến đánh giá, nút thắt này cần được tháo gỡ, quyền tự chủ của bệnh viện về nhân lực phải kèm theo cơ chế giá dịch vụ hợp lý. Khi giá được tính đúng, tính đủ, đồng thời với trao quyền về tổ chức, về nhân sự thì các bệnh viện sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện quyền tự chủ.