Đề nghị về việc triển khai các chính sách hỗ trợ sau COVID-19, Đại biểu Quốc hội đề nghị phải kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng tránh tình trạng "bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo”.
Sáng 13/6, thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) nhấn mạnh về việc thực thi các chính sách hỗ trợ người ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó, Đại biểu đề nghị các bộ, ngành địa phương phải chỉ đạo kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, tăng cường thanh tra, giám sát công tác chi trả này. “Tránh tình trạng bò đi lạc nhà quan, quan đi lạc vào hộ cận nghèo”, Đại biểu nói.
Nhìn nhận chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, Đại biểu cho rằng, mục tiêu của chúng ta là 6,8%, nhưng do các tác động của dịch, dự báo từ các tổ chức quốc tế cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ còn 4,8%, 4,9%. Thậm chí Quỹ Tiền tệ quốc tế dự báo chỉ 2,7%.
Do đó Đại biểu nghị Chính phủ xem xét có cần điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng hay không. Đồng thời, Chính phủ nghiên cứu, phân bổ ngân sách, nguồn lực cho hợp lý, dự báo chi tiết khả năng tăng trưởng trong thời gian tới.
Đặc biệt, Đại biểu cũng nhìn nhận ảnh hưởng của dịch khiến các ngành bị đình trệ, nhưng nông nghiệp lại trở thành ngành “cứu cánh”. Theo Đại biểu, cả nước có 12.000 doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nhưng mức độ quan tâm đầu tư vẫn còn thấp.
Do đó, vị này đề xuất cần tích cực thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư lĩnh vực này, bớt, bỏ các rào cản, thủ tục, các chính sách ưu đãi về tín dụng.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ, địa phương xem xét sớm có giải pháp điều chuyển vốn đầu tư công từ các dự án chậm giải ngân sang dự án khác. “Nhưng cần tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tránh cơ chế xin - cho, tiêu cực có thể xảy ra”, Đại biểu Hải nói.
Trước đó, theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ cho biết toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt; nhiều chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,02% (đã báo cáo trên 6,8%), thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Thu ngân sách Nhà nước (NSNN) vượt 9,9% dự toán; nợ công ở mức 54,7% GDP (đã báo cáo 56,1%).
Song Thủ tướng nêu rõ những tháng đầu năm 2020, tình hình quốc tế, trong nước có những biến động lớn, chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch Covid-19. Hầu hết ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề; nhiều hoạt động kinh tế - xã hội ngưng trệ.
Trong bối cảnh mới đầy khó khăn, thách thức, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ phục hồi kinh tế trong trạng thái bình thường mới.
Thủ tướng nhắc nhở phải cùng nhau đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm, nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tìm các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu.
Theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ xây dựng và trình Quốc hội phê duyệt các cơ chế, chính sách đặc thù, các giải pháp, đối sách mạnh, kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu thực hiện “mục tiêu kép”.
So với cuối năm 2019, tình hình hiện nay có sự thay đổi rất lớn, khó khăn hơn nhiều, Thủ tướng cho rằng mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được.
Trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng, đánh giá kỹ các chỉ tiêu chủ yếu, các cân đối lớn và ước khả năng thực hiện, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch năm 2020, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu NSNN, bội chi NSNN, nợ công.
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, Đại biểu Phạm Đình Toản (Hưng Yên) cho rằng cần tích cực thanh tra, kiểm tra, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, tài sản công, chống thất thu. Đặt mục tiêu tiết kiệm chi thường xuyên tối thiểu 10%.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ có kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, cả của từ năm 2019 chuyển sang, thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
10:15, 20/05/2020
16:00, 09/06/2020
05:00, 30/05/2020
04:00, 12/05/2020