Hà Lan trước nguy cơ "không có chính phủ"

BẢO LAM 16/01/2021 13:38

Việc Thủ tướng Rutte từ chức và chính phủ giải tán có nguy cơ khiến Hà Lan rơi vào trạng thái không có chính phủ.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. (Ảnh: AP)

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và toàn bộ nội các đã đồng loạt từ chức vào ngày 15/1 sau vụ bê bối liên quan tới lợi ích của trẻ em, đe dọa đến tình trạng hỗn loạn chính trị trong bối cảnh đất nước đang trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Cụ thể, Thủ tướng Rutte đã triệu tập một cuộc họp và sau đó ra tuyên bố từ chức trong nội các liên minh bốn đảng. Quyết định được ông Rutte đưa ra trong bối cảnh các quan chức chính phủ bị cáo buộc đã thu hồi sai trái tiền trợ cấp cho hàng nghìn gia đình.

Truyền thông Hà Lan ước tính có khoảng 26.000 người bị ảnh hưởng trong bê bối.

Việc thu hồi tiền trợ cấp này đẩy nhiều gia đình vào cảnh phá sản, thậm chí một số gia đình đã ly dị. Một báo cáo điều tra của quốc hội Hà Lan cho rằng việc thu hồi hàng chục nghìn euro mà không cho các phụ huynh cơ hội chứng minh sự trong sạch là "sự bất công chưa từng có tiền lệ".

Việc một số phụ huynh trở thành mục tiêu điều tra của cơ quan thuế do họ mang hai quốc tịch phản ánh vấn đề phân biệt chủng tộc có hệ thống tại Hà Lan, vốn từ lâu bị chỉ trích.

Trước đó, một cuộc điều tra vào tháng 12 của Quốc hội Hà Lan cho biết các quan chức đã cắt các quyền lợi của những gia đình bị cáo buộc gian lận từ năm 2013 - 2019. Các nạn nhân của vụ bê bối đã nộp đơn kiện năm quan chức Hà Lan bao gồm ba bộ trưởng đang tại vị và hai cựu bộ trưởng.

Chính phủ Hà Lan đã công bố mức bồi thường ít nhất 30.000 euro cho mỗi phụ huynh bị buộc tội sai nhưng những nỗ lực đã không thành công khi những tiếng nói phản đối ngày càng tăng buộc chính phủ phải từ chức.

Thủ tướng Hà Lan thừa nhận trách nhiệm của Chính phủ và cam kết sẽ bồi thường cho mỗi gia đình bị oan 30.000 Euro.

Ông Rutte từng phản đối nội các từ chức và nói rằng đất nước cần lãnh đạo trong thời điểm đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông Rutte nói rằng nếu từ chức, ông có thể được ủy quyền để lãnh đạo một chính phủ lâm thời cho tới khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra.

Thủ tướng Rutte lãnh đạo ba chính phủ liên minh từ năm 2010, gần đây nhất là chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2017 bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ nhà lãnh đạo phe cực hữu Geert Wilders.

Các cuộc thăm dò cho thấy ông Rutte có khả năng giành chiến thắng ở nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử sắp tới vì đa phần người dân Hà Lan ủng hộ cách xử lý đại dịch COVID-19 của ông.

Việc Thủ tướng Rutte từ chức và chính phủ giải tán có nguy cơ khiến Hà Lan rơi vào trạng thái không có chính phủ, trong bối cảnh nước này ghi nhận ngày càng nhiều ca nhiễm nCoV chủng mới, được phát hiện lần đầu ở Anh. Rutte từng phản đối để nội các của ông từ chức và nói Hà Lan cần lãnh đạo trong thời kỳ đại dịch.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam - điểm đến tin cậy của nhà đầu tư Hà Lan

    23:56, 14/01/2021

  • Lô tôm đầu tiên hưởng mức thuế theo cam kết EVFTA trên đường sang Hà Lan

    11:00, 11/09/2020

  • Hà Lan là thị trường xuất khẩu top 2 của Việt Nam tại châu Âu

    20:55, 01/09/2020

  • Chuyên gia Hà Lan hiến kế chống hạn mặn

    06:00, 27/02/2020

  • Doanh nghiệp đầu tư xử lý nước thải nhìn từ kinh nghiệm của Hà Lan

    11:00, 09/01/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Lan trước nguy cơ "không có chính phủ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO