Hà Nội tăng phí giữ xe, tiền sẽ vào ngân sách hay vào túi ai?

Theo Việt Đức/VOV.VN 04/01/2018 16:03

Hà Nội tăng phí gửi xe, người dân vẫn phải gánh chịu mức phí cao hơn quy định. Điều băn khoăn, số tiền vượt khung trên liệu có về với ngân sách?

Ngày 1/1/2018, Hà Nội tăng phí gửi xe. Việc tăng phí gửi xe với mong muốn mang lại “ích nước, lợi dân”, nhưng thực tế, người dân vẫn phải trả số tiền gấp 2-3 lần so với quy định. Và số tiền tăng lên khó về được với ngân sách của thành phố.

Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Hoàng Huy Được – đại biểu HĐND TP.Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2020 vấn đề này.

- Từ ngày 1/1/2018, Hà Nội áp dụng quy định giá mới về gửi xe. Tuy nhiên, khi mặt bằng giá theo quy định tăng thì ở một số nơi, người dân phải trả phí cao gấp 2-3 lần so với thực tế, ông nhìn nhận vấn đề thế nào?

 Vấn đề này, tôi đã phát biểu tại nghị trường HĐND TP.Hà Nội. Ví dụ với xe máy, chúng ta điều tra xã hội học, thấy rằng tất cả gửi xe máy không phải với giá 3.000 đồng mà là 5.000 đồng (giá chính một số bãi gửi xe đang thu của người dân cao hơn so với giá ghi trên vé- PV).

Ông Hoàng Huy Được - đại biểu HĐND TP.Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng giá giữ xe: Lợi cho dân hay đổ khó cho dân?

    Tăng giá giữ xe: Lợi cho dân hay đổ khó cho dân?

    05:30, 25/12/2017

Người ta cho rằng, tiền đấy người dân tự nguyện trả. Đó là sai lầm. Khảo sát đó không đánh giá được việc người dân bị bắt buộc vào tình thế không thể không gửi. Nó khác giao dịch dân sự là có sự đồng thuận giữa các bên.

Tuy nhiên, khi người dân đồng ý trả với giá 5.000 đồng/xe máy như hiện nay, một số bãi gửi xe lại ép lên 10.000 đồng/xe, rồi 15.000 đồng/xe. Sau đó chúng ta lại khảo sát và cho rằng, người dân đồng ý trả với giá 15.000 đồng/xe. Vậy phải chăng lại nâng giá gửi xe lên 15.000 đồng/xe hay sao!.

Không phải thế. Chúng ta phải xét việc gửi xe là phù hợp, thỏa thuận giữa ý chí của các bên và có sự điều tiết của Nhà nước về giá. Nhưng phải làm sao giữa bên cung cấp dịch vụ - bên sử dụng dịch vụ có sự đồng thuận về ý chí và vui vẻ.

Việc khảo sát không toàn diện như hiện nay khiến người dân đang phải gánh chịu mức phí cao khi gửi xe.

- Ban hành một quy định ngoài ích nước thì phải lợi cho dân. Thực tế cho thấy, việc điều chỉnh giá gửi xe đang khiến người dân phải gánh giá nặng hơn, thưa ông?

Theo tôi, điều chỉnh giá thuê lòng đường, vỉa hè, tăng giá vé gửi xe là chuyện bình thường trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, khi ban hành một cái gì đó chúng ta phải tính đến tác động nhiều chiều, trong đó có tác động đến người dân.

Ví dụ, trước đây quy định gửi ô tô 30.000 đồng/giờ, nhưng tôi nói thẳng là không phải bãi gửi xe nào cũng thực hiện đúng quy định. Thông thường, họ thu 50.000 đồng/xe hoặc có thể hơn. Ngày lễ, Tết thậm chí còn gấp rất nhiều lần.

