HAI CHIỀU PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI: Doanh nghiệp không thể đơn độc

NGUYỄN VIỆT thực hiện 05/07/2020 11:50

Quan điểm nhất quán của Việt Nam trong lĩnh vực phòng vệ thương mại là chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết, đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật trong nước và quốc tế.

Đó là khẳng định của Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng trước việc các quốc gia liên tục áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Dũng: Hiệp định EVFTA, IPA được nhận định sẽ mở ra chân trời phát triển mới cho doanh nghiệp, song dự báo không ít áp lực về phòng vệ thương mại (PVTM).

Trong bối cảnh chúng ta đã thực thi Hiệp định CPTPP, vừa thông qua Hiệp định EVFTA và hoàn tất đàm phán RCEP thì việc chuẩn bị các kỹ năng, kiến thức về phòng vệ thương mại là rất quan trọng.

- Nói như vậy các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể sử dụng công cụ PVTM khi cần, thưa ông?

Đúng vậy. Một công cụ đã ra đời và tồn tại được 100 năm chứng tỏ nó phải có căn cứ và nền tảng hợp lý. Với một quốc gia mà tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP như Việt Nam thì xử lý phòng vệ thương mại cả hai chiều là không thể tránh khỏi.

Không chỉ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà cả các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương cũng như các hiệp hội cần nắm cơ bản các kiến thức về phòng vệ thương mại.

Căn cứ theo Quyết định 1347 của Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại đang tích cực triển khai các hoạt động theo kế hoạch đề ra. Các công việc đang được thực hiện gồm tổ chức các chương trình, hoạt động giới thiệu về công cụ PVTM cho các Hiệp hội, ngành hàng để từ đó các Hiệp hội hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác PVTM.

Để trả lời câu hỏi này trước hết chúng ta phải hiểu rõ bản chất của các biện pháp phòng vệ thương mại. Đó là các công cụ được WTO cho phép các thành viên sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước trước "mặt trái" của quá trình hội nhập và giảm thuế. Phòng vệ thương mại gồm 3 biện pháp là chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.

- Vậy theo ông chúng ta nên áp thuế phòng vệ thương mại đối với những nước đang sử dụng biện pháp này với hàng hóa của Việt Nam?

Bộ Công Thương đã điều tra 11 vụ việc chống bán phá giá và 6 vụ việc tự vệ, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp phòng vệ trong 12 vụ việc và có 2 vụ việc không áp dụng biện pháp sau khi điều tra vì không thỏa mãn các quy định của WTO. 

Việc áp dụng mỗi biện pháp này đòi hỏi các điều kiện khác nhau và phải trải qua một quá trình điều tra toàn diện, khách quan. Do đó, không phải chúng ta thích áp thuế phòng vệ thương mại lúc nào hoặc với mặt hàng nào cũng được. Nếu áp thuế phòng vệ thương mại mà vi phạm quy định của WTO, chúng ta sẽ ngay lập tức bị các nước xuất khẩu khởi kiện và đòi bồi thường hoặc tiến hành trả đũa.

Bên cạnh đó, nếu áp dụng phòng vệ thương mại tràn lan cũng sẽ gây ra một số tác động tiêu cực như làm giảm động lực cạnh tranh. Chính vì thế, quan điểm nhất quán của Việt Nam trong lĩnh vực phòng vệ thương mại là chỉ áp dụng trong trường hợp cần thiết.

Các biện pháp phòng vệ thương mại đã có lịch sử gần 100 năm, do đó nhiều nước phát triển đã xây dựng được nền tảng vững chắc như hệ thống pháp luật, nguồn nhân lực và các phần mềm phân tích... Cộng đồng doanh nghiệp của các nước này cũng quen với việc sử dụng hay ứng phó với công cụ phòng vệ thương mại và họ coi đây là một chính sách song hành trong quá trình sản xuất kinh doanh.

Trong khi đó, Việt Nam mới mở cửa chưa lâu và chỉ thật sự hội nhập toàn diện trong khoảng 10 năm gần đây. Đến thời điểm này, dù ít nhưng Bộ Công Thương khẳng định rằng, điều tra PVTM của Việt Nam đều được ghi nhận phù hợp các quy định pháp luật và không bị khiếu nại, khởi kiện. Điều đó cho thấy việc điều tra rất khách quan, dựa trên các số liệu thực tiễn được kiểm chứng tỉ mỉ chứ không dựa trên các nhận định mơ hồ hay ý kiến chủ quan của các bên.

- Việt Nam cần phải “ra tay” như thế nào để bảo vệ doanh nghiệp cũng như nền sản xuất trong nước trước xu thế nhiều nước áp dụng PVTM để gây sức ép cho hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam, thưa ông?

Đúng là trong thời gian qua số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của ta gia tăng đáng kể. Tính đến nay, Bộ Công Thương đã tiếp nhận và xử lý 176 vụ việc nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm 100 vụ việc chống bán phá giá (CBPG), 18 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 35 vụ việc tự vệ. Chỉ riêng 06 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương đang xử lý 13 vụ việc, đồng thời tiếp nhận xử lý 6 vụ việc tiền khởi xướng (nhiều hơn toàn bộ số vụ việc của năm 2019).

Thực ra, đây cũng là tín hiệu tốt cho thấy hàng hóa Việt Nam có năng lực cạnh tranh quốc tế cao và đang gia tăng thị phần trên thị trường quốc tế. Tất nhiên, khi bị điều tra phòng vệ thương mại thì xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt nếu các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không có kinh nghiệm ứng phó.

Trong mỗi vụ việc Bộ Công Thương luôn hỗ trợ trong việc chủ động cung cấp thông tin, liên hệ với doanh nghiệp, tư vấn với cơ quan điều tra nước bạn nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu. Chính vì vậy, mặc dù số lượng các vụ việc đối với Việt Nam gia tăng trong thời gian gần đây nhưng tác động thực sự đến kim ngạch xuất khẩu không nhiều do các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu đã được coi là hợp tác và chỉ chịu mức thuế thấp.

Chính vì vậy, Quyết định 1347/QĐ-BCT triển khai một số hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong nước sẽ được Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện ngay trong năm 2020 và sẽ tiếp tục thực hiện trong các năm tới.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Cùng với những thuận lợi mang tính chủ đạo, các Hiệp định FTA cũng khiến cạnh tranh gia tăng, tạo ra không ít thách thức đối với công tác phòng vệ thương mại (PVTM).

Thứ nhất, quá trình mở cửa có thể khiến một số ngành sản xuất trong nước không thích ứng kịp với diễn biến cạnh tranh phức tạp, thậm chí không lành mạnh (như bán phá giá, nhận trợ cấp) hoặc lượng gia tăng ồ ạt của hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

Thứ hai, xung đột thương mại giữa các cường quốc cùng xu hướng bảo hộ gia tăng toàn cầu dẫn đến hàng hóa của một số nước bị chặn đường xuất khẩu và tìm cách tràn vào các thị trường nào còn đang mở cửa như một sự thay thế, tạo ra áp lực cho các quốc gia này cũng phải gia tăng phòng thủ trong thương mại.

Thứ ba, thực hiện giải cứu nền kinh tế hậu COVID -19, hiện nay một số nước tăng cường trợ cấp cho các ngành sản xuất, đồng thời sử dụng các chính sách kích thích xuất khẩu như tín dụng, tỷ giá, hoàn thuế... dẫn đến giá nhiều loại hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam giảm đi đáng kể, khiến các doanh nghiệp trong nước dù cố gắng cũng không thể cạnh tranh được.

Vì vậy, việc nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho nền kinh tế đang trở thành một yêu cầu và nhiệm vụ cấp bách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
HAI CHIỀU PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI: Doanh nghiệp không thể đơn độc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO