Bộ Y tế vừa có công điện yêu cầu TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine Covid-19. Hà Nội lưu ý ưu tiên cho người có bệnh nền, người cao tuổi...
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế đã ưu tiên phân bổ vaccine cho TPHCM, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai. Đến nay, TPHCM, Long An và Bình Dương đã được phân bổ số vaccine đủ để bao phủ mũi thứ nhất cho 100% người từ 18 tuổi trở lên.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND 5 tỉnh, thành phố trên tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tiêm vaccine cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên (bao gồm cả phụ nữ có thai) sinh sống và làm việc trên địa bàn theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế. Đồng thời, phải hoàn thành tiêm mũi một cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi trước ngày 15/9; tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi một đủ thời gian.
Bộ Y tế lưu ý Hà Nội ưu tiên tiêm sớm cho những người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người dân tại vùng đỏ, vùng cam, khu vực có mật độ dân cư cao.
Các địa phương cần huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành,...; tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và bố trí nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị... Bên cạnh đó, không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm, giảm bớt thủ tục hành chính, sử dụng ứng dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm.
Bộ Y tế cũng đề nghị 5 địa phương này hướng dẫn người dân điền phiếu đồng ý tham gia tiêm, phiếu sàng lọc trên nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử hoặc trên bản giấy, thực hiện khai báo y tế trước khi tham gia tiêm; thông báo thời gian và địa điểm tiêm để người dân đến tiêm đầy đủ, đúng giờ và không tập trung đông người tại một thời điểm...
Đối với những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm thì tiếp tục theo dõi và sắp xếp tiêm chủng trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện.
Đối với những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm, có thể tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị.
Tại các khu vực phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm.
Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành coi công tác tiêm chủng là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách trong tình hình hiện nay.
Vì sao tỷ lệ sử dụng vaccine còn thấp?
Tại cuộc họp mới đây liên quan đến phòng, chống COVID-19, nhiều ý kiến đã đề cập đến nguyên nhân tỷ lệ sử dụng vaccine tại các tỉnh, thành phố này còn thấp. Đại diện lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho hay điều này một phần do lượng vaccine của các địa phương tiếp nhận lớn. Quyết định phân bổ vaccine gần đây nhất mới được ban hành hôm 30/8. Trong một tuần qua, các địa phương đã tăng tốc tiếp nhận và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.
Đơn cử tại Bình Dương, Giám đốc Sở Y tế cho biết 2 ngày tới đây sẽ hoàn tất tiêm số 750.000 liều vaccine Sinopharm mới tiếp nhận cách đây vài ngày. Sau đó, tỉnh sẽ tiêm hết 300.000 liều AstraZeneca và Pfizer. Bình Dương ưu tiên tiêm mũi 1 cho người dân, phấn đấu đến ngày 10/9, 100% dân số trên 18 tuổi ở tỉnh được tiêm vaccine.
Lý do thứ 2 của tỷ lệ sử dụng vaccine thấp, đó là do để đảm bảo vaccine đủ để tiêm mũi 2 cho người dân, các tỉnh, thành phố cũng lưu kho hoặc chưa tiếp nhận hết lượng vaccine phân bổ. Do đó, tỷ lệ vaccine đã được sử dụng trên tổng vaccine tiếp nhận/phân bổ bị kéo giảm.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng thẳng thắn chỉ ra hạn chế khi các địa phương có kế hoạch tổng thể nhưng lại chưa có kế hoạch chi tiết theo từng quận, huyện. Vấn đề báo cáo, nhập dữ liệu chưa kịp thời, chưa tính toán đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế nên số liệu thực tế đã tiêm và số cập nhật lên hệ thống bị chênh. Đây là nguyên nhân khiến việc đánh giá kết quả sử dụng vaccine ở những địa phương này còn thấp so với yêu cầu.
Thực tế, qua quá trình báo cáo, kiểm điểm, tổng số vaccine đã tiêm ở 4 địa phương này nâng lên hơn 9,8 triệu liều, cao hơn gần 1 triệu liều so với con số cập nhật dữ liệu lên Bộ Y tế, đạt 72% số vaccine đã tiếp nhận.
Theo đó, ngày 27/8, Bộ Y tế nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ về việc trả lời đề xuất, kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Y tế có ý kiến như sau:
Thứ nhất, thực hiện Nghị quyết số 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vaccine và Quyết định số 3355 của Bộ Y tế về việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022 thì đến hết tháng 4/2022, Bộ Y tế dự kiến cung ứng được 150 triệu liều vaccine phòng Covid-19.
Bộ Y tế đã rất tích cực tiếp cận các nguồn vaccine, nhưng hiện nay, số lượng vaccine cung ứng cho Việt Nam còn rất hạn chế. Số lượng này mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu phòng chống dịch theo Nghị quyết số 21 của Chính phủ và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Trên cơ sở diễn biến dịch tại các địa phương, số lượng vaccine cung ứng và căn cứ đối tượng được tiêm quy định tại Nghị quyết số 21, Quyết định số 3355, Bộ Y tế đã hướng dẫn địa phương, đơn vị triển khai thực hiện tiêm cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên.
Thứ hai, Bộ Y tế đang tích cực tìm kiếm nguồn cung ứng vaccine để đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch. Khi nguồn cung ứng vaccine đáp ứng đủ, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn và phân bổ vaccine về các địa phương. Khi đó, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phê duyệt danh sách đối tượng tiêm cụ thể trong đó có đối tượng dưới 18 tuổi bao gồm cả học sinh.
Có thể bạn quan tâm
10:01, 06/09/2021
05:00, 06/09/2021
09:32, 05/09/2021
11:15, 04/09/2021
11:09, 03/09/2021
11:00, 03/09/2021