Việc thu tiền vượt khung quy định, không chỉ thấy ở “bãi giữ xe dù” mà còn ngay cả bãi xe được cấp thẩm quyền cấp phép. Trong từng thời điểm khác nhau giá cao hơn mức bình thường, nhưng cao hơn gấp nhiều lần thì đấy là một câu chuyện đáng bàn. Bên cạnh đó, chính họ tự cho mình cái quyền nâng giá vé thì đấy trở thành chuyện “bắt chẹt” người gửi xe.

Những bãi gửi xe "dù" ở Hà Nội luôn nâng giá vé vượt khung quy định gấp nhiêu lần.

Có thể bạn quan tâm

  • Hà Nội tăng giá trông giữ xe: Có hạn chế được xe cá nhân?

    Hà Nội tăng giá trông giữ xe: Có hạn chế được xe cá nhân?

    10:38, 03/01/2018

  • Giá trông giữ xe ở Hà Nội tăng gần gấp đôi: Người dân “méo mặt”

    09:03, 03/01/2018

Tăng phí gửi xe nhưng buông lỏng trong quản lý thì không chỉ người dân phải chịu chi phí cao mà quan trọng, niềm tin của người dân đối với người ban hành chính sách. Nếu người dân không còn tin vào người ban hành chính sách nữa thì đấy là vấn đề cần phải xem xét.

Tôi đi thực tế nhiều lần thì thấy việc kiểm tra thưa thớt, cũng chẳng có bóng dáng của ai kiểm tra, trừ trường hợp các phương tiện đại chúng đưa lên nhiều thì mới có kiểm tra được một vài đợt xong rồi đâu vào đấy. Đấy là cái mà tôi cho rằng không ổn.

Điều chỉnh giá là cần thiết, đảm bảo đúng mặt bằng giá, đóng góp vào ngân sách thành phố nhưng vấn đề đặt ra là quản lý như thế nào để tiền thu được trả về cho thành phố.

Cách đây vài năm, báo chí tốn rất nhiều giấy mực về số tiền “khủng” từ khai thác vỉa hè vào túi ai. Số tiền đó không nhỏ, nó không về ngân sách thành phố mà rơi vào túi một nhóm người.

Tôi thấy một điều rằng, việc làm bãi trông giữ xe ở một số phường hiện nay không phải ai muốn cũng được. Tôi ghi nhận sự thẳng thắn của Chủ tịch Hà Nội khi nói về vấn đề này. Không phải ông chủ tịch nào cũng dám nhìn thẳng vào sự thật, nói lên sự thật.

- Điều chỉnh giá là cần thiết, tuy nhiên, quản lý như thế nào để tiền về được với ngân sách, đặc biệt là người dân không bị chặt chém khi gửi xe, ông có giải pháp gì?

Chỉ có thường xuyên kiểm tra thì đối tượng sử dụng lòng đường, vỉa hè mới chấp hành. Trong trường hợp không chấp hành thì phải có chế tài xử lý thế nào. Việc ban hành chế tài phải đồng bộ để xử phạt vi phạm số tiền gấp bao nhiêu lần hoặc rút giấy phép khai thác lòng đường vỉa hè thì mới được. Chứ chúng ta ban hành quy định nâng giá vé gửi xe lên như thế, nhưng lại thiếu kiểm tra, kiểm soát thì người dân phải đưa lưng ra để người khác chặt chém.

Còn ban hành xong lại thả nổi thì theo quan điểm của tôi, không biết tiền thu được có về được ngân sách thành phố hay chảy vào túi ai.

Theo tôi, bãi giữ xe phải có cửa ra - vào cố định, việc có giải pháp thu phí hiện đại thì không thể sai lệch đi được. Nó cũng làm giảm thiểu việc nâng giá khống. Bên cạnh đó là vai trò giám sát của chính quyền địa phương, tổ dân phố sở tại. Ngoài ra lập đường dây nóng để xử lý kịp thời các bãi gửi xe ở nâng giá.

Bên cạnh đó, bản thân người tham gia gửi xe cũng phải có trách nhiệm của mình khi gửi xe mà phải chi trả mức giá vượt khung.

- Xin cảm ơn ông!.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hà Nội tăng phí giữ xe, tiền sẽ vào ngân sách hay vào túi ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO