Hơn 168 tỷ đồng được duyệt để chi trả cho 549 hộ có đất bị thu hồi thực hiện dự án đường nối từ cầu Lạng Am đến đường bộ ven biển nhưng 3 năm nay chủ đầu tư mới chuyển được chưa đầy 54 tỷ đồng.
>>>Khu kinh tế Nghi Sơn: “tuột” nhà đầu tư vì chậm giải phóng mặt bằng
>>>Gỡ vướng giải phóng mặt bằng ở Sầm Sơn - Thanh Hóa
Chính vì vậy, đường nối từ cầu Lạng Am đến đường ven biển đang có nguy cơ chậm tiến độ theo quyết định phê duyệt dự án. Tháng 5/2020, TP Hải Phòng đã tổ chức động thổ dự án. Theo quyết định phê duyệt dự án, trong năm 2021, dự án đường này sẽ hoàn thành đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đến nay, dự án vẫn đang trong giai đoạn chờ bồi thường giải phóng mặt bằng.
Được biết, dự án đường nối từ cầu Lạng Am (xã Lý Học, Vĩnh Bảo) đến đường bộ ven biển đoạn qua huyện Vĩnh Bảo được UBND TP Hải Phòng phê duyệt từ tháng 10/2019 với tổng mức đầu tư hơn 1.343 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng làm chủ đầu tư.
Dự án bao gồm tuyến đường từ cầu Lạng Am qua xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo) vượt sông Thái Bình nối với đường bộ ven biển (huyện Tiên Lãng) tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng dài hơn 6,69km, trên tuyến có 2 cây cầu bê tông cốt thép, trong đó cầu vượt sông Thái Bình dài gần 1.000m, cầu vượt sông Chanh Dương dài 75m. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ hợp với tuyến đường có sẵn tạo thành đường đôi chạy dọc theo 2 bờ sông Chanh Dương nối từ thị trấn Vĩnh Bảo đến xã Trấn Dương vượt qua sông Thái Bình giao với tuyến đường bộ ven biển trên địa bàn huyện Tiên Lãng.
Theo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Bảo, Dự án đầu tư cái tạo, nâng cấp đường nối từ cầu Lạng Am đến đường bộ ven biển, đoạn đi qua huyện Vĩnh Bảo bắt đầu triển khai giải phóng mặt bằng từ tháng 11/2019. Dự án đi qua 5 xã (Lý Học, Tam Cường, Cổ Am, Vĩnh Tiến, Trấn Dương), tổng số hộ dân bị thu hồi đất, tháo dỡ tài sản là 700 hộ, trong đó, đất nông nghiệp có 116 hộ; đất hành lang giao thông và đất ở có 584 hộ. Đến nay, huyện Vĩnh Bảo đã phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 549 hộ với số tiền là 168,6 tỷ đồng (đạt 78,4%).
Tuy nhiên, đến nay huyện Vĩnh Bảo mới thực hiện chi trả tiền bồi thường hỗ trợ được cho 230 hộ với số tiền gần 50 tỷ đồng. Riêng 2 xã Tam Cường với 129 hộ, xã Vĩnh Tiến với 113 hộ bị thu hồi đất, đa số đều đã được phê duyệt phương án nhưng vẫn chưa có hộ nào được chi trả bồi thường.
Ông Phạm Ngọc Hiếu – Giám đốc Trung tân phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Bảo cho biết, nguyên nhân chậm giải phóng mặt bằng là do chủ đầu tư không bố trí được tiền bồi thường.
Mặc dù đã có khoảng 550 hộ dân được phê duyệt phương án bồi thường với số tiền hơn 168 tỷ đồng nhưng đến nay chủ đầu tư mới chuyển cho huyện 53,9 tỷ đồng để chi trả cho người dân dân. Số tiền hơn 114 tỷ đồng của các hộ đã được huyện phê duyệt phương án bồi thường đến nay vẫn chưa có phương án chuyển để chi trả. Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ của dự án, trung tâm cũng đã nhiều lần đề nghị chủ đầu tư sớm chuyển để chi trả cho các hộ dân – ông Hiếu cho biết thêm.
>>Hải Phòng: Quận Ngô Quyền bị phê bình trong giải phóng mặt bằng dự án đầu tư công
>>Gỡ vướng giải phóng mặt bằng ở Sầm Sơn - Thanh Hóa
Do chậm giải phóng mặt bằng đến nay đơn vị thi công mới đang thi công hơn 1km tuyến đường đi qua 2 thôn Trấn Nam, Dương Tiền và cánh đồng thuộc thôn Trấn Hải (xã Trấn Dương) và tiến hành san lấp, xây dựng các bãi tập kết vật liệu, máy móc phục vụ thi công. Những khu vực còn lại đã được huyện Vĩnh Bảo bàn giao mặt bằng, đơn vị thi công chưa thực hiện được bởi hiện trạng mặt bằng xôi đỗ rất khó thi công.
Cùng với việc bố trí vốn để chi trả người dân, cơ quan chức năng của TP. Hải Phòng cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp thu hồi đất vườn ao, chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu tái định cư. Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vĩnh Bảo xác định đây là những nguyên nhân làm cho công tác giải phóng mặt bằng bị chậm tiến độ.
Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án, theo UBND huyện Vĩnh Bảo, cùng phê duyệt quy hoạch các khu tái định cư, hướng dẫn các xã xét duyệt tái định cư, lập hồ sơ, phê duyệt phương án bồi thường các hộ còn lại, việc quan trọng nhất vẫn là chủ đầu tư bố trí chuyển tiền để huyện chi trả đến các hộ dân để người dân bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ cầu Lạng Am tới đường ven biển không những tạo thành hành lang giao thông thuận lợi, giúp phát triển công nghiệp, dịch vụ, thu hút các nhà đầu tư đến với Vĩnh Bảo, còn góp phần thúc đẩy du lịch quê hương Trạng Trình. Bởi từ huyện Vĩnh Bảo đến các quận Dương Kinh, Đồ Sơn thay vì phải theo các trục đường dài hơn 50km, khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng cách chỉ còn chưa đến 20km, giúp kết nối các điểm du lịch nổi tiếng của thành phố, huyện Vĩnh Bảo, như: khu tưởng niệm các vua nhà Mạc, khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khu du lịch Đồ Sơn…
Có thể bạn quan tâm
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng ở Sầm Sơn - Thanh Hóa
16:40, 20/11/2021
Hải Phòng: Quận Ngô Quyền bị phê bình trong giải phóng mặt bằng dự án đầu tư công
18:17, 11/11/2021
Nhà máy Thuỷ điện sông Lô 8B khốn khổ vì... giải phóng mặt bằng
17:52, 11/11/2021
Hóa giải nỗi lo tiến độ giải phóng mặt bằng
01:00, 04/11/2021