Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, Hà Nội đã có những bước đi mạnh mẽ.
Đẩy mạnh hỗ trợ công chức, viên chức làm công tác chuyên trách công nghệ
Tại kỳ họp thứ 6 HĐND thành phố Hà Nội, đa số các đại biểu đã nhất trí thông qua Nghị quyết về một số cơ chế chính sách, nội dung, mức chi đặc thù thuộc thẩm quyền của HĐND thành phố, trong đó có một nội dung đáng chú ý liên quan đến việc chi hỗ trợ công chức, viên chức đang làm công tác chuyên môn về công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của thành phố Hà Nội.
Cụ thể, theo ông Hà Minh Hải - Giám đốc Sở Tài chính thành phố, người có trình độ đại học hoặc trên đại học được hưởng hỗ trợ 2 lần mức lương cơ sở/người/tháng, người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp được hưởng mức hỗ trợ 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng, mức lương cơ sở được áp dụng thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức và lượng vũ trang.
"Kinh phí thực hiện mức hỗ trợ hằng tháng đối với công chức, viên chức chuyên trách về CNTT của cơ quan, đơn vị thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo theo quy định", ông Hải cho biết.
Dự kiến kinh phí thực hiện mức hỗ trợ mới trong 12 tháng là 10,2 tỷ động. Trong đó, ngân sách thành phố là hơn 7,6 tỷ đồng, ngân sách quận, huyện, thị xã là 2,6 tỷ đồng, tăng gần 2,4 tỷ đồng so với mức hỗ trợ trước đây.
Thời gian thực hiện hỗ trợ từ 1/8/2018, áp dụng đến hết năm 2020 cùng với thời điểm kết thúc Chương trình mục tiêu thành phố về ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 05/07/2018
09:10, 05/07/2018
08:04, 05/07/2018
Hà Nội là địa phương dẫn đầu trong triển khai dịch vụ công trực tuyến
Trong thời gian qua, bên cạnh việc chính quyền thành phố đã quyết liệt trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 tại các quận, huyện, thị xã, hướng tới việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực nằm trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.
Với việc triển khai thống nhất, đồng bộ trên toàn địa bàn,tính đến tháng 6/2018, Hà Nội đã thực hiện 515 dịch vụ công trực truyến mức độ 3, 4. Trong đó có 345 dịch vụ công mức độ 3 và 170 dịch vụ công mức độ 4. Các nội dung đã triển khai thực hiện rất cao, vượt chỉ tiêu.
Lĩnh vực đăng ký kinh doanh doanh nghiệp, 100% doanh nghiệp đều thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng, vượt chỉ tiêu HĐND đã đề ra trong kỳ họp trước. Đối với cấp quận, huyện thị xã đã đạt được 50-60% các thủ tục đăng ký thực hiện qua mạng.
Do đó, theo đánh giá của Bộ Thông tin và truyền thông, Hà Nội tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả về ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó tỷ lệ giao dịch trực tuyến qua mạng đạt cao nhất cả nước.
Thành phố tiếp tục triển khai hệ thống một cửa dùng chung 3 cấp, kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đồng thời duy trì và mở rộng các trang, cổng thông tin điện tử các cấp trên nền tảng công nghệ dùng chung, hình thành Cổng dịch vụ công thành phố, kết nối đến Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định để thống nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4.
Bà Hồ Vân Nga, Phó Trưởng ban Kinh tế Ngân sách đánh giá, việc thành phố Hà Nội đã ban hành quy định hỗ trợ hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyên môn về công nghệ thông tin, viễn thông tại các cơ quan hành chính của thành phố từ năm 2006 đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
"Việc UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết này là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi thành phố đang đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ", bà Nga khẳng định.
Bà Nga cũng cho rằng, để đẩy mạnh toàn diện việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, UBND thành phố cần quy định rõ các chức danh nhiệm vụ để có thể hỗ trợ cụ thể cho cán bộ, công chức viên chức; tạo động lực, thu hút nhân tài trong ngành CNTT cho thành phố.