Hải Phòng: Khẳng định vai trò động lực của vùng Bắc Bộ và cả nước

Trung Thành - Minh Huệ 27/01/2020 05:48

Năm 2019, Hải Phòng có nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển KTXH và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tăng trường GRDP trong năm đạt 16,68%, cao nhất từ trước đến nay.

Hải Phòng nỗ lực thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và được các doanh nghiệp đánh giá cao. Dưới đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng với Diễn đàn Doanh nghiệp về những kết quả ấn tượng năm 2019 và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng

Tiếp nối chủ đề “Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách - Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, năm 2019 dường như Hải Phòng rất nhiều các chỉ tiêu “phá kỷ lục”, thưa ông?

Với định hướng chỉ đạo rõ nét, quyết liệt của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, sự nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm, đoàn kết thống nhất cao của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị và nhân dân, kinh tế - xã hội thành phố trong năm 2019 tiếp tục đạt được kết quả nổi bật, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt mức tăng trưởng cao, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch, có chỉ tiêu hoàn thành vượt mức mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 16,5% (kế hoạch tăng 15,5% trở lên), cao nhất từ trước đến nay, gấp 2,4 lần bình quân chung cả nước (tốc độ tăng GDP cả nước đạt 6,8%), phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thành phố. Năm 2019, quy mô GRDP của Hải Phòng (theo giá so sánh) đạt khoảng 179.846 tỷ đồng, vượt mục tiêu đề ra cho năm 2020, hoàn thành mục tiêu Đại hội trước 01 năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 89.617,8 tỷ đồng (tăng 20,2% so với cùng kỳ), trong đó thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 60.000 tỷ đồng, thu nội địa 27.000 tỷ đồng.

Vậy còn kết quả của việc đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Hải Phòng năm 2019 thế nào, thưa ông?

Trong năm qua, Hải Phòng tiếp tục thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư tại thành phố: Tập đoàn FLC, Tập đoàn Geleximco, Công ty cổ phần Lavifood… Tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 152.960,5 tỷ đồng, tăng 39,69%; tỷ trọng vốn ngoài nhà nước và FDI chiếm 90,3% tổng vốn đầu tư trên địa bàn. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả tích cực, tính đến ngày 22/10/2019 có 71 dự án được cấp mới và 39 dự án điều chỉnh tăng vốn, đạt 1.123,39 triệu USD; ước cả năm đạt 1,5 tỷ USD, bằng 100% kế hoạch (kế hoạch 1,5 tỷ USD).

Xuân về trên cảng Lạch Huyện - TP Hải Phòng

Hải Phòng đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ hành chính công lên mức độ 3, mức độ 4. Về cải cách, cụ thể, thành phố đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới và thay đổi trực tuyến chiếm tỷ lệ 79,2% số hồ sơ; doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99,54%; đã giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng 402 lượt hồ sơ bằng phương thức điện tử (chiếm 93,71%), có 2.730 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử; kê khai hải quan điện tử đạt 99,99%; 100% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số trong kê khai thuế và hải quan điện tử.

Triển khai Hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến theo hình thức thuê dịch vụ. Hoàn thành cài đặt Hệ thống 33 Sở, ban, ngành, UBND, huyện và 212 xã, phường, thị trấn. Thiết lập 1.655 thủ tục hành chính từ cấp thành phố đến cấp xã; 397 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Hệ thống theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 09/6/2017. Đến nay, toàn thành phố đã triển khai 59 dịch vụ công mức độ 4.

Để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, ngoài những văn bản đã được ban hành, Hải Phòng đã đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. Lãnh đạo thành phố trực tiếp chủ trì hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng tháng nhằm giải quyết những kiến nghị của doanh nghiệp. Các sở, ngành, địa phương trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp theo thẩm quyền.

Có vẻ như Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm trước của Hải Phòng chưa thật sự ấn tượng, vậy thành phố khắc phục tình trạng này thế nào, thưa ông?

Mặc dù, chỉ số PCI của Hải Phòng năm 2018 không đạt được như kỳ vọng, chỉ xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố. Nhưng Hải Phòng đã nỗ lực vượt qua chính mình bằng cách khắc phục và tăng điểm 2 chỉ số bị giảm điểm của năm 2017 là chỉ số tính minh bạch và chi phí thời gian. Trong đó, chỉ số tính minh bạch tăng 0,16 điểm và chỉ số thời gian tăng 0,41 điểm.

