Để là gương ở chốn quan trường không phải đơn giản, khi bên cạnh những người có chức vụ là những “nguồn lực”...
Đất nước trì trệ vì nạn tham nhũng, một bộ phận không nhỏ quan chức suy thoái, lệch lạc ý thức và hành vi khiến niềm tin nơi người dân hao hụt dần… thực trạng này do đâu?
Có phải vì lương cán bộ, công chức không đủ sống như một vài ý kiến? Hẳn là không, người ta vẫn sống tốt mà không cần quá nhiều tiền nếu như lương tâm của họ không bị vấy bẩn bởi nhiều thức sặc mùi vật chất.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) về giải pháp đột phá để xây dựng con người Việt Nam trong tình hình hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng từ các cấp lãnh đạo, quan chức phải làm gương về đạo đức, tư cách.
Đạo đức, tư cách cán bộ không những là căn cốt của chiến lược xây dựng con người Việt Nam hiện nay mà nó là một tiêu chuẩn “cứng” của những người được sống bằng tiền thuế của nhân dân.
Vì sao? Phàm là người, vẫn phải cần tư cách đạo đức để khỏi bị lạc lối giữa xã hội luôn luôn hướng đến điều thiện lành. Với những người đại diện cho quyền lực nhà nước, tư cách đạo đức càng quan trọng hơn.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 31/10/2018
05:12, 19/11/2018
23:14, 04/11/2018
Bởi quan được ví như cha mẹ, cha mẹ không nghiêm chỉnh sao con cái vâng lời? Đó thoạt đầu là một quan hệ sản sinh mang tính chân lý ở đời. Là quan chức, lại là người lãnh đạo, là những người dẫn dắt dân chúng, những người “nắm trong tay luật pháp” - nếu thiếu vắng đạo đức, tư cách, làm sao nói dân nghe.
Sự thành công của công tác lãnh đạo - trên hết là “lọt tai” dân, để dân tin theo đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước. Vậy, rất khó buộc người khác phải nghe theo, mà chính mình không phải là người phải thực hiện đầu tiên, một cách mẫu mực!
Sẽ đến đâu nếu một mặt kêu gọi thượng tôn pháp luật, thực hành tiết kiệm nhưng thi thoảng ở đâu đó lại phát hiện ra chính “công bộc” vượt rào xé luật, sống xa hoa trong biệt phủ bằng những đồng tiền không trong sáng, khi dân tình còn nghèo khổ.
Một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, có nghĩa rằng đây là nhà nước được điều chỉnh bởi luật pháp quang minh chính đại. Một nhà nước do dân và vì dân tức là quyền lực thuộc về nhân dân mà quan chức là đại diện cho quyền lực ấy.
Bản thân cụm từ “người đại diện cho dân” đã hàm chứa trong đó là những cá nhân có tố chất, không những năng lực cao mà còn là phẩm chất tốt. Từ đây, có thể suy ra rằng, không có lý do gì dể nhân dân chấp nhận những “người đại diện” kém tư cách và đạo đức.
Niềm tin của người dân với Đảng, nhà nước là một thứ niềm tin cụ thể, trước hết là tin vào đảng viên, cán bộ. Mỗi một người hưởng lương từ ngân sách chính là hình ảnh của cơ quan công quyền. Một khi đảng viên cán bộ không đủ tư cách, đạo đức thì niềm tin ắt bị xói mòn.
Câu trả lời Thủ tướng cũng chính là vấn đề “nóng bỏng” hiện nay. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, triệt để.
Để môi trường kinh doanh được thông thoáng, để những bất công trong xã hội không còn là thực trạng đau xót, để người dân chung tay với nhà nước, rất cần một đội ngũ công bộc có trách nhiệm, có lương tâm, đạo đức.
Để là gương ở chốn quan trường không phải đơn giản, khi bên cạnh những người có chức vụ là những “nguồn lực” xung quanh luôn có những người luôn sẵn sàng cung phụng bất cứ khi nào.
Thực trạng trên được diễn tả là cái “bắt tay trong bóng tối” giữa doanh nghiệp và chính quyền. Thế cho nên không ít vị ngã ngựa vì cái gọi là “dự án”, “sân sau”, “sân nhà”…
Một thực tế khác - mà mới đây trong đề án “Văn hóa công vụ” đã ý nhị như sau: “Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức… không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng”.
Khi sự xu nịnh vây quanh (nếu có) làm sao “người được nịnh” là chính mình? Lời đường mật, một mứ độ nào đó là động lực, nhưng một khi quá nhiều sẽ gây cho “người nhận” ảo tưởng sức mạnh.
Dần dà, sự xu nịnh sẽ gây tha hóa ở tầng sâu của ý thức, từ đó sẽ phát ra bằng hành động lệch chuẩn của bản thân. Rất không hay nếu sự lệch chuẩn ấy thuộc về các phạm trù đạo đức và tư cách.