Rất nhiều nhà đầu tư đang xếp hàng chờ tín hiệu đồng thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để tham gia bỏ vốn vào các dự án hạ tầng sân bay dưới hình thức hợp đồng đối tác công - tư (PPP).
Cặp bài trùng IPP, ACV
Nếu không có gì thay đổi, vào giữa tuần này, lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải sẽ có buổi làm việc với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) liên quan đề xuất đầu tư hạ tầng một số cảng hàng không.
Trước đó, ông Nguyễn Hạnh, Chủ tịch HĐTV IPP đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép nhà đầu tư này được tham gia thực hiện Dự án xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh và Nhà ga hành khách quốc tế T2, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Cụ thể, IPP đề xuất xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh thứ hai tại Phú Quốc có chiều dài 3.000 m, rộng 45 m, có thể đón được máy bay thế hệ mới như Boeing787, Airbus 350, với tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh mới - yếu tố then chốt giúp nâng công suất Sân bay Phú Quốc lên 25 triệu hành khách/năm, IPP muốn UBND tỉnh Kiên Giang tham gia góp một phần. IPP và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ góp số vốn còn lại (tỷ lệ góp vốn do Bộ Giao thông - Vận tải ấn định).
Ngoài công trình đường cất hạ cánh số 2, IPP còn muốn cùng ACV xây dựng Nhà ga hành khách T2 có công suất 10 triệu lượt hành khách/năm, chi phí đầu tư 7.000 tỷ đồng.
“IPP sẽ phối hợp với các công ty du lịch trên thế giới đưa thêm 5 -7 triệu lượt khách đến Phú Quốc hàng năm để nghỉ dưỡng và mua sắm”, ông Nguyễn Hạnh nói.
Tham vọng trở thành nhà đầu tư số 1 về hạ tầng sân bay tại Việt Nam của IPP là khá rõ ràng khi nhà đầu tư này còn tiếp tục xin cùng ACV đầu tư nhà ga hành khách mới công suất 8 triệu lượt hành khách năm tại Cảng hàng không Tuy Hòa (Phú Yên). IPP sẵn sàng nhường ACV vị trí người đại diện pháp luật, kiêm Tổng giám đốc tại doanh nghiệp dự án.
Cẩn phải nói thêm rằng, IPP là cái tên rất quen thuộc trong lĩnh vực hàng không. Từ chỗ là đơn vị phân phối độc quyền nhiều thương hiệu hàng xa xỉ thế giới tại các cảng hàng không, năm 2014, IPP trở thành cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO).
IPP cũng là cổ đông lớn nhất tại Công ty cổ phần Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC), công suất 8 triệu lượt hành khách/năm. Dự án có tổng mức đầu tư 3.733 tỷ đồng này đã được khởi công vào tháng 9/2016 và dự kiến đưa vào khai thác trong quý II/2018. Tại CRTC, ông Nguyễn Hạnh giữ chức Chủ tịch HĐQT; còn ông Phan Lê Hoan, đại diện phần vốn của ACV, giữ chức Tổng giám đốc.
Động lực lợi nhuận
Cần phải nói thêm rằng, xu hướng vốn đầu tư tư nhân đổ vào các dự án hạ tầng hàng không ngày càng rõ nét trong khoảng 3 năm trở lại đây.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, hiện có ít nhất 5 dự án hạ tầng cảng hàng không có vốn góp của các nhà đầu tư tư nhân được triển khai, gồm: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Sungroup); Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; Nhà ga hành khách quốc tế, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; Cảng hàng không quốc tế Phan Thiết; Nhà để xe, Ga quốc nội, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Các Dự án nhà ga hàng không dễ dàng gọi vốn đầu tư do thời gian thu hồi vốn từ phí dịch vụ sân bay ngắn; nguồn thu từ việc cho thuê các quầy dịch vụ ăn uống, hàng miễn thuế ổn định.
Đặc biệt, kết quả kinh doanh tích cực của ACV, Công ty cổ phần Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT) đã tạo ra hấp lực đáng kể thu hút các nhà đầu tư xếp hàng chờ được cấp phép vào các dự án hạ tầng sân bay. Cơ hội gọi vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực hàng không trở nên rõ nét hơn sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển giao thông - vận tải hàng không giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030.
Nếu không tính Dự án Xây dựng mới nhà ga hành khách Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang là tâm điểm của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, thì một số sân bay khu vực như Chu Lai, Cát Bi cũng nhận được sự quan tâm nhất định.
Tại khu vực phía Bắc, UBND TP. Hải Phòng đang quyết tâm đầu tư sớm Nhà ga T2, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, công suất 8 triệu lượt hành khách/năm, theo hình thức PPP.
Lãnh đạo UBND TP. Hải Phòng cho biết, họ đã nhận được khá nhiều đề xuất đầu tư, trong đó có một hãng hàng không liên danh với một ngân hàng trong nước cam kết huy động vốn để đầu tư công trình này ngay trong năm 2018. Sau thành công của Quảng Ninh tại Sân bay Vân Đồn, UBND TP. Hải Phòng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép địa phương này làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Dự án Nhà ga T2 Cát Bi. “Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư vào hàng không là giải pháp đột phá để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và đảm bảo quốc phòng - an ninh”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đánh giá.