Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, hiện Hà Nội đang thực hiện “2 mũi giáp công” trong phòng chống dịch là đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 và xét nghiệm tầm soát diện rộng thần tốc.
Liên quan đến việc Hà Nội tổ chức xét nghiệm tầm soát trên diện rộng thần tốc, ngày 10.9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: “Thời gian qua, Hà Nội liên tục phát hiện ra các ca lây nhiễm ngoài cộng đồng, không rõ nguồn lây, nghĩa là mầm bệnh đã lây lan, len lỏi trong cộng đồng mà chúng ta không biết được. Vì thế, Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội rất dài từ đầu tháng 8 đến nay…”.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để giảm thời gian giãn cách xuống phải phát hiện bằng được, tầm soát bằng được các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng để cách ly, khoanh vùng, dập dịch một cách triệt để, từ đó nới lỏng dần dần việc giãn cách để đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Do đó vấn đề xét nghiệm rất quan trọng.
“Bài học kinh nghiệm của các nước, đặc biệt là Trung Quốc xét nghiệm rất nhanh, nhiều vòng và bài học kinh nghiệm chống dịch của nước ta tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Cần Thơ, Quận 7, huyện Củ Chi của TPHCM hay Khánh Hòa… Đó là những bài học thực tiễn về mặt khoa học trong thực hiện xét nghiệm, đảm bảo phải tách toàn bộ F0 ra khỏi cộng đồng, không để lây lan trong cộng đồng” - Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Đánh giá về mũi “giáp công” này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng Hà Nội đang triển khai rất tích cực.
Trước một số ý kiến cho rằng Hà Nội thực hiện xét nghiệm 100% toàn dân sẽ lãng phí, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Cần phải khẳng định một điều muốn biết tất cả nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, bắt buộc phải thông qua xét nghiệm. Không có cách nào khác để chúng ta ngăn chặn phát hiện sớm nếu không xét nghiệm.
“Nếu chúng ta không làm điều đó, có nghĩa là chúng ta chấp nhận trong cộng đồng vẫn phải có người lây nhiễm”- Bộ trưởng nói.
Phương pháp xét nghiệm hiện nay Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương là gộp mẫu (có thể gộp 10) trong trường hợp có thể thì giá thành xét nghiệm rất rẻ; các “vùng đỏ” xét nghiệm nhiều lần nhưng đối với “vùng xanh” phải làm xét nghiệm để biết không có mầm bệnh, từ đó yên tâm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
“Đây là lý do vì sao Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 coi công tác xét nghiệm là vấn đề then chốt để phòng, chống dịch”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Huy động nguồn lực cho chiến dịch xét nghiệm ở Hà Nội
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã điều động hơn 10 tỉnh, thành phố tăng cường nhân lực y tế về hỗ trợ cho Hà Nội và có những địa phương lên tới 500- 600 người, thậm chí như Bắc Giang còn tăng cường 800 nhân lực y tế hỗ trợ Hà Nội triển khai hoạt động xét nghiệm, tiêm chủng.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đã điều động nhân lực của các Bệnh viện trung ương, các trường đại học ở trung ương trên địa bàn để hỗ trợ cho Hà Nội. Mặt khác, Bộ Y tế cũng giao những phòng xét nghiệm của Bộ trên địa bàn Hà Nội huy động tối đa để làm sao phục vụ cho xét nghiệm của thủ đô.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng phải huy động lực lượng tình nguyện tham gia công tác xét nghiệm, bởi vì trong tất cả các công đoạn xét nghiệm chỉ có lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm phải đòi hỏi nhân viên y tế, còn những công đoạn mang tính hành chính hay vấn đề về đảm bảo giãn cách, đảm bảo những hoạt động khác trong quá trình xét nghiệm thì có thể huy động lực lượng tình nguyện và lực lượng sinh viên trên địa bàn thủ đô…
Xét nghiệm 100% người dân Hà Nội là khả thi
Theo ông Trương Quang Việt - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã có kế hoạch để triển khai việc xét nghiệm diện rộng cho 100% người dân trên 18 tuổi.
"TPHCM đã thực hiện xét nghiệm toàn bộ người dân, nên việc này không phải mới mà hoàn toàn khả thi khi triển khai trên địa bàn Hà Nội" - ông Việt khẳng định
Đối với vấn đề lực lượng lấy mẫu, mô hình đội lấy mẫu được tổ chức tương tự như tổ COVID-19 cộng đồng. Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho hay, nhân sự chính là các thành viên tự nguyện có trình độ đại học, cao đẳng trở lên và có chuyên môn y tế hoặc các ngành khác. Những người này sẽ đến từng nhà và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên và cả lấy mẫu bằng phương pháp RT-PCR.
Năng lực tiêm phụ thuộc vào số lượng vaccine
Thành phố đặt ra mục tiêu hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vaccine COVID-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn theo Nghị quyết số 21 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15.9 trên cơ sở số vaccine được phân, giao từ Bộ Y tế.
Cùng với đó, thành phố triển khai tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 đủ thời gian theo quy định; đặc biệt ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai trên 13 tuần và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng.
Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội, đến nay, có hơn 2,4 triệu liều vaccine được tiêm cho người trên 18 tuổi. Trong đó, số người đã được tiêm 1 mũi khoảng 2 triệu và số người được tiêm 2 mũi có hơn 200.000 người. Hiện tại, Bộ Y tế đã phân bổ 2,7 triệu liều vaccine trong tổng số 3,3 triệu liều.
Chia sẻ về mục tiêu hoàn thành tiêm chủng mũi 1 vaccine COVID-19 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên, ông Trương Quang Việt nhận định: "Mục tiêu là như vậy nhưng kết quả có đạt được hay không là phụ thuộc vào nguồn vaccine Bộ Y tế phân bổ, Hà Nội không chủ động được số lượng vaccine".
Cũng theo ông Việt, số lượng vaccine Bộ Y tế phân bổ cho Hà Nội còn ít. Trong khi đó, nhân sự và trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất (xe lưu động, hệ thống dây chuyền tiêm vaccine...) có thể đáp ứng được mục tiêu do Hà Nội đề ra.
"Hiện tại, hệ thống nhân sự và dây truyền tiêm vaccine của Hà Nội chưa thể hoạt động hết công suất do số lượng vaccine được phân bổ quá ít" - ông Trương Quang Việt nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
09:10, 11/09/2021
01:03, 11/09/2021
16:44, 10/09/2021
13:24, 10/09/2021