Đinh Dậu được coi là năm thành công của nền kinh tế Việt Nam với nhiều kỷ lục ở cả tăng trưởng GDP, xuất khẩu, thu ngân sách, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, khách du lịch đến Việt Nam… đều đạt kỷ lục so với nhiều năm qua. Đáng chú ý, Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tình hình kinh tế Việt Nam tháng 1/2018 đạt nhiều kết quả tích cực do bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi.
Cụ thể chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1/2018 ước tính tăng cao ở mức 20,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 23,8%, đóng góp 17,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 15,4%, đóng góp 1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 10,5%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm. D
ự báo của các chuyên gia khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu năm 2018, tạo điều kiện đề thúc đẩy gia tăng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội của các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.
Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, những con số tăng ấn tượng, vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn thách thức lớn đòi hỏi cả chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực nhiều hơn nữa. Thách thức lớn đối với Việt Nam năm 2018 liên quan đến những vấn đề rất cơ bản của nền kinh tế. Trước hết là các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, trong năm 2018 các mặt hàng nhập khẩu có thuế xuất xuống còn 0% -5%. Như vậy có nghĩa thị trường trong nước sẽ không còn là thị trường riêng của doanh nghiệp Việt.
Tình hình trên đây sẽ dẫn đến các cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà doanh nghiệp trong nước phải đối mặt. Ngoài ra, giá điện sẽ tăng, giá vận tải, phí BOT cũng đang rất cao. Chi phí về vận tải, kho bãi ở các nước chỉ chiếm khoảng 12% GDP, trong khi đó tại nước ta chi phí này chiếm đến 27% GDP.
Như vậy, rõ ràng các doanh nghiệp trong nước đang phải trả cho các chi phí trên một khoản tiền khá lớn. Khi thuế nhập khẩu sẽ giảm xuống, khoản thu ngân sách từ thuế sẽ giảm theo rất nhiều. Bộ Tài chính đã trình 5 dự luật, trong đó có tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp... Trong đó, thuế thu nhập cá nhân được điều chỉnh từ 5 triệu đã đánh thuế và mức lũy tiến cũng tăng lên. Những vấn đề này cần tiếp tục thảo luận và cân nhắc áp dụng ở những thời điểm phù hợp, tránh gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Các chi phí chính thức có thể tăng lên, bên cạnh đó chi phí không chính thức vẫn rất cao, trong đó bao gồm cả các chi phí “bôi trơn” mà các doanh nghiệp đã đề cập tại nhiều diễn đàn. Tất cả những góc khuất này cần được khơi ra ánh sáng để sửa đổi và hoàn thiện.