Tại tỉnh Hà Tĩnh hiện có 21 dự án của các nhà đầu tư Hà Nội với tổng vốn đăng ký gần 38 ngàn tỷ đồng, trong đó có 8 dự án đã hoàn thành với tổng mức đầu tư gần 34 ngàn tỷ đồng.
Thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh và thành phố Hà Nội đã có sự hợp tác chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hai địa phương đã có nhiều trao đổi kinh nghiệm trong quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các giải pháp đẩy mạnh sử dụng dịch vụ đăng ký doanh nghiệp trực tuyến.
UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, năm 2019, tỉnh phấn đấu thu hút khoảng 150 dự án đầu tư với tổng mức khoảng 2.500 triệu USD, trong đó vốn FDI khoảng 2.250 triệu USD.
Đến nay, toàn tỉnh có 1.183 dự án, trong đó 1.108 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 107.479 tỷ đồng (trong đó UBND các huyện, thành phố, thị xã chấp thuận 339 dự án với tổng số vốn đăng ký 1.189 tỷ đồng) và 75 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 12.068 triệu USD.
Tại hội nghị hợp tác, phát triển để đánh giá tình hình, kết quả hợp tác giữa hai địa phương, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam cho biết, Hà Nội sẽ phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hà Tĩnh tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hà Nội; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực Hà Tĩnh có tiềm năng lợi thế.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Tĩnh Trần Tú Anh, thành phố Hà Nội là trung tâm của cả nước, được tiếp cận với nhiều mô hình mới, có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý. Do đó, Hà Tĩnh mong muốn có sự hợp tác, chia sẻ trong công tác quản lý KT-XH, đầu tư và quản lý cải cách hành chính.
Có thể bạn quan tâm
20:27, 13/05/2019
20:00, 13/05/2019
11:36, 13/05/2019
Về lĩnh vực Công Thương, hai bên cũng đã tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước về cụm công nghiệp và làng nghề; kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp, thương mại quốc tế. Tỉnh Hà Tĩnh và thành phố Hà Nội cũng đã hợp tác có hiệu quả trên các lĩnh vực khác như: y tế, quốc phòng an ninh, kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.
Hiện, Hà Tĩnh và Hà Nội đã thống nhất chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước và cơ chế chính sách trên các lĩnh vực Hà Nội có thế mạnh như quy hoạch, xây dựng đô thị, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là cơ chế chính sách xã hội hóa đầu tư, đầu tư hợp tác công - tư.
Về phía tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư Hà Nội triển khai dự án đầu tư trên địa bàn; Hà Nội phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hà Tĩnh tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại Hà Nội. Hà Nội sẽ giới thiệu các doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị phân phối có uy tín để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản; đẩy mạnh kết nối, thu hút các nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại biên giới, đầu tư xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm, xây dựng hạ tầng thương mại và các hình thức đầu tư kinh doanh thương mại dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, tỉnh kỳ vọng thời gian tới, thành phố Hà Nội quan tâm huy động các nguồn lực tiếp tục hỗ trợ Hà Tĩnh thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội; quảng bá, kêu gọi các doanh nghiệp ở Hà Nội đầu tư vào các lĩnh vực mà Hà Tĩnh có tiềm năng, nhất là trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, dịch vụ. Cùng với đó, tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Hà Tĩnh trong các lĩnh vực Hà Nội có thế mạnh như: Quản lý doanh nghiệp, quy hoach đô thị, ứng dụng KH&CN; các bệnh viện ở Hà Nội tiếp tục quan tâm hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực y tế cho các cơ sở y tế trên địa bàn.