Xuân về trên Thành phố cảng 

Để tập trung khắc phục 4 chỉ số bị giảm điểm và cải thiện điểm số 6 chỉ số thành phần PCI năm 2019, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 22/7/2019 nâng cao nâng cao chỉ số PCI của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2019 - 2020, điều này đã thể hiện các nỗ lực của thành phố trong việc cải thiện chỉ số PCI.

Cụ thể, thành phố Hải Phòng phấn đấu vào nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt; phấn đấu điểm số PCI đạt trên 65 điểm, nâng vị trí xếp hạng trong tốp 10 tỉnh, thành phố. Cải thiện điểm số của 10 chỉ số thành phần PCI, khắc phục và cải thiện mạnh mẽ hạn chế của 4 chỉ số bị giảm điểm năm 2018: Gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động.

Vậy Hải Phòng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thế nào trong thời gian tới, thưa ông?

Trong thời gian tới, thành phố Hải Phòng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp, xây dựng nền hành chính thông thoáng, khoa học, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, có ý nghĩa chiến lược; cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại, trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025 với tỷ trọng công nghiệp trong GRDP đạt 41,9%, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 36,4%, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giai đoạn từ 2021-– 2025 tăng bình quân trên 23%/năm…

Đối với phát triển doanh nghiệp, thành phố chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân, xây dựng doanh nghiệp của thành phố Hải Phòng có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, xây dựng và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; nhiều doanh nghiệp tham gia mạng sản xuất chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Phấn đấu đến năm 2020, toàn thành phố có trên 33.000 doanh nghiệp hoạt động.

Về phát triển dịch vụ, trọng tâm là cảng biển và logistic, du lịch, đến năm 2025, thành phố Hải Phòng sẽ đầu tư xây dựng 1-3 khu dịch vụ logistics cấp quốc gia, tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30- 35%/năm. Đến năm 2030, Hải Phòng phấn đấu trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao…

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp góp ý đẩy mạnh liên kết phát triển nông sản vùng kinh tế Bắc Bộ

    Doanh nghiệp góp ý đẩy mạnh liên kết phát triển nông sản vùng kinh tế Bắc Bộ

    11:00, 22/12/2019

  • Liên kết doanh nghiệp để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    Liên kết doanh nghiệp để phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    11:27, 22/12/2019

  • 5 trụ cột phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    5 trụ cột phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    17:04, 20/12/2019

  • Hoàn thiện môi trường thu hút đầu tư vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    Hoàn thiện môi trường thu hút đầu tư vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    16:41, 20/12/2019

  • Kinh nghiệm thu hút đầu tư phát triển từ Quảng Ninh

    Kinh nghiệm thu hút đầu tư phát triển từ Quảng Ninh

    16:23, 20/12/2019

  • Động lực tăng trưởng từ các tập đoàn kinh tế lớn

    Động lực tăng trưởng từ các tập đoàn kinh tế lớn

    16:01, 20/12/2019

Bên cạnh đó, với định hướng phát triển mạnh các thành phần kinh tế để tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của thành phố, thành phố tiếp tục kết hợp thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư của các doanh nghiệp trong nước với phát huy nội lực của doanh nghiệp thành phố; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng: công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; chế biến nông sản, phát triển các vùng khó khăn, nông nghiệp và nông thôn; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn; các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội, bảo đảm môi trường và an ninh quốc gia....; Đặc biệt chú trọng các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới…

Về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại, thành phố tập trung phát triển đồng bộ 04 nhóm kết cấu hạ tầng thương mại: Hạ tầng xuất, nhập khẩu, hạ tầng bán buôn, hạ tầng bán lẻ và trung tâm hội nghị triển lãm thương mại; tập trung xúc tiến các dự án phát triển du lịch: khu du lịch sinh thái, resort cao cấp, khách sạn 5 sao, sân golf, khu vui chơi, giải trí, mua sắm tổng hợp.

Về nông nghiệp, thành phố ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển bền vững (tại các huyện: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy, Thủy Nguyên, quận Dương Kinh), cung cấp nông sản an toàn cho người tiêu dùng và xuất khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hải Phòng: Khẳng định vai trò động lực của vùng Bắc Bộ và cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO