Đúng lúc ngành xây dựng đang quay trở lại thời kỳ hoàng kim thì Vũ Văn Lực từ bỏ về quê nuôi… quốc ngư của xứ sở mặt trời mọc.
Về thôn Kỳ Sơn, Tân Trào, Kiến Thụy, Hải Phòng hỏi Lực “Koi” ai cũng biết vì câu chuyện nuôi cá Koi như “chập mạch” của anh ngày ấy thu hút quá nhiều sự hiếu kỳ của người dân nơi đây.
Năm 2017, khi ngành xây dựng đang “hồi sinh” sau nhiều năm “thở ô xy”, gia đình Lực bắt đầu mừng thầm là tương lai của Lực sẽ khá hơn rất nhiều. Khi ấy Lực đã là kỹ sư của Công ty xây dựng hàng không ACC (thuộc bộ Quốc Phòng) với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Nhưng anh Lực đã quyết định từ bỏ niềm mơ ước của nhiều người để về quê khởi nghiệp lại từ đầu. Mặc cho khi ấy gia đình và bạn bè rất e ngại, hồ nghi và cản trở nhưng chàng trai này vẫn quyết định “xuống tiền” nuôi cá Koi, một giống cá chép được ví như là quốc ngư của Nhật Bản.
Theo quan điểm của gia đình Lực và xã hội, nếu có khởi nghiệp lại thì cũng phải là sản phẩm gì đó đang “hot” được người dân ưa chuộng. Có như vậy, cái giá để đánh đổi mới xứng đáng. Nhưng đây là cá cảnh và chưa được thị trường quan tâm nhiều. Thậm chí cá Koi lại là giống cá “đỏng đảnh”, nuôi rất tốn kém.
Có thể bạn quan tâm
Nhưng anh Lực nhận thấy xu thế về đời sống người dân đang phát triển và sở thích nuôi cá cảnh để trang trí nhà và phong thủy đang dần trở thành một nhu cầu. Chính nhận định như vậy nên anh Lực quyết định khởi nghiệp cá Koi để “chiều lòng” thị hiếu của thị trường trong tương lai.
Thay vì phải đầu tư những bể cá Koi hàng tỷ đồng như các đại gia về cá Koi ở Việt Nam, thì anh Lực mạnh dạn thuê 10 mẫu đất trồng lúa kém hiệu quả của thôn Kỳ Sơn để cải tạo thành ao nuôi cá.
Có đất và nắm được kỹ thuật nuôi cá Koi trong tay, anh Lực bỏ ra hơn 50 triệu đồng để mua 5 vạn cá chép Koi giống về nuôi thử.
Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan, bao nhiêu tiền bạc đổ hết xuống hồ để mong ngày cá Koi “lên bờ” trả ơn mình đã đánh đổi cả tương lai nhưng “nhân tính không bằng trời tính”, dân chơi Hải Phòng chưa “thích” Koi, chưa hiểu Koi, chưa chơi với Koi. Anh Lực thực sự hoang mang…
Các nàng “mỹ ngư” của anh Lực đã không thể tìm được bến đỗ như tính toán của anh Lực, mà thức ăn thì lại quá tốn kém, trung bình một ngày đàn Koi “đầu đời” của anh Lực ăn hết 1 triệu đồng tiền cám. Giấc mơ Koi “ám ánh” anh Lực mỗi đêm. Đâm lao thì phải theo lao, anh Lực đành phải "cắm" sổ đỏ của gia đình để vay thêm 300 triệu đồng, liều mình theo Koi.
Anh Lực chia sẻ: “Ngày đó vì không bán được nên chỉ cho cá Koi ăn cầm cự để tìm đầu ra. Mỗi ngày cá Koi cũng ngốn cả hơn 1 triệu đồng tiền cám. Trông ao cá đẹp ai cũng thích, nhưng vì nuôi chúng quá tốn kém mà tôi phải mang cả sổ đỏ của bố mẹ ra ngân hàng cầm cố để lấy tiền cho đàn cá ăn. Lúc đó chán nản vô cùng, nhiều lúc muốn bỏ nghề.Trời không phụ lòng người, hiện cơ sở của tôi mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 5 tấn cá chép Koi, mỗi kg cá chép Koi có giá trung bình 250 ngàn đồng. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi lãi khoảng 500 triệu đồng. Nuôi cá chép Koi khá đơn giản và kỹ thuật nuôi cá Koi giống như nuôi các loại cá chép khác của Việt Nam nhưng giá bán lại cao gấp 3-4 lần so với cá chép bình thường nên cho hiệu quả kinh tế rất cao”.
Theo anh Lực, cá Koi thuộc hạng mỹ ngư trong thế giới cá cảnh, biểu trưng cho sự giàu sang, may mắn, trường thọ. Trên thế giới có khoảng 70 dòng cá Koi. Trong một đàn cá Koi bao giờ cũng có một con cá thủ lĩnh dẫn đầu (gọi là dòng Chagoi). Các cá thể cá Koi trong đàn phải đủ ít nhất 3 màu sắc là đen, đỏ và vàng, bởi nó biểu trưng cho sự hài hoà âm - dương. Những con cá Koi đạt chuẩn có giá hàng trăm, thậm chí hàng ngàn USD mỗi cặp.
Để cố được ngày hôm nay, anh Lực không bao giờ quên được những áp lực mà mình phải đối mặt những ngày đầu. Đã có lúc anh nghĩ rằng mình quyết định như vậy là “lạc bước hai xe đành bỏ phí”, bao năm ăn học lại không kiên trì mà về quê khởi nghiệp lại từ đầu thế này. Nếu có thất bại, anh Lực cũng không hối hận, chỉ thương bố mẹ phải lo lắng cho mình. Nhưng đúng là “gặp thời một tốt cũng thành công”. Anh Lực đã khởi nghiệp thành công và trở thành tấm gương cho rất nhiều thanh niên.